Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Kinh nghiệm làm chủ nhiệm giỏi: Phải là một nhà tâm lý

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đối với học sinh THCS, GVCN phải luôn gần gũi để nắm bắt tâm sinh lý nhằm kịp thời uốn nắn các em (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: T.L

Nếu giáo viên (GV) bộ môn chỉ là người truyền thụ kiến thức đơn thuần thì giáo viên chủ nhiệm (GVCN) là người gắn kết mối quan hệ giữa thầy và trò.
1.Một GVCN của Trường THPT Võ Thị Sáu, TP.HCM tâm sự: “Được chủ nhiệm một lớp là dịp để GV hiểu và gần gũi với học sinh (HS) hơn”. Mặc dù khi nhận trách nhiệm các GV đều nhìn thấy khó khăn phía trước như những điểm yếu của tập thể, có HS cá biệt… nhưng với bản lĩnh nghề nghiệp, họ coi đó chỉ là những khó khăn tạm thời. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều GVCN kêu than bây giờ làm công tác chủ nhiệm lớp không dễ chút nào, điều đó là có căn cứ. Nếu trước đây HS rất thuần, chăm ngoan, luôn nghe lời thầy cô thì bây giờ có nhiều em ngỗ ngược, luôn muốn tự khẳng định mình. Tuy nhiên, theo cô Phạm Thị Thúy Vĩnh – Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm, một GVCN muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trước hết phải thực sự thương yêu HS, coi các em như người thân của mình. Khi đã có tình yêu thương thì người thầy sẽ hiểu và biết cách dạy HS, ngược lại các em quý mến GV của mình hơn. Chỉ khi tình yêu thương đặt đúng chỗ, HS mới cảm nhận được tình cảm từ trái tim thầy cô. Nói cách khác, giữa thầy và trò luôn có sự đồng điệu về tâm hồn. Tại sao cùng một HS cá biệt nhưng đối với thầy cô này thì em chống đối còn với thầy cô khác lại phục tùng và nghe lời? Rõ ràng, điều quan trọng không phải là HS đã phạm lỗi ra sao mà nằm ở chỗ các em đã nhìn thấy lỗi của mình như thế nào? Làm được điều này chính là nhờ sự thu phục nhân tâm của GVCN. Ngoài cá tính của từng em, phải nói thật rằng có nhiều HS nổi loạn là do… thầy. Thầy làm sai, phân biệt đối xử với trò thì lời nói trước lớp khó có trọng lượng. Một số GVCN giỏi đã đưa ra kinh nghiệm, HS bây giờ thích khuyên bảo nhẹ nhàng hơn là trách phạt.
2. GVCN có “quyền lực” trong tay nhưng không phải vì thế mà lúc nào cũng lạm dụng nó, phải biết khi nào cứng rắn và khi nào mềm dẻo để xử lý các tình huống. Vì thế, ngoài năng lực chuyên môn GVCN còn là một nhà tâm lý giỏi, hiểu thấu đáo những suy nghĩ, tâm tư của học trò. Nhiều lúc, GVCN phải tự đặt mình vào vị thế của HS để hiểu được hành vi và thái độ của các em với cương vị là người trong cuộc. Một GVCN ở Trường THCS Khánh Hội A (Q.4) tâm sự, làm công tác chủ nhiệm cũng phải có “duyên”. Theo cô, cái “duyên” của GVCN là biết hòa đồng, thân thiện với HS và điều quan trọng nhất là phải luôn được các em yêu quý, trân trọng. Không chỉ có tình yêu thương, GVCN cần xử lý linh hoạt các tình huống xảy ra trên lớp. Cách xử lý thuyết phục được các em là phải đạt tình và thấu lý với những giải pháp tối ưu nhất được cả tập thể tán thành và ủng hộ. Như vậy, lúc này GVCN đóng vai trò như một quan tòa có lập luận sắc bén, biết cầm cân nảy mực và đặc biệt là phải quang minh chính đại, không thiên vị một ai.
Trên thực tế, nhiều GV ngán ngại làm chủ nhiệm vì trước hết công tác này chiếm quá nhiều thời gian. Ngoài tiết sinh hoạt hàng tuần trên lớp, các thầy cô phải bỏ thời gian để tiếp xúc với HS, trao đổi với phụ huynh, làm việc với ban giám hiệu… Ngoài ra, các thầy cô còn ngại tiếp xúc với học trò. Nếu thầy cô là những người lớn tuổi đạo mạo, nghiêm túc thì các em lại quá hồn nhiên, vô tư, thiếu chín chắn. Đó chính là bức tường ngăn cách vô hình mà nhiều GVCN không thể nào phá vỡ được. Vì thế, khi đánh giá HS họ cho rằng các em là đối tượng nghịch phá, khó giáo dục và khó chấp nhận. Những điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công việc sau này của cả thầy và trò.
Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)