Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đào tạo tiến sĩ gắn với nghiên cứu khoa học: Chuyện dài chưa có hồi kết

Tạp Chí Giáo Dục

“Đào tạo tiến sĩ gắn với nghiên cứu khoa học ở nước ngoài là chuyện bình thường nhưng ở Việt Nam đó lại là chuyện chưa đương nhiên. Thực tế, hai việc này còn tách rời nhau”. Đó là nhận xét của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tại hội thảo gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo tiến sĩ trong các cơ sở đào tạo sau ĐH do Bộ GD-ĐT và ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 14-7 tại Hà Nội.
Mất cân đối
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ môi trường, Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có 137 cơ sở đào tạo tiến sĩ. Trong đó, có 70 viện nghiên cứu, 17 học viện và 50 trường ĐH. Điều này cho thấy, các trường ĐH đào tạo cả ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ có nhiều thuận lợi hơn trong tuyển sinh nghiên cứu sinh (NCS) chỉ chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số các cơ sở đào tạo tiến sĩ trong cả nước. Trong quy mô đào tạo tiến sĩ của Việt Nam hiện nay, theo ông Tạ Đức Thịnh, Vụ Khoa học và Công nghệ môi trường thì trong 5 năm (2002 – 2006), cả nước có 134 chuyên ngành đào tạo không có NCS, 93 chuyên ngành đào tạo chỉ có 1 NCS, 504 chuyên ngành đào tạo mỗi năm bình quân không quá 1 NCS. Trong khi đó, có tới gần 32,5% NCS đã nhập học tập trung vào 55 chuyên ngành đào tạo được ưa chuộng. Nếu xét về nhóm ngành, ông Thịnh cho biết có sự mất cân đối về số chuyên ngành đào tạo của mỗi nhóm ngành. Cụ thể, nhóm báo chí và truyền thông chỉ có 1 chuyên ngành, nhóm thể thao có 2 chuyên ngành. Trong khi đó, nhóm khoa học tự nhiên có tới 120 chuyên ngành và nhóm y dược có 151 chuyên ngành được tiến hành đào tạo. Việc phân bổ cán bộ khoa học giữa các chuyên ngành đào tạo tiến sĩ hiện cũng đang rất mất cân đối. Viện Toán học có 4 NCS/190 cán bộ khoa học, Viện Nghiên cứu địa chất và khoáng sản có 2 NCS/127 cán bộ khoa học, ĐH Thuỷ lợi có 6 NCS/210 cán bộ khoa học. Trong khi đó, nhiều chuyên ngành đào tạo phải dựa vào nguồn cán bộ khoa học từ bên ngoài thỉnh giảng mới đủ điều kiện thành lập Hội đồng bảo vệ luận án cho NCS. Có tới 60,3% cán bộ khoa học không có chức danh khoa học và 90 cơ sở đào tạo có trên 50% cán bộ khoa học không có chức danh khoa học. Đặc biệt, có tới 75% cán bộ khoa học của Việt Nam có độ tuổi trên 50 và điều này cũng nói lên thực trạng thiếu cán bộ khoa học kế cận.
Cái mới trong luận án tiến sĩ: mò kim đáy bể
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã kể một câu chuyện: “Có lần tôi gặp hiệu trưởng một trường ĐH có uy tín về đào tạo tiến sĩ. Tôi có hỏi trong luận án tiến sĩ của NCS của trường có gì mới không. Vị hiệu trưởng này trả lời không có gì mới cả. Vì những cái mới, thế giới đã làm hết rồi”. Người đứng đầu ngành giáo dục cũng băn khoăn khi nhiều NCS sau khi làm xong luận án hỏi cái mới, không thể viết ra được một trang cái gì là của mình. Đây là một thực tế. GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội còn hóm hỉnh khi cho rằng: cái mới thường gặp ở các luận án tiến sĩ của NCS Việt Nam đó là “lần đầu tiên trình bày một cách hệ thống vấn đề này”. Theo GS Giang, đề tài nghiên cứu của các NCS Việt Nam còn vĩ mô, chưa thực tế. Bộ GD-ĐT cho biết trong năm 2006 có tới 557 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ không có một giải thưởng nghiên cứu khoa học nào. Hầu hết các cơ sở đào tạo không có phát minh sáng chế hay bằng sở hữu trí tuệ và có đến 21 cơ sở đào tạo không triển khai mới một đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học từ cấp Bộ trở lên.
Theo Phó thủ tướng, hiện nay ở nhiều trường ĐH do quy mô đào tạo tăng nhanh bao trùm tất cả các cấp đào tạo, các hình thức đào tạo nên giảng viên phải dạy quá nhiều, không có thời gian đi thực tế và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó quy định “cứng” về thời gian hoàn thành đã hạn chế chất lượng của các công trình nghiên cứu. Do đó, Phó thủ tướng cho biết, thời gian tới, thời gian không còn khắt khe nữa, các cơ quan sẽ đi vào quản lý chất lượng, không quản lý thời gian. Tuy nhiên, để các đề tài có chất lượng, điều kiện bắt buộc phải có 1 năm làm việc tại trường. Không có chuyện ở chỗ khác cũng làm được tiến sĩ. Đồng thời, kinh phí cho nghiên cứu khoa học cũng được tăng lên.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)