Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo dục ĐH: quản lý “chạy” không kịp quy mô!

Tạp Chí Giáo Dục

Hệ thống giáo dục ĐH phát triển nhanh về mạng lưới, quy mô nhưng phương pháp quản lý, cơ chế quản lý chưa theo kịp, các hiện tượng gian lận, tiêu cực chưa bị phát hiện kịp thời, xử lý không dứt điểm, thiếu cương quyết… Trong khi đó chất lượng đào tạo còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

Bộ GD-ĐT đã thừa nhận như vậy khi đánh giá về những hạn chế, yếu kém của giáo dục ĐH hiện nay. Những nhận định này được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới khối các trường ĐH, CĐ diễn ra tại Hà Nội ngày 25-8 với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Số lượng tăng, chất lượng không tăng?
Quy mô đào tạo ĐH, CĐ tăng đáng kể trong mười năm qua, số lượng trường ngoài công lập phát triển nhanh chóng nhưng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhìn nhận.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, bên cạnh những ưu điểm trong nỗ lực đổi mới giáo dục ĐH từ cả phía cơ quan quản lý và hoạt động giảng dạy tại các trường, giáo dục ĐH hiện đang tồn tại sáu nhóm hạn chế, yếu kém. Các hạn chế, yếu kém đó thể hiện ở nhiều mặt,  thể hiện từ năng lực quản lý, hiện tượng gian lận, tiêu cực trong giảng dạy, học tập và thi cử, đánh giá, chưa có động lực để cán bộ, giảng viên, sinh viên nâng cao trách nhiệm, phát huy sáng tạo… cho đến những hạn chế trong chất lượng đào tạo, tập trung nhất là ở đào tạo hệ không chính quy và liên kết đào tạo, đào tạo sau ĐH…
Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận có nhiều “trường thành lập mới, nâng cấp từ trung cấp chuyên nghiệp lên CĐ hoặc CĐ lên ĐH, chủ yếu là các trường tư thục và các trường đóng tại địa phương, chưa thực hiện đúng cam kết khi thành lập trường, tiến độ triển khai kế hoạch xây dựng và phát triển trường chậm làm ảnh hưởng đến điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo”.  “Đội ngũ giảng viên thiếu về số lượng và yếu về chất lượng” được Bộ GD-ĐT coi là “hạn chế lớn nhất” ở những trường này.
Một số nội dung sẽ được Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường tập trung thực hiện trong năm học 2009-2010:
– Rà soát lại quy chế hoạt động, quy chế chi tiêu, đánh giá mức độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm… Chấn chỉnh các tình trạng có quy chế hoạt động, quy chế chi tiêu trái pháp luật, sinh viên vi phạm quy chế thi, tốt nghiệp và giáo viên chấp nhận các tiêu cực đó.
– Tiếp tục chuyển đổi sang đào tạo theo tín chỉ, là năm học bản lề để các trường chuẩn bị đến năm học 2010-2011, tất cả phải chuyển đổi sang đào tạo theo tín chỉ.
– Xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp đầu ra và thực hiện “ba công khai” trong đào tạo, đến cuối năm 2010, các trường phải công bố công khai về năng lực đào tạo, chất lượng đào tạo và tài chính.
– Thực hiện đánh giá và kiểm định chất lượng các trường ĐH, CĐ, phấn đấu đến hết năm 2010 có 90% các trường ĐH, CĐ hoàn thành báo cáo tự đánh giá, 80% các trường ĐH và 50% các trường CĐ được đánh giá ngoài.
Nhưng ngay cả đối với toàn hệ thống giáo dục ĐH, bao gồm những trường ĐH công lập lớn, thực trạng đội ngũ giảng viên cũng đáng báo động. Tính đến ngày 10-8-2009, tổng số giảng viên cơ hữu của tất cả các trường ĐH, CĐ trong cả nước là 61.190 người. Nếu chỉ xét về số lượng thuần túy thì con số này đã tăng được hơn 5.000 người so với với năm học 2007-2008. Nhưng nếu xét về chất lượng, đội ngũ giảng viên ĐH, CĐ đang có sự sút giảm đáng kể. Số giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các trường ĐH, CĐ hiện chiếm 13,86%, giảm so với tỉ lệ 14,33% của năm học 2007-2008. Hiện cả nước chỉ có 6.217 giảng viên ĐH, CĐ có trình độ tiến sĩ.
Đổi mới quản lý, xóa “xin-cho”
Khi đánh giá về những hạn chế, yếu kém đang tồn tại phổ biến trong các trường ĐH, CĐ, về phía các trường, Bộ GD-ĐT nhận định là “năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo một số trường, trong đó có vai trò và trách nhiệm của hiệu trưởng, còn yếu, bộc lộ nhiều hạn chế”. Về phần mình, Bộ GD-ĐT cũng tự đánh giá về những hạn chế của chính mình trong công tác quản lý nhà nước, điều hành và ban hành hệ thống văn bản pháp quy…, trong đó đang có không ít vấn đề tồn tại bị các trường kêu ca làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ và sự phát triển của các trường ĐH.
Đó là phương pháp quản lý của Bộ đối với các trường trong suốt những năm qua, về cơ bản không thay đổi trong khi số lượng các trường ĐH, CĐ đã tăng gấp 3,7 lần, quy mô đào tạo tăng gấp gần 13 lần… Quản lý đối với giáo dục ĐH vẫn theo phương thức tập trung, chưa phân cấp đáng kể cho chính quyền các tỉnh, chưa có quy chế phối hợp với các bộ ngành, khả năng kiểm soát đánh giá chất lượng đào tạo, hiệu quả đầu tư của nhà nước và việc chấp hành các quy định của các trường ngày càng khó khăn hơn…” – Thứ trưởng Phạm Vũ Luận phân tích.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong số nhiều nguyên nhân, yếu kém của giáo dục ĐH, thời gian tới ngành giáo dục cần tập trung giải quyết sự yếu kém trong quản lý giáo dục. Theo Thủ tướng, chính quản lý nhà nước còn yếu kém, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập nên chưa huy động, khai thác được nhiều nguồn lực trong xã hội, trong dân, chưa tranh thủ, thu hút được các nguồn đầu tư bên ngoài để phát triển giáo dục ĐH.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT “cần rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản, đề nghị sửa những nội dung cần thiết trong Luật Giáo dục, trong các nghị định của Chính phủ, hoàn thiện các quy định, quy chế quản lý của Bộ… để tạo ra một hành lang pháp lý phù hợp cho các trường ĐH, CĐ phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, để không phải “xin-cho” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết năm học 2009-2010 sẽ là một năm học khởi đầu cho quá trình đổi mới về chất trong quản lý giáo dục ĐH, có tính đột phá trong khoảng ba năm tới. Với định hướng này, Bộ GD-ĐT xác định năm học 2009-2010 sẽ có chủ đề là “Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội”.
THANH HÀ (TTO)

 

 

Bình luận (0)