Những “cái bang” nhí đang sát phạt nhau. Liệu chúng còn trở lại trường học? |
Nhiều trẻ em ở các vùng quê không có mùa hè với những chuyến du lịch, picnic, không đến nhà văn hóa, lại càng không có “khái niệm” học thêm mà thay vào đó là vào các TP lớn để… ăn xin. Trên bước đường kiếm tiền ấy, biết bao gian nan, cám dỗ để rồi nhiều đứa trẻ phải sa ngã?
“Sân chơi” của trẻ em nghèo!
Đôi nam nữ vừa ngồi xuống ghế đá Công viên Gia Định, thằng bé ăn xin người đen nhẻm nhanh nhảu bước đến quỳ thụp xuống rồi… lạy. Nhìn thấy cảnh ấy, mấy ai không khó chịu, đôi bạn trẻ đành mua sự yên tĩnh bằng cách cho nó vài đồng tiền lẻ. Những tưởng cho tiền “cái bang” nhí này là xong, những “cái bang” nhí gần đó thấy đôi này dễ “làm tiền”, chúng lại kéo đến và… quỳ xuống, hoảng quá, cô gái kéo chàng trai đi nơi khác. Công viên Văn hóa Lê Thị Riêng dạo này cũng khá đông trẻ ăn xin. Chúng chừng 6 đến 13 tuổi, đen đúa, nhem nhuốc, điệu bộ thiểu não. Tuy vậy, chúng rất có “nghề” trong mánh lới ăn xin. Hễ thấy đôi tình nhân dắt vào công viên, chúng liền bám theo và chờ đến lúc đôi tình nhân ấy… thắm thiết là lân la đến rồi “lạy cô lạy chú cho con xin vài đồng, con không có mẹ có cha…”. Hoàng Cúc – sinh viên Trường CĐ Phát thanh Truyền hình nói: “Nhiều lúc mình không “bố thí” chúng văng tục nghe rợn cả người”. Sau một lúc làm quen, “cái bang” nhí tên T. cho biết cháu 7 tuổi, còn đi học, cháu quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa, cháu đi với dì vô Sài Gòn ăn xin, hết hè cháu về quê đi học… Nhưng khi tôi hỏi bé học trường nào, trọ ở đâu thì bé lại lắc không nói.
Một chiều cuối tuần, đang ngồi uống cà phê tại Công viên 30-4, lập tức bị “cái bang” nhí đến… xin. Chúng rất sỏi nghề, đứa thì đội mũ sụp sát xuống mặt đóng vai mù lòa, đứa thì quỳ lạy, đứa thì “niệm chú” những câu thảm thương đã được người lớn dạy. Anh Nguyễn Văn Tiến, quê ở Nga Mi, Thanh Hóa “bắt bài” một “cái bang” nhí: “Mày ở Quảng Xương đúng không?”. Thằng bé e dè gật đầu. “Mày vào đây được bao lâu rồi?”. “Dạ, cháu vào từ đầu hè”. “Mày đi với ai?”. “Thì mấy người đưa tụi cháu vào ăn xin kiếm tiền, hết hè cháu về đi học”. “Thế mày học trường nào?”. Nó lí nhí rồi lắc đầu. Anh Thắng quê ở Quảng Nham, Quảng Xương, Thanh Hóa “lật bài ngửa” với một “cái bang mù”: “Mày là thằng cu con bà H. ở xóm trên chứ gì. Thấy tụi tao mà mày còn dám hành nghề nhỉ? Mày mà mù cái gì, cởi giùm cái kính, lấy cái mũ ra đi. Mày cũng có nghề lắm đấy…”. Biết gặp… đồng hương, những đứa trẻ ăn xin đến từ vùng quê Thanh Hóa đánh bài… chuồn. Anh Thắng cho biết “Tụi nhỏ này là ăn xin thời vụ. Cứ đến hè là chúng vào đây ăn xin kiếm tiền để mua sách vở, hết hè chúng lại về quê đi học. Ở quê nghèo lắm, không dễ kiếm ra tiền nên chúng vào đây ăn xin, có khi ba tháng hè chúng kiếm thừa tiền mua sách vở, tiền học cả năm đấy chứ. Chúng không có “nghề” bằng những đứa trẻ ăn xin “chuyên nghiệp” quanh năm ở đây. Tuy vậy, mấy tay “cai” luyện nên chúng cũng có “nghề” lắm, toàn là kịch sĩ… ăn xin đấy”. Anh Tiến góp thêm “Hầu hết các địa phương khác trẻ em vào bán vé số, phụ bán hàng thì trẻ em ở Thanh Hóa, đặc biệt vùng Quảng Xương – nơi “nổi tiếng” với nghề… ăn xin, trẻ con thường đến các thành phố lớn để ăn xin. Đối với chúng, đây là công việc dễ kiếm ra tiền, không có gì phải ngại ngùng cả. Vì rất nhiều trẻ em cùng đi ăn xin, người lớn cũng vậy, có người đi ăn xin quanh năm, thậm chí cách đây khoảng 5 năm, một xã tại huyện Quảng Xương cứ hết mùa vụ là gần như cả xã đi ăn xin”.
Những “cái bang” thời vụ
Thông qua sự giới thiệu của anh Thắng, tôi tiếp xúc với một bé gái chừng 10 tuổi nhưng có 3 mùa hè đi ăn xin và được cháu cho biết “Hè năm ngoái cháu vô đây ăn xin, hết hè cháu về quê đem theo sách vở, bút mực. Cháu chỉ mua thêm ít đồ dùng thôi, còn sách là do một bác ở gần chỗ cháu trọ biết cháu còn đi học nên đem cho cháu”. Tôi gặng hỏi “Thế năm sau cháu có vô lại đây để… ăn xin không?”. Cháu ngập ngừng “Chắc là… có! Nếu không lấy tiền đâu ra mua sách vở”. Không chỉ vào Sài Gòn ăn xin để kiếm tiền học, với trẻ con vùng quê, được vào Sài Gòn đã là giấc mơ, chúng rất háo hức dù là vào đi ăn xin. Cháu T. cho biết “Cuối năm học tụi cháu đã rủ nhau rồi, nghỉ hè là tụi cháu vô Sài Gòn ăn xin. Năm sau cháu đi tiếp”. “Thế có đứa nào vào đây ăn xin rồi không chịu về đi học, ở lại ăn xin luôn không?” (tôi hỏi). Một thằng bé nhanh nhảu “Có chứ! Trong nhóm tụi con, năm ngoái có mấy thằng ở lại đi làm ăn xin luôn, không đi học nữa”. Nhìn vẻ hồn nhiên của những đứa trẻ này, chúng như cỏ cây tự nhiên mà lớn lên, vô ưu vô lo, nhưng lúc chúng hành “nghề” hóa thân thành “cái bang” nhìn chúng thiểu não, trông rất tội nghiệp! Tôi tự hỏi, hành trang vào đời của những đứa trẻ nghèo là “nghề” ăn xin, chúng sẽ lớn lên, trưởng thành và “đối diện” cái quá khứ “cái bang” như thế nào? Và có rất nhiều đứa trẻ khi rời làng quê vẫn còn là học sinh, vào thành phố “làm ăn” mấy tháng hè đã sa ngã, đã “say” tiền nên bỏ học, nghiện cờ bạc?
Bài và ảnh: Công Việt
Bình luận (0)