Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ổ dịch cúm A/H1N1 tại Trường THPT Tư thục Ngô Thời Nhiệm: Nguy cơ lây lan và biện pháp phòng chống

Tạp Chí Giáo Dục

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân (bìa phải) cùng lãnh đạo Sở Y tế, Sở GD-ĐT đang triển khai kế hoạch phòng chống dịch cúm A/H1N1 tại Trường Ngô Thời Nhiệm sáng 21-7-2009

Cuối cùng điều mà ngành y tế và giáo dục lo lắng nhất cũng đã xảy ra – dịch cúm A/H1N1 xuất hiện trong trường học. Chỉ sau 5 ngày (từ 17 đến 21-7) phát hiện ca dương tính đầu tiên, đến nay Trường THPT Tư thục Ngô Thời Nhiệm đã có trên 50 giáo viên (GV) và học sinh (HS) nhiễm bệnh. Các chuyên gia y tế lo ngại dịch bệnh sẽ lây lan ra các trường lân cận nếu không phòng chống tốt…
Ổ dịch lây lan quá nhanh
Ông Nguyễn Văn Châu – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Đến trưa ngày 21-7 tại ổ dịch Trường THPT Tư thục Ngô Thời Nhiệm đã có 54 HS, GV dương tính với cúm A/H1N1”. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H1N1, ngày 21-7, ông Lê Hoàng Quân – Chủ tịch UBND TP.HCM đã trực tiếp xuống trường…
Tại buổi làm việc, bà Phạm Thị Thúy Vĩnh – Hiệu trưởng Trường THPT Tư thục Ngô Thời Nhiệm cho biết: dịch xuất phát từ HS Ng.H.Đ (lớp 10A10). Ngày 10-7, em Đ. về nhà ở ấp Việt Kiều (Xuân Lộc, Đồng Nai) dùng cơm cùng gia đình có người thân là Việt kiều về từ Mỹ. Sau đó có 17 người nhiễm cúm, em Đ. là người thứ 18. Ngày 13-7 em Đ. quay trở lại trường để sinh hoạt hè. Đến ngày 15-7, em được gia đình xin về nhà vì trong người có triệu chứng sốt ho. Sáng ngày 17-7, nhà trường nhận được tin báo từ gia đình cho biết em đã bị nhiễm cúm A/H1N1.
Ông Châu cũng báo cáo: Sở Y tế đã có hai cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan để đưa phương án phòng chống khẩn cấp. Sáng ngày 20-7, sở họp khẩn với Sở GD-ĐT, Viện Pasteur, Trung tâm Y tế dự phòng quận 9 và hiệu trưởng Trường THPT Tư thục Ngô Thời Nhiệm để thống nhất phương án xử lý khống chế không cho dịch lây lan. Cuộc họp đi đến thống nhất thành lập bệnh viện dã chiến ngay tại trường. Theo đó phong tỏa toàn bộ khu vực trường học, xử lý môi trường, bố trí sẵn xe cấp cứu, thiết lập đường dây nóng, thành lập khu cách ly điều trị tại trường (gồm 40 giường bệnh, 10 bác sĩ, 10 điều dưỡng và 4 nhân viên y tế của trường). Sở Y tế đã tiến hành cách ly điều trị tại trường cho 160 GV và HS khác. Đồng thời yêu cầu lập danh sách địa chỉ cụ thể của những HS còn lại gửi về địa phương để thực hiện giám sát, theo dõi…
Đóng cửa trường học trong 20 ngày
Trường THPT Tư thục Ngô Thời Nhiệm có gần 2.000 HS đang theo học, trong đó có 973 em học hè. 80% số HS của trường cư ngụ tại các tỉnh như Đắc Lắc, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai và một số em ở các tỉnh phía Bắc, chỉ có 169 em có hộ khẩu TP.HCM tập trung ở Q. 9, Thủ Đức và Bình Thạnh. Hè này, trường có tổ chức học hè cho 26 lớp với 973 HS. Điều đáng nói là 741 HS đã về lại các tỉnh, vì vậy nguy cơ lây lan ra cộng đồng là rất lớn. Thực tế đã có một HS là em Ph.S. H. (Bình Dương) bị nhiễm cúm A/H1N1 đang được điều trị tại Bệnh viện Sông Bé.
Ông Lê Hoàng Quân chỉ đạo: “Sở Y tế TP.HCM phải tập trung mọi nguồn lực để dập dịch, tuyệt đối không để xảy ra tử vong. Trước nguy cơ diễn biến phức tạp chúng tôi sẽ cho đóng cửa trường học tới khi nào an toàn cho HS mới mở cửa trở lại. Trước mắt trường sẽ ngưng hoạt động từ 10 – 20 ngày để khống chế dịch. Mặt khác chúng tôi đã có công văn gửi cho các trường nhằm nâng cao cảnh giác, thường xuyên theo dõi dịch bệnh để có cách đối phó khi dịch xảy ra. Cán bộ y tế dự phòng cần nắm rõ tình hình của trường, nếu em nào đã tiếp xúc gần với các ca nhiễm thì không cho về. Những em nào muốn về cần phải được tư vấn để có kiến thức tự bảo vệ mình và cộng đồng. Khi HS quay lại trường phải có giấy chứng nhận sức khỏe của cơ quan chức năng”.  
Từ chối nhận HS sốt, sổ mũi, ho
Trước sự lây lan nhanh chóng của dịch cúm A/H1N1 tại Trường THPT Tư thục Ngô Thời Nhiệm, Phòng GD-ĐT Q.9 đã yêu cầu Trường MN Tư thục Hoa Mai (gần Trường Ngô Thời Nhiệm) tạm thời đóng cửa. Còn tại Trường Mầm non Phước Long nằm trên địa bàn P.Phước Long A thì: “GV thường xuyên theo dõi cháu, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường sẽ báo cho phụ huynh đón về, nặng thì đưa sang trạm y tế. Khi nhận trẻ, nếu phát hiện bé nóng, sổ mũi, ho thì từ chối nhận…”, cô Nguyễn Thị Hoa – Hiệu phó nhà trường cho biết.
Cô Lê Thị Kim Loan, Quyền trưởng phòng GD-ĐT Q.9 cũng cho biết: “Từ khi cúm A/H1N1 xuất hiện tại Việt Nam, Phòng GD-ĐT quận đã liên tục gửi công văn xuống các trường trên địa bàn. Theo đó, yêu cầu các trường theo dõi diễn biến dịch bệnh, nâng cao cảnh giác và chủ động phòng ngừa. Hiện nay, tuy ổ dịch đã xuất hiện trên địa bàn nhưng các trường khác vẫn chưa có nguy cơ lây nhiễm và đang được theo dõi sát tình hình nếu có diễn biến phức tạp sẽ xin Sở GD-ĐT cho một số trường ngưng hoạt động để bảo vệ sức khỏe HS”.
Về phía lãnh đạo địa phương, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó chủ tịch UBND Q.9 quả quyết: “Quận đã chỉ đạo các phường phối hợp với các cơ quan chức năng để khống chế dịch, không để dịch cúm lan rộng ra khu vực xung quanh. Lực lượng y tế quận, phường cũng như lực lượng an ninh được bố trí trực 24/24”.
Công tác y tế học đường ở các trường ngoài công lập còn yếu

Cán bộ y tế đang khám bệnh và khử trùng tại Trường Ngô Thời Nhiệm. Ảnh:Văn Mạnh

“Có thể nói vấn đề xử lý khi có dịch bệnh ở Trường THPT Tư thục Ngô Thời Nhiệm còn nhiều yếu kém, bởi vậy mới bùng phát thành một ổ dịch lớn như hiện nay”, bác sĩ Phan Văn Nghiệm – Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM bức xúc.
Theo bác sĩ Nghiệm thì không chỉ riêng Trường Ngô Thời Nhiệm mà hầu hết các trường ngoài công lập đều yếu kém về công tác chăm sóc sức khỏe HS, phòng chống dịch bệnh. Thực tế cho thấy, mỗi khi xuất hiện ổ dịch tại các trường ngoài công lập, nhà trường thường tỏ ra lúng túng khi ngành y tế yêu cầu cung cấp số điện thoại liên lạc của PHHS, nơi cư ngụ của HS. “Giữa nhà trường và gia đình phải thường xuyên liên lạc với nhau, khi HS nghỉ học, nhất là nghỉ học do bệnh phải báo ngay với nhà trường. Nhà trường báo cho y tế để xuống trường xử lý kịp thời tránh lây lan. Dịch bệnh thường từ ngoài đem vào trường, nếu nhà trường giải quyết không tốt thì dịch bệnh còn lai rai”, bác sĩ Nghiệm khuyến cáo.
Về phía ngành giáo dục, TS Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết: “Từ nhiều năm nay, Sở GD-ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế để phòng chống dịch bệnh trong trường học. Tuy nhiên, vài ngày trước đã xuất hiện ổ dịch cúm A/H1N1 tại Trường Ngô Thời Nhiệm. Chúng tôi đã kịp thời phối hợp với các ban ngành liên quan để giải quyết vấn đề. Ngành giáo dục đã thực hiện rất nghiêm túc những quy định của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch thành phố… Qua vụ việc ở Trường THPT Tư thục Ngô Thời Nhiệm, Sở GD-ĐT đã tổ chức sinh hoạt với các trường tiếp tục củng cố mạng lưới y tế học đường. Ngành giáo dục quyết không để xảy ra một ổ dịch thứ 2 tại trường học…”.
Hòa Triều – Văn Mạnh

 

 

Đóng cửa cơ sở giáo dục ở khu vực có dịch cúm A/H1N1
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch hành động phòng chống đại dịch cúm A/H1N1 trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, Bộ GD-ĐT chỉ đạo thành lập, kiện toàn các ban chỉ đạo công tác y tế trường học các cấp trước ngày 15-8. Trưởng ban chỉ đạo là đại diện lãnh đạo của đơn vị. Ban chỉ đạo các cấp có nhiệm vụ phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống cúm quốc gia, tỉnh, thành.
Khi dịch cúm A/H1N1 lan rộng, Sở GD-ĐT tỉnh, thành chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch bệnh. Tuyên truyền mạnh mẽ các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H1N1 cho GV, nhân viên, HS. Huy động lực lượng này tích cực tham gia tuyên truyền trong cộng đồng dân cư. Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các trường cao đẳng, trung cấp y – dược ở địa phương chuẩn bị đủ thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị, sinh phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tham gia chống dịch. Thực hiện quyết định của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch tỉnh/thành, đóng cửa các cơ sở giáo dục ở khu vực có dịch cúm A/H1N1 để hạn chế tối đa sự lây lan và lấy chỗ đặt bệnh viện dã chiến khi cần thiết.
Nghiêm Huê
 
Lãnh đạo thành phố sẽ xuống trường kiểm tra công tác phòng bệnh
Chiều 21-7, Ban chỉ đạo Phòng chống cúm A/H1N1 đã có cuộc họp khẩn. Tại đây, bác sĩ Nguyễn Văn Châu – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: Riêng TP.HCM, số ca dương tính với cúm A/H1N1 tăng rất nhanh, trước đây mỗi tuần chỉ có 20 ca nay tăng lên 80 ca. Dịch bệnh đã bắt đầu lây lan trong cộng đồng, theo đó ca mắc có thể là phụ nữ mang thai, trẻ em, người có cơ địa yếu… Vì vậy khả năng tử vong là khá cao.
Vấn đề mà các thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống cúm A/H1N1 lo ngại là mùa tựu trường đã cận kề nên khả năng lây lan sẽ rất nhanh. Theo đó, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài chỉ đạo: “Sở GD-ĐT phải chỉ đạo các cơ sở giáo dục phân công công tác phòng chống dịch bệnh cụ thể tới từng cán bộ, giáo viên, nhân viên. Khi có 1 học sinh bị cúm, từ bảo mẫu, cấp dưỡng cho đến giáo viên phải biết làm như thế nào. Công tác vệ sinh cũng phải được tiến hành thường xuyên, phải chuẩn bị đầy đủ xà bông – nước rửa tay cho học sinh khi bước vào năm học mới”.
Ông Tài cho biết là sẽ xuống trường kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh, trường nào làm chưa tốt ngành giáo dục và chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.
K.Anh
 
Bác sĩ Phan Văn Nghiệm – Sở Y tế: “Vệ sinh trường học trước khi HS nhập học 1 tuần”
Sắp vào năm học mới, đó cũng là thời điểm của nhiều dịch bệnh như cúm A/H1N1, sốt xuất huyết, tay chân miệng. Để phòng chống dịch bệnh, trước khi HS đi học 1 tuần, nhà trường phải tiến hành tổng vệ sinh hàng ngày – vệ sinh bàn ghế, phòng học, nhà ăn, khu vực nhà vệ sinh, sân trường, cây cối xung quanh…
Cả cán bộ y tế học đường và GV cần phải được tập huấn nâng cao kiến thức về các loại bệnh. Như vậy, chỉ cần HS có biểu hiện sức khỏe bất thường là GV phát hiện được ngay và nhanh chóng báo cho y tế địa phương. Qua đó ngăn chặn sự lây lan cũng như hạn chế tối đa biến chứng, tử vong cho HS.
B.Thoa
 
Chiều ngày 21-7, Sở GD-ĐT tổ chức buổi sơ kết đợt 1 “Công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 trong trường học tại TP.HCM”, TS. Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường THPT, TCCN tại TP.HCM phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT, UBND TP.HCM về việc thực hiện các biện pháp phòng chống đại dịch cúm A/H1N1. Theo dõi sát tình hình dịch, nâng cao cảnh giác để đối phó với đại dịch đang có chiều hướng xấu trong những ngày tới. Nếu đơn vị nào để xảy ra tắc trách sẽ phải chịu trách nhiệm.
Chiều cùng ngày, Sở GD-ĐT TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM đã ký văn bản liên tịch chỉ đạo các đơn vị trường học, các cơ sở GD-ĐT phải thực hiện nghiêm túc và khẩn trương các biện pháp sau: Phát huy tốt những kinh nghiệm phòng chống dịch trong thời gian qua, tăng cường ý thức trách nhiệm về sự an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng; củng cố tổ chức, phân công lực lượng phụ trách phòng chống dịch, tập huấn chuyên môn và tạo điều kiện hoạt động hiệu quả. Giữ gìn vệ sinh cơ quan, đơn vị, sự thông thoáng trong trường, phòng học, căn tin, nơi cư trú…; tổ chức tập huấn toàn đơn vị từ cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh. Thường xuyên có thông tin nhắc nhở, cung cấp thông tin về dịch cúm A/H1N1 đến phụ huynh và học sinh; khi phát hiện có trường hợp lây bệnh, đơn vị trường học khẩn trương báo cáo cơ quan y tế để phối hợp cách ly điều trị. Nếu phát hiện từ cộng đồng, cơ quan y tế phải báo ngay cho nhà trường để kịp thời bảo vệ cho đơn vị và cho người mắc bệnh.
Điện thoại liên hệ khẩn cấp của cơ quan y tế là: 08. 39309981; ngành giáo dục TP.HCM: BS. Nguyễn Tài Dũng, ĐT: 0903961654.
V.M
 

 

Bình luận (0)