Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tăng tốc “chạy trường”

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh chen nhau nộp hồ sơ cho con vào lớp 1. Ảnh: N.H

Ngay sau khi các quận, huyện (tại TP.HCM và TP. Cần Thơ) đặc biệt là các quận trung tâm có kế hoạch tuyển sinh đầu cấp thì vấn nạn “chạy trường” bắt đầu vào giai đoạn tăng tốc. Bởi theo ý kiến của các ông bố, bà mẹ thì bây giờ không “chạy” sẽ không còn cơ hội vào trường “điểm”…
“Người tính không bằng trời tính”
Năm nay, bé Thủy Tiên vào lớp 1 nên mới đầu tháng 11-2008, chị Thanh Thủy (Q.7) đã chuyển khẩu cho con vào nhà một người bạn làm cùng cơ quan ở P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1. “Ở địa chỉ này thì nhất định sẽ được vào học tại Trường TH Trần Hưng Đạo. Vì năm ngoái, con gái người bạn này đã có giấy gọi vào Trường Trần Hưng Đạo”, chị Thanh Thủy lý giải về việc chuyển khẩu cho con.
Tuy nhiên, “người tính không bằng trời tính”. Theo quy chế tuyển sinh lớp 1 năm nay của Phòng GD-ĐT Q.1 thì những bé có hộ khẩu tập thể, mới chuyển khẩu hoặc tạm trú KT3 tại Q.1 từ sau tháng 10-2008 sẽ không được phân theo tuyến mà phải xem xét phân bổ trường học tùy tình hình cụ thể. Do đó, bé Thủy Tiên không được vào Trường Trần Hưng Đạo mà lại có giấy gọi vào Trường TH Phan Văn Trị. Không bằng lòng với sự sắp đặt của Phòng GD-ĐT Q.1, chị Thủy Tiên quyết định “chạy” lần 2. “Tôi đã tìm hiểu rất kỹ quy chế tuyển sinh của Phòng GD-ĐT Q.1, theo đó con tôi dù đã có giấy gọi vào Trường Phan Văn Trị nhưng vẫn có thể nộp hồ sơ xin xét tuyển vào Trường Trần Hưng Đạo”.
Mặc dù là vậy nhưng cơ hội “chiến thắng” của chị Thủy Tiên có phần khá mong manh. Bởi năm nào số học sinh ngoài tuyến xin vào Trường Trần Hưng Đạo cũng cao 2-3 lần so với khả năng tiếp nhận của trường.
Những phụ huynh rơi vào tình cảnh trớ trêu như chị Thanh Thủy không phải là ít. Bởi theo bà Trần Thị Kim Thanh – Trưởng phòng GD-ĐT Q.1 thì: “Từ nhiều năm nay, cứ gần đến mùa tuyển sinh thì số trẻ 6 tuổi nhập khẩu vào Q.1 lại tăng. Đặc biệt là ở những phường có trường tiểu học to, đẹp. Chẳng hạn như P. Đa Kao, có gia đình có tới 6 đứa trẻ trong độ tuổi vào lớp 1. Mục đích của phụ huynh là muốn con được vào Trường Đinh Tiên Hoàng hoặc Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ ưu tiên cho trẻ có hộ khẩu và KT3 lâu rồi, những trẻ mới nhập sẽ đưa sang các trường khác”. Và đấy chính là lý do mà những đứa trẻ mới nhập khẩu vào P. Đa Kao, P. Nguyễn Cư Trinh không được học ở Trường Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Hưng Đạo mà lại học ở Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải và Phan Văn Trị…
6 năm trước, chị Minh (Q.5) đã “chạy” cho con vào Trường Tiểu học Hòa Bình, Q.1. Với tính toán của vợ chồng chị thì lên lớp 6 Quang Minh sẽ học ở Trường THCS Võ Trường Toản. Song, Phòng GD-ĐT Q.1 lại phân Quang Minh về Trường THCS Chu Văn An. Vì Quang Minh chỉ có 17,5 điểm nên không thể nộp hồ sơ vào các trường khác (đợt 2) nên chị Minh quyết định “giá nào cũng chi” để con có một chỗ học ở Trường THCS Võ Trường Toản.
“Chạy trường” xong, tiếp tục “chạy… lớp”
Cứ tưởng chỉ có “chạy trường”, nào ngờ nhiều phụ huynh còn “chạy” cả lớp. “Đã vào được trường “xịn” rồi, bây giờ phải chạy vào lớp “xịn” chứ”, chị Giang (P. Đa Kao, Q.1) cho biết.
Từ khi bé Huyền Anh có giấy gọi vào Trường TH Đinh Tiên Hoàng, chị Giang “chạy” hết chỗ này đến chỗ nọ để con gái có thể được xếp vào lớp tăng cường tiếng Anh (TCTA). “Nếu chị muốn con vào lớp TCTA thì đăng ký rồi tham dự khảo sát”, tôi nói. Nhưng chị Giang lại cho rằng: “Nhu cầu của phụ huynh thì nhiều mà trường chỉ có 2 lớp TCTA, nếu cứ đi “đường thẳng” như em nói thì hên xui lắm. Chị không thể mạo hiểm được”. Việc chị Giang “chạy” cho con vào lớp TCTA không chỉ đơn giản là muốn con học tốt tiếng Anh mà còn bởi: “Sĩ số lớp TCTA ít, chỉ có 35 học sinh/lớp nên giáo viên có điều kiện quan tâm đến học sinh nhiều hơn”, chị Giang nói.
Khác với các bậc phụ huynh ở nội thành là “chạy” vào lớp TCTA, các ông bố, bà mẹ ở quận ven lại “chạy” vào lớp bán trú. Do sĩ số học sinh vào lớp 1 quá đông, trong khi số phòng học chỉ có giới hạn nên phần lớn các quận ven như Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Tân… đều phải giảm số lớp bán trú. Theo đó, muốn học bán trú không phải cứ đăng ký là được.
Theo giấy gọi nhập học, bé Long – con chị Thu Nga (P.Tân Chánh Hiệp, Q.12) vào học ở cơ sở 2 Trường TH Trần Quang Cơ. Vì cơ sở này không có lớp bán trú nên vợ chồng chị Thu Nga sẵn sàng “chi” 5 triệu cho “cò chạy trường” chuyển bé Long sang cơ sở 1 học lớp bán trú. “Tôi làm cấp dưỡng ở Trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký, Q.Tân Bình, ngày nào cũng phải đi sớm về trễ. Bởi vậy không ai đón con vào buổi trưa được, nếu không cho bé học bán trú thì tôi hoặc chồng phải nghỉ việc. Thôi thì 5 triệu chứ 10 triệu cũng phải chi để con được học bán trú”, chị Thu Nga cho biết.
Chất lượng giảm, giáo viên mất việc
Những năm gần đây, tại TP. Cần Thơ việc “chạy trường” lại biến tướng thành một hình thức khác được xem là đơn giản hơn rất nhiều, đó là “chạy hộ khẩu”… và điểm nóng hiện nay là Trường TH Lê Quí Đôn.
Theo thầy Trần Quang Khiêm, Hiệu trưởng Trường TH Lê Quí Đôn (TP. Cần Thơ): “Số liệu nhập hộ khẩu mới chiếm nhiều nhất trong các trường hợp học sinh phát sinh. Nhiều trường hợp khi nộp hồ sơ vào trường chỉ mới được chuyển hộ khẩu vài tháng hoặc chỉ vài tuần, thậm chí chỉ vài ngày…”.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch UBND P. An Cư, cho biết: “Tình hình quá tải ở Trường TH Lê Quí Đôn thời gian qua gây bức xúc trong dư luận, nhất là trong bà con và đảng viên sinh hoạt nơi cư trú vì số lượng học sinh tăng, không tổ chức được các lớp bán trú làm ảnh hưởng đến công việc của người dân địa phương”. Phải nhìn nhận rằng, số lượng học sinh 6 tuổi trên địa bàn P. An Cư “rất đặc biệt” so với những phường khác. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, so sánh: “Toàn P. Hưng Lợi có khoảng 25 ngàn dân nhưng chỉ có 141 trẻ 6 tuổi vào lớp 1; P. Tân An khoảng 110 trẻ… Trong khi đó, P. An Cư có khoảng 20 ngàn dân nhưng có trên 360 trẻ 6 tuổi vào lớp 1 năm học 2009-2010”.
Trường Lê Quí Đôn có tổng diện tích chưa đến 4.000m2, được xây dựng 1 trệt, 2 lầu. Hàng năm, trường phải gánh trên 2.000 học sinh. Với số lượng học sinh như dự kiến, năm học 2009-2010, chắc chắn Trường TH Lê Quí Đôn sẽ có trên 11 lớp 1 và tất cả các lớp này không thể thực hiện bán trú hoặc 2 buổi/ ngày vì không đủ phòng học. Thầy Khiêm chia sẻ: “Không tổ chức được các lớp bán trú gây thêm nhiều hệ lụy: Phụ huynh mất nhiều thời gian đưa rước và phải có kế hoạch cho trẻ với buổi còn lại ở nhà; ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình, làm phát sinh tình trạng dạy thêm học thêm khi học sinh có một buổi ở nhà… Ngoài ra, không tổ chức được mô hình bán trú, một số bảo mẫu, nhân viên dôi dư phải nghỉ việc. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo nhất với trường chúng tôi chính là chất lượng của học sinh sẽ giảm sút khi không được học 2 buổi/ ngày”.
Hòa Triều – Thái Hải

Bình luận (0)