Sẽ phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi |
Trong 2 ngày (14 và 15-7), tại TP.HCM, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng (UBVHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị góp ý về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục. Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đều đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung 11 vấn đề liên quan đến 13 điều trong tổng số 120 điều của Luật…
Luật Giáo dục còn nhiều điểm chưa phù hợp
Tại hội nghị, ông Chu Hồng Thanh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD-ĐT khẳng định: “Việc sửa đổi và bổ sung Luật Giáo dục 2005 không phải vì luật yếu kém. Bởi sau 3 năm thực hiện, Luật Giáo dục đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện luật đã nảy sinh một số điểm chưa phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu bức xúc của thực tiễn. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó, bắt buộc phải có một số sửa đổi, bổ sung…”.
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 11 Luật Giáo dục quy định phổ cập tiểu học và trung học cơ sở. Trên thực tế trong thời gian qua, tất cả các tỉnh thành đã phổ cập tiểu học, trên 40/63 tỉnh thành đã phổ cập THCS. “Tuy nhiên, chất lượng phổ cập không đồng đều, thậm chí có nhiều địa phương có nguy cơ không giữ được kết quả phổ cập. Nguyên nhân là do ở những địa phương này có nhiều trẻ trước khi vào lớp 1 đã không đi học mẫu giáo. Thậm chí, trẻ em dân tộc thiểu số còn chưa biết nói tiếng Việt khi vào lớp 1”, ông Lê Minh Hồng – Phó chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ của Quốc hội tâm tư. Và theo ông Hồng cũng như nhiều đại biểu khác thì thiếu sót của Luật Giáo dục là đã không đưa phổ cập mầm non vào.
Ông Tôn Thọ Nuôi – Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An khẳng định: “Giáo dục mầm non có vị trí rất quan trọng, nơi nào giáo dục mầm non phát triển thì nơi đó chất lượng giáo dục phổ thông phát triển…”.
Do vậy, trong Dự thảo Luật bổ sung quy định phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, đã tạo được sự đồng tình của nhiều người.
Vấn đề tiền lương (Điều 81 Luật Giáo dục) cũng gây nhiều bức xúc cho các đại biểu. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Từ năm 1988, chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên bắt đầu được thực hiện nhưng đến tháng 11-1995 thì bãi bỏ thay thế bằng phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên trực tiếp đứng lớp. Từ đó dẫn đến thực trạng một số giáo viên giỏi không muốn về phòng, sở, thậm chí là Bộ GD-ĐT làm việc. Vì vậy phải bổ sung Điều 81 theo hướng quy định nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên”. Việc bổ sung này đã tạo được sự nhất trí cao trong các đại biểu…
Sinh viên sư phạm sẽ không còn được “học chùa”
Khoản 3 Điều 89 Luật Giáo dục 2005 nêu rõ: “Học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm không phải đóng học phí”. Theo ông Chu Hồng Thanh thì: “Nhờ quy định này mà nguồn tuyển sinh vào các trường sư phạm, khoa sư phạm được nâng lên cả về số lượng lẫn chất lượng. Theo đó mà ngành giáo dục có được đội ngũ nhà giáo ngày càng đông đảo và có chất lượng cao”. Song, trong thực tế đã nảy sinh không ít bất cập. Đó là ở không ít trường có đến 45% sinh viên sư phạm tốt nghiệp không tham gia vào công tác giảng dạy. “Điều này đã gây lãng phí cho ngân sách, đồng thời gây ra sự không công bằng trong việc thực hiện chính sách học phí đối với người học”, ông Thanh nhấn mạnh.
Để giải quyết bất cập này, Ban soạn thảo đã đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng thay chính sách “miễn học phí” bằng chính sách cho “hưởng tín dụng ưu đãi”. Nếu sau khi ra trường, sinh viên sư phạm công tác trong môi trường sư phạm thì không phải hoàn trả khoản tín dụng đã vay để chi trả học phí.
“Về cơ bản thì chế độ ưu đãi về học phí dành cho những sinh viên sư phạm làm đúng nghề được đào tạo là không thay đổi”, ông Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ của Quốc hội khẳng định. Tuy nhiên, vấn đề mà ông Thi và các đại biểu quan tâm là sau khi ra trường sinh viên sư phạm phải làm việc trong môi trường giáo dục bao lâu thì không phải hoàn trả khoản tín dụng đã vay để chi trả học phí. Bởi nếu không quy định rõ ràng sẽ dẫn đến tình trạng lách luật bằng cách chỉ làm việc trong ngành giáo dục 2 – 3 tháng để được hưởng ưu đãi rồi bỏ nghề.
Bà Mai Hồng Quỳ – Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng: “Nên quy định cụ thể là nếu làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục trong thời gian đủ 5 năm trở lên thì không phải hoàn trả khoản tín dụng đã vay”.
Ông Thái Bá Cần – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nêu ý kiến: “Đề nghị thêm một ý trong Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung là những sinh viên sau khi ra trường nếu làm nhiệm vụ trong bộ máy quản lý nhà nước thì cũng không phải hoàn trả khoản tín dụng đã sử dụng để chi trả học phí”…
Như vậy là nếu Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung được thông qua thì sinh viên sư phạm sẽ không còn được “học chùa” nếu sau khi ra trường không làm việc trong ngành giáo dục…
Bài & ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)