Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Làm hiệu trưởng: Dễ hay khó?: Kỳ cuối: Hiệu trưởng “đứng danh”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hiệu trưởng “đứng danh” rất ít khi được dự những cuộc họp hiệu trưởng như thế này

Bên cạnh những hiệu trưởng được lãnh đạo ngành bổ nhiệm chính thức, đứng mũi chịu sào, chịu trách nhiệm quản lý trường học, thì cũng có không ít  hiệu trưởng “đứng danh” sống trong cảnh “tên mình nhưng quyền hành thuộc về người khác”.
Có tiếng mà không có “miếng”
Khi người viết bài hẹn gặp hiệu trưởng một trường tư thục (mới được thành lập cách nay không lâu) để viết bài về nỗi niềm của người làm hiệu trưởng thì được chủ tịch hội đồng quản trị trường này “cảnh báo”: “Em gặp nhầm người rồi!”. Hơi bất ngờ nhưng tôi quyết tâm gặp bằng được hiệu trưởng để tìm hiểu thực hư đằng sau lời nói “bóng gió” ấy. Và tất cả mọi thắc mắc của tôi đã được thầy giải đáp một cách trọn vẹn: “Tôi chỉ là hiệu trưởng trên danh nghĩa thôi, chứ không hề có quyền hành gì. Cơ duyên đưa tôi đến với “nghiệp” hiệu trưởng cũng rất tình cờ, đó là nhờ có chút quen biết với “ông hội đồng” nên được “điều” về làm hiệu trưởng”.
Thực tế, hiện nay các trường tư thục sử dụng hiệu trưởng chỉ để “đứng danh” không phải ít. Họ hầu hết đều là những giáo viên lớn tuổi, có ít nhiều kinh nghiệm trong việc giảng dạy cũng như quản lý nhà trường nhưng rất ít người trong số đó từng kinh qua chức vụ hiệu trưởng. Nếu như các hiệu trưởng “chính danh” phải chịu nhiều áp lực từ lãnh đạo, thành thích của trường và xã hội thì những hiệu trưởng “đứng danh” lại gần như không bị áp lực nặng nề từ những chuyện này. “Ai không biết cũng tưởng là sướng. Nhưng nói thật, thà chịu nhiều áp lực hoặc làm hiệu trưởng một trường nghèo nàn nào đó, ít ra chúng tôi cũng được an ủi rằng ngôi trường đó do mình quản lý và được quyết định mọi công việc nên phải dốc toàn tâm vào nó. Đằng này, trên danh nghĩa là hiệu trưởng mà chẳng khác gì một người làm thuê”, hiệu trưởng một trường tư thục ở Bình Thạnh chua chát kể.
Quả thực, có là người “ở trong chăn” mới thấm thía được sự cám cảnh của những hiệu trưởng chỉ có danh mà không có thực này. Đều đặn mỗi thứ hai đầu tuần, họ vẫn có mặt tại trường, cùng các giáo viên và học sinh tham dự lễ chào cờ. Và trong mỗi cuộc họp định kì của trường, họ cũng có mặt để lắng nghe ý kiến, chỉ đạo từ “cấp trên”. Còn ý kiến của riêng mình, họ chỉ góp ý rất dè dặt hoặc chờ “hội ý” từ hội đồng quản trị. Việc những hiệu trưởng “đứng danh” xuất hiện trước mặt khách tới thăm trường là rất ít và nếu có cũng chỉ để “trang điểm” cho bộ mặt của trường thêm tròn trịa mà thôi. “Đến cả các cuộc họp dành cho hiệu trưởng do Sở GD-ĐT triệu tập, tôi cũng chưa bao giờ được tham dự. Mỗi lần sở hay lãnh đạo quận có thư mời hiệu trưởng đi họp hay hội nghị thì người lãnh hộ tôi phần này là… hiệu phó. Có lẽ, họ sợ chúng tôi tiết lộ điều gì chăng?”, hiệu trưởng của một trường dân lập tâm sự. Tâm sự của thầy cũng là tình trạng chung của nhiều hiệu trưởng cùng hoàn cảnh. Họ không dám có ý kiến thẳng thừng về những điều khó coi, khó nói mà phải lựa lời để nói sao cho không bị mất lòng “sếp” mà vẫn hiệu quả. Tên tuổi của họ không được đặt ở vị trí trang trọng, không được dùng những lời hoa mĩ giới thiệu về hiệu trưởng trên website, trên bảng thành tích mà thay vào đó là tên của “ông hội đồng” – người có uy quyền và ảnh hưởng cao.
Hạnh phúc mong manh
“Mỗi lần Sở GD-ĐT hay UBND quận có thư mời hiệu trưởng đi họp hay dự hội nghị thì người lãnh hộ tôi phần này là… hiệu phó. Có lẽ, họ sợ chúng tôi tiết lộ điều gì chăng?”, hiệu trưởng của một trường dân lập tâm sự.
Bên cạnh những nỗi niềm đó, hiệu trưởng “đứng danh” còn lo lắng về hình ảnh của mình trong suy nghĩ của giáo viên, nhân viên trong trường. Không ai nói ra nhưng hiệu trưởng nào cũng sợ hình ảnh của mình bị bóp méo, bị hạ thấp trong suy nghĩ của những người “cấp dưới”. Có hiệu trưởng đã phải nhờ một người “không hề quen biết ai” trong trường tới thăm dò thái độ của giáo viên, nhân viên, học sinh dành cho mình. “Biết chỉ để biết thôi, chứ người ta đã suy nghĩ về mình như vậy thì có muốn khác đi hoặc muốn sửa đổi cũng chẳng được”, hiệu trưởng này buồn rầu nói.
Ngoài ra, có một điều mà rất nhiều người gặp phải cũng có thể xem đó là cảnh tượng chung của hầu hết những hiệu trưởng “đứng danh”. Đó là sau những giờ có mặt ở ngôi trường do mình làm hiệu trưởng, họ vẫn phải ra sức “cày” để kiếm thêm thu nhập bằng những công việc khác. Phần lớn những hiệu trưởng “đứng danh” đều xuất phát từ những nhà giáo chân chính nghèo, có rất nhiều năm gắn bó với bục giảng, với những thế hệ học trò. Do đó, việc dạy học vừa để thỏa mãn đam mê dạy học, vừa cải thiện tình hình kinh tế.
Và có lẽ chẳng cần nói xa xôi, ngay chuyện họ chấp nhận làm hiệu trưởng chỉ để “đứng danh” cũng đã là một sự cam chịu vì chuyện cơm áo gạo tiền mà thôi. Chẳng có ai coi đây là việc để vui thú tuổi già. Bao nhiêu năm theo nghề sư phạm, có lẽ niềm vui duy nhất của những người hiệu trưởng “đứng danh” là còn được đến trường nhìn từng thế hệ học sinh trưởng thành, vẫn được chúng chào hỏi một cách lễ phép, kính trọng. Và với họ, chúng tôi nghĩ chỉ bấy nhiêu thôi cũng hạnh phúc lắm rồi.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
LTS: Loạt bài “Làm hiệu trưởng: dễ hay khó?” (đăng từ số 773 đến 776 trên Báo Giáo Dục TP.HCM) đề cập khá chi tiết “nỗi khổ” của những người làm hiệu trưởng các trường phổ thông. Tuy nhiên, vẫn còn đó những nỗi lòng không biết tỏ cùng ai mà họ gặp phải trong thời gian đương chức. Vì vậy, tòa soạn xin mở Câu lạc bộ hiệu trưởng với mong muốn nhận được những ý kiến tâm sự, chia sẻ của những người làm hiệu trưởng, phụ huynh, học sinh… Mọi ý kiến xin gửi về: Báo Giáo Dục TP.HCM, số 300 Điện Biên Phủ, phường 7, quận 3, TP.HCM hoặc email: tantruc_tg@yahoo.com
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)