Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phát hiện nhiều sai phạm tại các trường ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Kết luận vừa được Thanh tra Chính phủ công bố cho thấy 5 đơn vị gồm ĐH Huế và các trường ĐH Vinh, ĐH Luật TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có những sai phạm trong công tác tuyển sinh, đào tạo, tài chính, đầu tư xây dựng…
Kết luận của Thanh tra Chính phủ về thanh tra trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, và 5 đơn vị nói trên trong việc tổ chức và thực hiện nghị định số 43 của Chính phủ bao gồm các nội dung: Tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự; thực hiện nhiệm vụ; tài chính; công tác quản lý đầu tư xây dựng.
Thu vượt học phí, tuyển vượt chỉ tiêu
Kết quả thanh tra cho thấy Bộ GD-ĐT đã quan tâm tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện nghị định 43; chủ động phối hợp các bộ ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền trách nhiệm được giao tại điều 32 của nghị định; thực hiện tương đối nghiêm túc theo quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Các đơn vị sự nghiệp thanh tra đã tích cực triển khai tổ chức thực hiện nghị định 43; thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền trách nhiệm được giao; đã chủ động bố trí sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính, sắp xếp tổ chức bộ máy và biên chế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng công tác, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kết quả thực hiện tại Bộ GD-ĐT và 5 đơn vị sự nghiệp đã cơ bản đạt được mục tiêu chung mà nghị định 43 đề ra.
Kết luận thanh tra còn chỉ ra những thiếu sót, vi phạm phát hiện ở những đơn vị này. Cụ thể, Bộ GD-ĐT chậm ban hành quyết định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc (năm cuối giai đoạn thực hiện 2011-2013 mới ban hành). Việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nghị định 43 còn chậm, bộ chưa xây dựng được tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bộ còn hạn chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị sự nghiệp. Một số khuyết điểm, sai phạm của 5 đơn vị được thanh tra trên các lĩnh vực tổ chức bộ máy, nhân sự; thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tài chính; đầu tư xây dựng, quản lý đất đai tài sản… chưa được phát hiện, chấn chỉnh kịp thời.
Tại 5 đơn vị ĐH Huế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các trường: ĐH Vinh, ĐH Luật TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM đều chưa xây dựng phương án tự chủ về bộ máy, tổ chức trình Bộ GD-ĐT phê duyệt; chưa ban hành hoặc điều chỉnh bổ sung “Quy chế thực hiện dân chủ” theo nghị định 43; chưa thành lập Hội đồng trường; ban hành một số văn bản không phù hợp quy định Nhà nước hoặc căn cứ vào các quy định đã hết hiệu lực; quy chế chi tiêu nội bộ quy định một số khoản thu, chi không đúng quy định Nhà nước; ban hành văn bản quy định mức thu một số khoản học phí, lệ phí vượt mức quy định.
Đối với tuyển sinh, đào tạo ĐH chính quy, liên thông CĐ lên ĐH, một số đơn vị tuyển sinh vượt chỉ tiêu được giao. Trường ĐH Nông lâm (ĐH Huế) không được giao chỉ tiêu vẫn tuyển sinh hệ liên thông CĐ lên ĐH chính quy năm 2011 với 110 sinh viên. Hệ vừa làm vừa học, một số đơn vị tuyển sinh vượt chỉ tiêu so với quy định. Với bậc đào tạo sau ĐH, một số học viên trúng tuyển chưa đảm bảo điều kiện ngoại ngữ, kinh nghiệm công tác theo quy định (một số thành viên ĐH Huế, Trường ĐH Luật TP.HCM). Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đào tạo thạc sĩ kinh tế khóa K20 vượt quá thời gian quy định 1 năm. Việc một số học viên trúng tuyển không đạt yêu cầu ngoại ngữ cũng xảy ra đối với chương trình liên kết đào tạo nước ngoài ở các đơn vị nêu trên. Đặc biệt, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có chương trình đào tạo cao học được bộ phê duyệt đến nay đã 20 năm nhưng chưa gia hạn chương trình đào tạo, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển cho phù hợp. 100% học viên khóa 18 (năm 2012) không có chứng chỉ ngoại ngữ…
Về tự chủ tài chính, hầu hết các đơn vị đều thu vượt, thu ngoài quy định Nhà nước, vi phạm nghị định 43 và 57 của Chính phủ. Cả 5 đơn vị không nộp kịp thời, đầy đủ các khoản thu vào kho bạc để kiểm soát chi theo quy định, chuyển gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại hưởng lãi suất vi phạm nghị định 43. Các đơn vị sự nghiệp đều chi vượt giờ cho giảng viên cao gấp nhiều lần so với quy định…
Ngoài ra, một số đơn vị còn chưa thực hiện đúng việc quản lý sử dụng đất đai, cơ sở vật chất và trụ sở làm việc; công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản…
Chấn chỉnh nghiêm các sai phạm
Qua kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhiều nội dung đối với các bộ: GD-ĐT, Tài chính, Nội vụ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Trong đó, Bộ GD-ĐT tăng cường quản lý, thường xuyên kiểm tra đôn đốc các đơn vị sự nghiệp thực hiện nghiêm túc việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo đúng nghị định 43 và quy định Nhà nước. Quy định rõ nội dung chi, mức chi tối thiểu cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ đào tạo phù hợp với từng loại hình; khắc phục tình trạng dạy chay, xa rời thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Xử lý các trường hợp học viên cao học không đủ điều kiện (liên kết đào tạo nước ngoài) không đủ điều kiện quy định. Chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ GD-ĐT chấm dứt việc thu vượt học phí, lệ phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra nội bộ, kịp thời chấn chỉnh xử lý các vi phạm…
Thanh tra Chính phủ còn yêu cầu nộp về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ số tiền thuế các đơn vị sự nghiệp chưa nộp vào ngân sách Nhà nước với hơn 2 tỷ đồng. Trong đó ĐH Huế trên 635 triệu đồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam gần 1,4 tỷ đồng… Xử lý sai phạm về đầu tư xây dựng với số tiền trên 6,8 tỷ đồng tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Luật TP.HCM, ĐH Huế, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Vinh.
Đối với sai phạm về thu phí, lệ phí và không gửi tiền học phí vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét không thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền thu vượt, thu ngoài quy định và số lãi tiền gửi ngân hàng của các trường được thu từ nhiều nguồn. Các đơn vị được quyết toán các khoản thu nêu trên nếu các đơn vị chỉ sử dụng cho hoạt động chuyên môn, đầu tư cơ sở vật chất và việc mua sắm đầu tư phải đúng quy định hiện hành của Nhà nước và theo quy chế chi tiêu nội bộ…
Mê Tâm
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)