Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cách nhận biết và điều trị bệnh tự kỷ

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ tự kỷ có thể rất giỏi vẽ, nhạc nhưng lại kém giao tiếp (ảnh minh họa)

Tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh của não bắt đầu từ trẻ nhỏ. Vì vậy khi trẻ 2 – 3 tuổi mà chưa biết nói thì phụ huynh nên tìm gặp bác sĩ, bởi bệnh được chẩn đoán lúc 3 tuổi. Trẻ em trai mắc bệnh tự kỷ nhiều gấp 4 lần so với trẻ em gái.
Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc tương tác với các bạn cùng trang lứa. Trong khi những đứa trẻ khác thích giao lưu với bạn bè thì trái lại trẻ tự kỷ chỉ thích sống một mình, sống trong thế giới riêng của bé và ít quan tâm đến người khác. Trẻ đáp ứng với người khác cũng nghèo nàn và không phù hợp. Trẻ có khuynh hướng dùng người khác như “dụng cụ”, ví dụ khi trẻ muốn lấy một đồ vật, trẻ sẽ kéo bàn tay người lớn để lấy mà không nói hoặc không nhìn.
Tự kỷ là một rối loạn phát triển kéo dài suốt đời, ảnh hưởng đến cách giao tiếp và quan hệ của một người đối với mọi người xung quanh. Trẻ tự kỷ bị tổn thương trong tương tác và giao tiếp xã hội. Trẻ cũng có hành vi lặp đi lặp lại và nhạy cảm giác quan. Những trẻ này có khuynh hướng khó khăn trong học tập, thậm chí có trẻ còn bị khiếm khuyết về trí tuệ…
Khoảng 40% trẻ tự kỷ không nói được, còn lại là chậm nói. Những trẻ có khả năng nói thì hay nhại lời, bắt chước lời người khác nói như một con vẹt. Trẻ có thể thuộc lòng những lời quảng cáo trên ti vi nhưng lại không thể dùng lời nói để giao tiếp một cách có ý nghĩa hoặc có hiệu quả.
Trẻ tự kỷ thường ít tiếp xúc bằng ánh mắt, thậm chí là không bao giờ. Vì vậy trẻ thường lặp đi lặp lại những chữ không hợp lý và ít hiểu những khái niệm trừu tượng. Chẳng hạn khi người lớn cảnh báo rằng “rất nguy hiểm” nhưng trẻ không hiểu thế nào là nguy hiểm. Trẻ cũng không hiểu những cử chỉ biểu tượng, ví dụ như vẫy tay chào. Khi còn nhỏ, trẻ không biết chỉ đồ vật bằng ngón tay. Trẻ khó làm chủ cường độ và âm lượng giọng nói.
Đối với trẻ phát triển bình thường, từ 2 – 2 tuổi rưỡi là các bé đã biết chơi tưởng tượng trong các trò chơi đồ hàng, chơi súng hoặc đồ chơi bác sĩ. Bé có thể đóng vai các nhân vật trong trò chơi do mình tưởng tượng ra. Song với trẻ tự kỷ thì khả năng tuởng tượng trong trò chơi rất nghèo nàn.
Trẻ tự kỷ có thể phản ứng quá mức với một số kích thích cảm giác hoặc không có phản ứng gì cả. Trẻ có thể thích ngửi đồ vật, bị quyến rũ bởi ánh sáng hoặc màu sắc. Đặc biệt có nhiều trẻ tự xoay tròn mà không choáng váng, trong khi người khác chỉ nhìn thôi cũng thấy chóng mặt.
So với những trẻ phát triển bình thường, trẻ tự kỷ có thể giỏi trong một số lĩnh vực ví dụ như chơi lắp ghép, đếm số, âm nhạc… nhưng kỹ năng nói và giao tiếp vẫn thấp so với lứa tuổi. Điều khác lạ nữa là một số trẻ tự kỷ chậm phát triển ngôn ngữ và không thể giao tiếp với những nhu cầu đơn giản nhưng lại có khả năng đọc những chữ phức tạp.
Nếu phát hiện trẻ có các triệu chứng nêu trên, phụ huynh nên đưa trẻ tới đơn vị Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng I để được khám. Tại đây, các bác sĩ sẽ hướng dẫn phụ huynh cần phải làm gì để giúp con phát triển bình thường. Trẻ cần được thăm khám một cách toàn diện để được đánh giá mức độ phát triển và được hưởng chương trình can thiệp giáo dục tâm lý càng sớm càng tốt…
Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)