Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bất cập chương trình giáo dục công dân

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết học môn GDCD với nhiều hình ảnh minh họa sinh động tại Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM). Ảnh: Anh Khôi
Cử nhân ngành giáo dục công dân (GDCD) là những người giảng dạy môn GDCD ở trường phổ thông; thế nhưng chương trình và phương pháp giảng dạy môn này ở trường phổ thông hiện nay đang gợi lên rất nhiều chỉ trích đòi hỏi phải thay đổi. Bộ GD-ĐT cũng đã nhận thức thấy điều này và trong tương lai gần việc thay đổi đó sẽ diễn ra. 
Chương trình môn GDCD ở trường THCS là một hệ thống các bài học rèn luyện đạo đức, pháp luật và kỹ năng sống. Chương trình này đòi hỏi giáo viên môn GDCD phải có tri thức và kỹ năng thuộc các lĩnh vực: Khoa học giáo dục, phương pháp giảng dạy đạo đức, phương pháp tu dưỡng đạo đức, Luật Giao thông, pháp luật về chăm sóc và bảo vệ trẻ em, quyền trẻ em, các quyền cơ bản của công dân, các vấn đề của địa phương, gia đình, công tác đội. Ngoài ra còn là kỹ năng giao tiếp và kỹ năng sống. Do đó đòi hỏi đặc biệt của môn học này ở bậc THCS đối với giáo viên vừa là kiến thức vừa là khả năng rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.
Còn đối với chương trình THPT, giáo viên môn GDCD phải có tri thức và kỹ năng thuộc các lĩnh vực khoa học giáo dục đạo đức triết học và kinh tế chính trị Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tri thức về tình yêu, hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, hiện nay chương trình GDCD của bậc THPT còn chứa nhiều điểm bất hợp lý. Cụ thể, trong học kỳ I lớp 10 học các vấn đề triết học, học kỳ II lớp 11 thì học các vấn đề về kinh tế chính trị. Thực tế cho thấy nội dung này hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi và khả năng tiếp thu của học sinh. Trên diễn đàn “Học GDCD để làm gì?”, GS. Văn Như Cương viết: “Bài Phủ định siêu hình và phủ định biện chứng trong sách giáo khoa lớp 10 khó hiểu, muốn đạt điểm cao học sinh phải học thuộc lòng. Vậy thì các em học cái đó để làm gì?”. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, sự bất hợp lý không chỉ dừng lại ở việc nhồi nhét kiến thức mà còn là chuyện kiến thức không phù hợp với lứa tuổi và quá hàn lâm trừu tượng. Theo họ, học sinh bậc THPT là lứa tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, vì vậy cần trang bị về kiến thức kỹ năng sống nhiều hơn chứ không phải là lượng kiến thức quá cao siêu theo phân phối chương trình. Các giáo viên trực tiếp giảng dạy môn GDCD ở trường THPT cũng có quan điểm như vậy. Bộ GD-ĐT cũng đã nhận sự cần thiết phải sửa đổi chương trình môn GDCD ở trường phổ thông để gắn lý thuyết với cuộc sống thực tế hơn.
Môn học GDCD không nhằm trước hết đến việc trang bị kiến thức mà nhằm đến việc hình thành hành vi và thói quen đạo đức tốt cũng như tuân thủ pháp luật, tạo dựng lối sống tích cực, lành mạnh… cho học sinh.
Tại hội thảo Tăng cường đạo đức lối sống cho học sinh – sinh viên (tổ chức ngày 11-4-2014 tại Hà Nội), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý đã phát biểu với báo chí rằng, hiện nay việc dạy môn GDCD đang có vấn đề. Nội dung một số bài không phù hợp với lứa tuổi, đối tượng học. Thời gian tới chương trình sẽ được lồng ghép nội dung học vào thực tế thông qua các giờ học ngoại khóa. Thứ trưởng Trần Quang Quý cũng cho rằng cần tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh – sinh viên. Vì sự bất cập đã nêu trên nên những đòi hỏi về đào tạo giáo viên môn học này còn cần tính đến sự thay đổi, hợp lý hóa chương trình môn GDCD ở trường THPT. Nói cách khác, chúng ta cần căn cứ trên đòi hỏi cơ bản mà chương trình môn GDCD dành cho học sinh THPT phải có để xây dựng chương trình ngành GDCD. Môn học GDCD không nhằm trước hết đến việc trang bị kiến thức mà nhằm đến việc hình thành hành vi và thói quen đạo đức tốt, ý thức và thói quen tôn trọng cũng như tuân thủ pháp luật, tạo dựng lối sống tích cực, lành mạnh, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.
Như vậy môn học này ở trường THPT nên bao gồm các bài học đạo đức, pháp luật lối sống tích cực, rèn luyện kỹ năng sống. Những tri thức triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học không nên đưa vào môn học này. Ở bậc học này giáo viên rất cần biết cách rèn luyện kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, trình bày vấn đề cho học sinh.
TS. Phạm Đình Nghiệm (Trường ĐH Sài Gòn) 
 
Không đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về triết học
Đòi hỏi đối với giáo viên môn GDCD trong trường THPT là phải có kiến thức và kỹ năng về khoa học giáo dục, đạo đức học, tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, pháp luật, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; hiểu biết về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và địa phương; lối sống, kỹ năng sống. Chưa nên có đòi hỏi kiến thức chuyên sâu thuộc các lĩnh vực triết học Mác – Lênin, kinh tế chính trị Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học.
 
 

Bình luận (0)