Trước khi bộ sách ra đời, học sinh ở Đà Nẵng đã tham gia rất nhiều cuộc thi tìm hiểu về lịch sử địa phương
|
Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng chuẩn bị cho in gần 100 ngàn cuốn sách về lịch sử Đà Nẵng dùng làm tài liệu giảng dạy chính khóa ở bậc THCS và THPT. Báo Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Hùng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, Chủ biên sách Lịch sử Đà Nẵng xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, được biết, Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng sắp cho in gần 100 ngàn cuốn sách Lịch sử Đà Nẵng dùng làm tài liệu giảng dạy chính khóa cho học sinh THCS và THPT của TP, ông có thể cho biết sơ qua về chủ trương này?
– Ông Nguyễn Minh Hùng: Ngày 18-7-2014, tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016, HĐND TP ra thông báo số 59/TB-HĐND về việc đưa Hoàng Sa vào nội dung dạy học trong các trường trung học trên địa bàn TP. Sau đó, ngày 5-8-2014, UBND TP ban hành công văn số 6882/UBND-VX về việc triển khai thông báo số 59/TB-HĐND của HĐND TP. Việc này phù hợp với công văn số 5977/BGDĐT-GDTrH ngày 7-8-2008 về việc hướng dẫn thực hiện nội dung giáo dục địa phương ở bậc THCS và THPT từ năm học 2008-2009 của Bộ GD-ĐT. Trên cơ sở đó, Sở GD-ĐT chủ trì biên soạn 2 cuốn sách Lịch sử Đà Nẵng (THCS và THPT); trong đó có phần dạy học về quần đảo Hoàng Sa – huyện đảo thuộc TP.Đà Nẵng, để tiến hành dạy học chính khóa trong các trường THCS, THPT từ năm 2015.
Như vậy, nội dung cụ thể của cuốn sách Lịch sử Đà Nẵng được phân bố như thế nào cho từng khối lớp, bậc học?
– Sách bao gồm các nội dung: Tổng quan về TP.Đà Nẵng; Đà Nẵng trong các thế kỉ XIV-XV, XVI-XVIII, XVIII-XIX, XIX; Đà Nẵng trong cuộc vận động giải phóng dân tộc và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1919-1954); Đà Nẵng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), thời kỳ xây dựng đất nước từ sau năm 1975 và Đà Nẵng từ 1997 khi trở thành TP trực thuộc TW. Huyện đảo Hoàng Sa được đặt trong mối quan hệ với tiến trình lịch sử đất nước, từ khi là vùng lãnh thổ cực đông của Đại Việt đến triều Nguyễn (1802-1884), giai đoạn từ năm 1919 đến 1954 và từ 1954 đến nay. Các đơn vị bài học được bố trí gồm các phần chính: Lớp 6 (1 tiết): Tổng quan về TP.Đà Nẵng; Lớp 7 (3 tiết): Đà Nẵng trong các thế kỷ XIV-XV; Đà Nẵng trong các thế kỷ XVI-XVIII và Đà Nẵng trong các thế kỷ XVIII-XIX; Lớp 8 (1 tiết): Đà Nẵng trong thế kỷ XIX; Lớp 9 (2 tiết): Đà Nẵng trong cuộc vận động giải phóng dân tộc và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1919-1954), Đà Nẵng trong thời kỳ chống Mỹ (1954-1975) và thời kỳ xây dựng đất nước từ sau năm 1975. Kèm theo đó là các phần đọc thêm cho các khối lớp; Lớp 10 (1 tiết): Đà Nẵng – từ đầu thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XIX; Lớp 11 (1 tiết): Đà Nẵng – từ giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX; Lớp 12 (2 tiết): Đà Nẵng trong cuộc vận động giải phóng dân tộc và kháng chiến chống thực dân Pháp (1919-1954), Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975). Kèm theo phần đọc thêm.
Thưa ông, sách bao quát tất cả tiến trình lịch sử hình thành, phát triển của một vùng đất, kể cả biển đảo Hoàng Sa. Như vậy, việc tinh gọn nội dung cũng không phải là một vấn đề dễ dàng, làm thế nào để biên soạn được một bộ sách vừa đảm bảo đầy đủ thông tin, vừa tinh gọn, dễ hiểu cho học sinh?
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, Chủ biên sách Lịch sử Đà Nẵng
|
– Tại công văn số 5977 ngày 7-8-2008, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương viết tài liệu giáo dục về địa phương, chỉ định dạy vào số tiết được quy định trong chương trình.
Căn cứ vào số tiết quy định trên, Sở GD-ĐT tiến hành biên soạn theo hướng đảm bảo thực hiện đúng thời gian quy định khung chương trình của bộ; đặt Hoàng Sa vào trong tiến trình lịch sử của TP qua các thời kỳ lịch sử nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức chủ quyền quốc gia. Cấu trúc bài học sẽ không chỉ cung cấp cho học sinh những nhận thức về Hoàng Sa mà còn cả lịch sử Đà Nẵng nói chung. Sách phải đảm bảo tính vừa sức, tính cân đối chương trình (với các đơn vị kiến thức khác của môn học, các môn học, cấp học), tính khoa học – lịch sử, tính sư phạm, phù hợp luật pháp quốc tế và Việt Nam. Tài liệu dạy học sẽ gồm có 2 phần: Sách dành cho học sinh theo từng bậc học và tài liệu hướng dẫn cho giáo viên.
Song song với phần lịch sử Đà Nẵng, học sinh phải học chương trình lịch sử Việt Nam. Như vậy, theo ông, chương trình môn học có quá nặng đối với các em không?
– Như đã nói trên, 11 tiết này được Bộ GD-ĐT bố trí sẵn trong chương trình chính khóa (phần dành cho lịch sử địa phương). Do đó, việc dạy học vẫn đảm bảo không tăng thời lượng, gây quá tải.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên
Sự kỳ vọng, hay chính xác hơn là mục đích biên soạn, đưa vào giảng dạy phần Lịch sử Đà Nẵng là gì, thưa ông? Thời điểm nào thì cuốn sách này sẽ được đưa vào giảng dạy trong nhà trường?
– Ở bậc trung học, cùng với các môn học khác, môn lịch sử góp phần quan trọng trong việc hình thành lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, nhận thức trách nhiệm của mình đối với gia đình, xã hội… Lịch sử Đà Nẵng trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về lịch sử TP (quá trình hình thành – phát triển, sự kiện – nhân vật lịch sử, văn hóa – kinh tế – chính trị, chủ quyền – lãnh thổ…); góp phần làm phong phú thêm tri thức và tình cảm của các em về vùng đất, con người nơi các em đang học tập, sinh sống; hình thành ý thức đầy đủ về chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng. Việc tổ chức biên soạn tài liệu dạy học lịch sử TP.Đà Nẵng là hết sức cần thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm góp phần bồi dưỡng tâm hồn, phát triển nhân cách cho thế hệ trẻ Đà Nẵng trên con đường hội nhập quốc tế. Dự kiến, sách sẽ được dạy học sớm nhất trong năm 2015.
|
Bình luận (0)