Hội nhậpGiáo dục phát triển

Bình đẳng giới trong giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2004, Thụy Điển đã bỏ ra một năm tròn để xúc tiến sự bình đẳng giới trong 28 trường, đối tượng là học sinh nam nữ từ 1 đến 15 tuổi. Một ngân sách gần 10 triệu Euro được bỏ ra để mở rộng chương trình này ở các trường tiểu học trong những năm sắp đến. Trường Jarfalla ở ngoại ô Stockholm được chọn là trường đi tiên phong thực hiện bình đẳng giới.                                        

Năm 2005, 24 thầy cô của trường đón khoảng 100 nam và nữ học sinh. Các giáo viên cố gắng thay đổi cách cư xử của mình cho hợp với mục tiêu xóa bỏ phân biệt nam nữ trong trường học. Thầy Ingrid Stenman nói: “Trước kia chúng tôi khuyến khích các em nam chơi những trò chơi mạnh bạo như: nhảy, leo trèo, đuổi nhau; nhưng đối với các em nữ thì chúng tôi không rời mắt, chỉ sợ các em ngã, và lúc nào cũng chuẩn bị trợ giúp các em”. Mấy năm gần đây các giáo viên nghĩ rằng thái độ của họ đã thay đổi, không còn “phân biệt đối xử nam, nữ nữa”. Họ có vẻ thỏa mãn…
Nhưng sự thực có đúng như các thầy nghĩ không? Năm 2004, một nhà sư phạm nữ đã đến làm việc ở trường trong chương trình của Chính phủ về bình đẳng giới. Trong nhiều tháng bà quay phim các hoạt động, quan sát việc đón các em buổi sáng, ăn cơm với các em. Bà đi đến một kết luận làm ngạc nhiên các thầy cô: trên thực tế giáo viên đã có cách cư xử khác nhau đối với học sinh nam và nữ mà không biết, vì ý thức phân biệt nam nữ đã ăn sâu vào tiềm thức, biến thành hành động một cách rất tự giác. Hơn nữa trong ý thức các em, sự phân biệt nam nữ cũng rất rõ. Sau đây là một số biểu hiện:
2/3 lời nói của các giáo viên là dành cho nam; trong tiếp xúc các thầy cô cho rằng nam cắt chuyện của nữ là thường, nhưng lại yêu cầu nữ phải kiên nhẫn chờ cho nam nói hết đã; khi ra lệnh các thầy cô dùng lời lẽ ngắn gọn với nam, lại dùng lời lẽ giải thích tỉ mỉ dông dài với nữ.
Trong bữa ăn, bức tranh khác biệt càng rõ hơn. Những đoạn phim quay năm 2004 cho thấy: các thầy cô yêu cầu các em nữ 3 – 4 tuổi đem sữa, bánh, trái đến cho các em nhỏ hơn khi chúng khóc, vòi ăn, trong khi các em nam cùng tuổi thì cứ lo ăn mà các cô chẳng nói gì! Các chị phục vụ cũng thường nhờ các em nữ làm một số việc nội trợ như lau bàn, dọn bát, bày món ăn…, và không bao giờ nhờ các em nam.
Những nhận xét trên đã làm các thầy cô suy nghĩ và thấy rằng quả thật lâu nay mình có phân biệt đối xử nam nữ mà không biết!
Năm 2004, Chính phủ Thụy Điển bỏ ra 500.000 Euro cho những chương trình bình đẳng giới trong giáo dục, và riêng với Trường Jarfalla Bộ Giáo dục cấp 7.525 Euro. Thầy Ingrid Stenman theo học ngoài giờ một chuyên đề đại học về “Bình đẳng giới trong giáo dục”. Một giáo sư ở Đại học Stockholm nói: “Trong trường cũng như gia đình, lâu nay cách cư xử về vấn đề bình đẳng giới cũng giống hệt nhau mà không ai biết, nghĩa là vẫn còn phân biệt nam nữ một cách vô ý thức”.
Để “uốn nắn” lại tình hình, một thể nghiệm được đề ra: mỗi tuần để ra 90 phút cho các em chơi với nhau theo giới tính riêng của mình, nghĩa là nam chơi riêng, nữ chơi riêng. Cho nữ chơi những trò “nam tính” như nhảy cầu, lái ô tô, tranh bóng, đuổi bắt… Các em cũng mạnh dạn, xông xáo, nhanh nhẹn, chẳng thua gì nam, điều mà các em chưa hề có nếu để chơi chung nam, nữ. Ngược lại cho nam chơi những trò “nữ tính” như búp bê, nặn hình, thậm chí còn tập may vá, nấu ăn… Và các em cũng cảm thấy thích thú, say mê các trò tỉ mỉ của con gái như vậy. Mục đích của việc tráo đổi này để làm gì? Để cho các em thấy rằng việc phân biệt nam nữ trong sinh hoạt đời sống lâu nay chỉ là một thành kiến, một thói quen, hoàn toàn không phải là ranh giới về mặt khả năng riêng biệt “trời phú”. Phải làm cho các em nữ tự tin hơn, mạnh dạn hơn; và các em nam phải bỏ cái thói coi thường nữ, biết sống chừng mực hơn trong đối xử nam nữ.
Bà Nyamko Sabuni – Bộ trưởng Bộ Hội nhập và Bình đẳng của Chính phủ Trung hữu nói: Cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới phải bắt đầu càng sớm càng tốt.
Một ngân sách 11 triệu Euro được dành cho các trường tiểu học trong những năm sắp tới, để xúc tiến bình đẳng giới trong giáo dục.
Phan Thanh Quang
 (theo Le Monde)

Vấn đề bình đẳng giới trong giáo dục ở Pháp

Ở Pháp, vấn đề bình đẳng giới trong giáo dục không đặt ra một cách “quyết liệt” như ở Thụy Điển. Bình đẳng giới chủ yếu chỉ đặt ra trong lĩnh vực lao động (công việc làm, tiền lương…). Tuy vậy họ cũng công nhận rằng ở trường học sinh nam và nữ có bị đối xử khác nhau. Ví dụ khi chấm bài vật lý, bài làm tốt của nam được điểm cao hơn của nữ; bài làm xấu của nam bị điểm thấp hơn của nữ, hình như các giáo viên chú ý đến nam hơn khi dạy các môn khoa học tự nhiên.
Các thầy cô trao đổi về học tập với nam nhiều hơn (2/3 thời gian). Trong đối xử, giáo viên dễ dàng tha thứ, hoặc nhẹ tay với nam khi chúng vô kỷ luật một chút, nhưng tỏ ra nghiêm hơn với nữ.
Nhưng gần đây ở Pháp vấn đề bình đẳng giới cũng có được lưu tâm hơn. Một cuộc hội thảo về bình đẳng giới trong lao động đã được mở ra ngày 13 và 14-11-2008 trong khuôn khổ của Hội đồng châu Âu.
Cần nhắc lại, năm 2000 đã có một văn bản của Bộ Giáo dục nhắc nhở các giáo viên “cách cư xử đối với nữ sinh khi dạy toán”. Và ngày 8-3 năm nay bà Hiệu trưởng Trường Besancon, Marie – Jean Philippe được bổ nhiệm đứng đầu một hội đồng về bình đẳng giới trong giáo dục.
 

 

Bình luận (0)