Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bước vào kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2009: Những điều thí sinh cần lưu ý

Tạp Chí Giáo Dục

Các chiến sĩ tình nguyện đang hướng dẫn thí sinh và phụ huynh đưa con đi thi đại học (ảnh chụp tại Bến xe Miền Đông TP.HCM chiều 1-7)

Hơn 1 triệu thí sinh bước vào kỳ tuyển sinh ĐH 2009 trong hai đợt (ngày 3, 4, 5-7 và 8, 9, 10-7). Theo ông Ngô Kim Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, sĩ tử khi bước vào phòng thi cần phải chú ý một số điểm quan trọng.
Bộ đã chuẩn bị những gì cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2009, thưa ông?
Công tác triển khai kế hoạch cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2009 được Bộ GD-ĐT thực hiện bắt đầu từ tháng 2-2009 với các nội dung như: ban hành các tài liệu tuyển sinh ĐH, CĐ 2009; tập huấn máy tính tuyển sinh; nhận hồ sơ đăng ký dự thi; bàn giao hồ sơ và lệ phí đăng ký dự thi; văn bản gửi các bộ ngành; ban hành các quyết định; ra đề thi; công tác kiểm tra và tập huấn nghiệp vụ thanh tra; làm việc với các cơ quan hữu quan và cuối cùng là công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn mùa thi.
Việc đảm bảo an ninh, trật tự cho kỳ thi cũng luôn là khâu quan trọng để kỳ thi được diễn ra an toàn, nghiêm túc. Bộ cũng đã đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ 25 cơ sở in sao đề thi, các trường ĐH, CĐ bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn các khâu liên quan đến đề thi tuyển sinh và các tài liệu thuộc danh mục bí mật theo quy định của nhà nước. Đồng thời, đảm bảo an ninh, trật tự các điểm thi, có biện pháp quản lý, phòng ngừa các hành vi vi phạm ở các khu vực thi; có phương án ngăn ngừa, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực như: tung tin thất thiệt, bán đề thi giả, in ấn mua bán phao thi, xâm nhập trái phép khu vực thi và phòng thi để cướp đề thi, đe doạ giám thị, sử dụng công nghệ cao để đưa đề thi ra ngoài và nhận bài giải từ ngoài vào trong phòng thi…
Bộ GD-ĐT cũng đề nghị Bộ Y tế phối hợp có hướng dẫn các trường ĐH, CĐ đề phòng, ngăn ngừa các dịch bệnh, nhất là dịch cúm A/H1N1, kịp thời xử lý các tình huống khi có dịch xảy ra.
Điểm mới của tuyển sinh ĐH, CĐ 2009 là gì thưa ông?
Tuyển sinh ĐH, CĐ 2009 có 7 điểm mới. Trong đó, đặc biệt là thay đổi khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh. Đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1.0 điểm nhưng không quá 1.5 điểm (quy định cũ là không quá 2 điểm). Đối với các trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0.5 điểm nhưng không quá 1.0 điểm. Điểm khác biệt nữa của năm nay là các thí sinh dự thi các ngành năng khiếu (đợt 2), các môn văn hoá sẽ thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT. Riêng môn năng khiếu thi theo đề của trường. Đáng chú ý là tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm và tước quyền dự thi tuyển sinh 2 năm tiếp theo đối với những thí sinh sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp…
Thí sinh vẫn còn băn khoăn nhiều phần chung, phần riêng trong đề thi, xin ông giải thích rõ hơn?
Tất cả thí sinh đều phải làm phần chung. Đây là phần giao thoa kiến thức giữa chương trình cơ bản và chương trình nâng cao. Đối với phần riêng, thí sinh được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài, không phụ thuộc thí sinh đó học ở chương trình nào. Không được chọn cả hai phần riêng, nếu làm cả hai phần riêng thì coi là phạm quy. Đây là cấu trúc đề thi đối với các môn thi văn hoá như toán, văn, sử, địa, lý, hóa, sinh. Riêng môn ngoại ngữ (Anh, Nga, Pháp, Trung) đề thi chỉ có phần chung mà không có phần riêng. Nội dung được ra trong phần giao thoa giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao.
Để tránh sai sót trong ngày đầu làm thủ tục thi, theo ông, thí sinh cần chú ý điểm gì?
Đợt 1, thí sinh làm thủ tục dự thi vào ngày 3-7, đợt hai vào ngày 8-7 và đợt 3 vào ngày 13-7. Nếu thí sinh phát hiện ra sai sót trong hồ sơ đăng ký dự thi (về ngày sinh, đối tượng, khu vực…), trong ngày làm thủ tục, thí sinh mang phiếu số 2 đến báo cáo với các cán bộ coi thi để được kiểm tra đối chiếu với hồ sơ gốc. Và đặc biệt thí sinh phải mang theo các minh chứng. Ví dụ, thí sinh đó là người dân tộc thiểu số, nhưng trong giấy báo dự thi lại ghi là dân tộc Kinh thì phải có bằng chứng để chứng minh điều ngược lại…Nhà trường sẽ xác nhận vào phiếu số 2 và hồ sơ. Hoặc nếu thí sinh bị mất hoặc thất lạc giấy báo thi, kể cả thẻ dự thi, thì thí sinh nên gọi điện đến phòng đào tạo của trường mình dự thi và vẫn đến làm thủ tục dự thi bình thường. Thí sinh sẽ phải làm giấy cam đoan và nhà trường sẽ chụp ảnh tại chỗ. Các trường tạo điều kiện thuận lợi để các thí sinh được dự thi.
Lời khuyên của ông dành cho thí sinh khi vào phòng thi?
Trước khi vào phòng thi, thí sinh bình tĩnh, tự tin. Chuẩn bị sẵn sàng cho mình 3 yếu tố cơ bản: sức khoẻ tốt + kiến thức vững vàng + tâm lý ổn định. Nếu thí sinh có đủ 3 yếu tố trên thì tôi hy vọng thí sinh sẽ đạt kết quả tốt trong kỳ thi.
Nếu bài thi của thí sinh bị hội đồng tuyển sinh làm thất lạc thì xử lý như thế nào, thưa ông?
Trong trường hợp này, chủ tịch hội đồng tuyển sinh trường có trách nhiệm kiểm tra, xác minh nguyên nhân bị thất lạc, làm rõ trách nhiệm của những cán bộ có liên quan, báo cáo ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và thông báo cho sở GD-ĐT tỉnh, thành phố và thí sinh biết. Quyết định tổ chức cho thí sinh thi bổ sung, thời gian, địa điểm, hình thức thi bổ sung và những vấn đề khác có liên quan. Thí sinh không dự thi bổ sung thì không được xét tuyển. Trong trường hợp thí sinh bị thiếu điểm môn thi do lỗi của hội đồng tuyển sinh trường nhưng tổng số điểm 2 môn còn lại bằng hoặc cao hơn điểm xét tuyển vào trường dự thi đối với đối tượng và khu vực dự thi của thí sinh đó, thì chủ tịch hội đồng trường gọi thí sinh vào học theo ngành đã đăng ký mà không cần tổ chức thi bổ sung.
Tuy nhiên, trong quá trình tập huấn, chúng tôi cũng đã nói rất kỹ điều này đối với giám thị coi thi.
Đối với những thí sinh báo mất bài giả và bị phát hiện, thì họ sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?
Trước hết phải kiểm tra lại, hai giám thị coi thi phải xác minh lại xem thí sinh đó có nộp bài không. Nếu phát hiện thí sinh cố tình vi phạm thì phải xác minh bằng được, kể cả mời lực lượng công an vào cuộc. Những thí sinh này được coi là giả mạo và sẽ bị cấm thi hai năm.
Trong trường hợp thí sinh bị ốm đột xuất hoặc bị tai nạn, có được miễn không, thưa ông?
Không có chuyện đó. Vì khác với kỳ thi tốt nghiệp, tính chất của kỳ thi ĐH, CĐ khác hoàn toàn.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)