Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hồ sơ xin việc: Mất điểm vì lỗi ngớ ngẩn

Tạp Chí Giáo Dục

Người lao động đi xin việc làm. Ảnh: Phan Bưởi
Bỏ ra rất nhiều thời gian để làm hồ sơ xin việc (CV – Curriculum vitae), gửi tới các công ty nhưng rất nhiều CV của ứng viên đã bị quên lãng chỉ vì những lỗi rất nhỏ nhặt.
Vô vàn lỗi ngớ ngẩn
Đang trong thời gian tuyển thực tập sinh nên nhiệm vụ của chị Lê Hải Hà (Phòng nhân sự Công ty Chứng khoán Vietcombank) là sàng lọc hồ sơ của các ứng viên để chọn phỏng vấn. Mỗi năm có 1-2 đợt tuyển dụng, nhưng không có đợt nào chị Hà lại không… cười ra nước mắt trước hàng chục địa chỉ mail với những cái tên bắt đầu kiểu luctungthungrac_timxacnguoiyeu, cobedoihon_21, iuanh_ emdamko,khoailangnuong151… hay những tiêu đề (Subject) được nhấn mạnh: “Hi, mình muốn được làm công việc này”, “help me”, “xin viec”… Dù cố tình bỏ qua vì thông cảm ứng viên mới ra trường còn thiếu kinh nghiệm, nhưng chị vẫn không thể chấp nhận được những chữ ký mang đầy triết lý kiểu: “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”, “Em rất xinh khiến lòng anh liêu xiêu, nhưng xin lỗi anh không yêu vì em quá điêu” kèm theo đó là một bức hình đại diện rất “nóng” dường như được copy từ một web “đen” nào đó. “Đứng ở vị trí nhà tuyển dụng, không ít lần tôi phải nghi ngờ ứng viên rằng viết một cái mail xin việc không xong thì còn có thể làm được việc gì ra hồn? Giữa vô số CV xin việc, nhà tuyển dụng khó tính sẽ chẳng thể để mắt tới những hồ sơ mà ngay bước đầu đã mất điểm”, chị Hà khẳng định.
Bên cạnh lỗi viết mail, anh Nguyễn Hùng Cường (chuyên gia tư vấn nhân sự tại Công ty cổ phần Tư vấn Vietez Việt Nam) còn chỉ ra những lỗi rất cơ bản trong CV khiến nhà tuyển dụng phàn nàn như: Lỗi về trình bày (cỡ chữ, canh lề giấy), tập tin đính kèm quá nặng, tên CV quá dài… Thậm chí có CV khi mở file còn yêu cầu cả mật khẩu khiến nhà tuyển dụng không thể chấp nhận thêm bất cứ sự cẩu thả, non kém nào từ những kỹ năng cơ bản này.
Nhưng đó chỉ mới là lỗi về hình thức, nội dung của CV còn khiến nhiều nhà tuyển dụng lắc đầu ngao ngán trước mức độ “ngây thơ” của ứng viên khi đề cập sở thích cá nhân là “Yêu màu tím, thích màu hồng, sống nội tâm”, “Đọc báo mạng, chơi game online, nghe nhạc Hàn Quốc…”, hay “Tôn thờ chung thủy, ghét giả dối, yêu hòa bình, căm ghét chiến tranh”
“Tôi từng nhận được CV của nhiều ứng viên với những từ ngữ rất ướt át kiểu: “Tôi đang sống tại ngôi nhà hạnh phúc (kèm theo địa chỉ nhà)”, “Ngày tôi cất tiếng khóc chào đời trên tay mẹ là: (ngày sinh)”, “Sở thích của tôi là ca hát, sáng tác âm nhạc và xem phim, thích nhất là phim của chú Thành Long và những phim buồn, những câu chuyện tình lãng mạn. À quên còn thích cả thời trang nữa chứ!!!”… Thú thật, khi đọc những dòng này, tôi chỉ biết thở dài ngao ngán và không hiểu các bạn đã nghĩ gì khi viết và gửi những CV kiểu này”, anh Hùng Cường bày tỏ.
Không chỉ riêng CV, thái độ của ứng viên với nhà tuyển dụng khi được gọi phỏng vấn cũng là một điều đáng để bàn. Chị Nguyễn Vân Anh (Phòng nhân sự Công ty Unilever Việt Nam) kể từng rất bực khi ứng viên không hề nhớ mình đã nộp CV xin việc tại công ty, hay ứng viên khác lại có giọng điệu kiểu bất cần, khinh khỉnh với người gọi điện hẹn phỏng vấn. Một lần khác, có ứng viên gọi điện cho người phụ trách tuyển dụng lúc… 12 giờ đêm chỉ vì bạn không nhớ lịch hẹn, không nhớ mình phải gặp ai để phỏng vấn. “Thử hỏi, những điều cơ bản nhất của việc đối đáp, cư xử và ghi nhận thông tin mà các em còn không làm tốt thì nhà tuyển dụng có nên hi vọng vào năng lực của các em khi làm ở công ty họ hay không?”, chị Vân Anh nghi vấn.
Phải đặt mình vào vị trí nhà tuyển dụng
“Đứng ở vị trí nhà tuyển dụng, không ít lần tôi phải nghi ngờ ứng viên rằng viết một cái mail xin việc không xong thì còn có thể làm được việc gì ra hồn?”, chị Lê Hải Hà (Phòng nhân sự Công ty Chứng khoán Vietcombank), nói.
Có thể nói, với sự trợ giúp của internet, việc gửi thư xin việc đang là hình thức phổ biến được nhiều ứng viên và đơn vị tuyển dụng sử dụng. Viết mail, đặt tên mail hay làm CV là những kỹ năng quan trọng bước đầu khi tìm việc làm của các bạn trẻ, bởi người tìm việc có cùng trình độ rất nhiều. Một thông tin tuyển dụng sẽ có hàng trăm người xem và nộp đơn ứng tuyển. Do đó, người có thái độ tích cực, có kỹ năng sẽ tạo được ấn tượng tốt đối với nhà tuyển dụng. “Chỉ cần bỏ ra chút thời gian nghiên cứu công việc, nghiên cứu kỹ năng viết và gửi CV từ những người đi trước hoặc trên mạng internet, ứng viên sẽ tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm đáng kể. Khi gửi CV, ứng viên cần thể hiện thái độ lịch sự, mở đầu bằng “Kính chào” và kết thúc với “Xin cảm ơn anh/chị đã dành thời gian xem mail này”. Thông tin, hình ảnh được gửi đi phải nghiêm túc, ghi rõ ràng nơi nhận/người nhận, không nên quá ôm đồm nhiều thông tin không cần thiết. Trước khi gửi đi, các bạn phải kiểm tra lại bằng cách gửi nháp tới một mail khác của mình để đảm bảo những thứ gửi đi không bị lỗi, không “râu ông nọ cắm cằm bà kia” hoặc những hình ảnh, thông tin trên mail không gây phản cảm cho nhà tuyển dụng”, chị Vân Anh góp ý.
Linh Vy
Biến nhược điểm thành ưu điểm trong mắt nhà tuyển dụng
Một cách khá hữu ích giúp ứng viên tạo được ấn tượng cho CV của mình, được anh Hùng Cường chia sẻ là đặt mình vào vị trí của nhà tuyển dụng, công việc ứng tuyển. Từ yêu cầu, tính chất của công việc, của nhà tuyển dụng, ứng viên sẽ phát hiện ra công việc đó cần những kỹ năng gì, tính cách nào cần thể hiện trong đó; nếu cần có thể biến nhược điểm của mình thành ưu điểm trong mắt nhà tuyển dụng như “nhược điểm của tôi là khắt khe với công việc và chính bản thân mình” hay “nhược điểm của tôi là thích chinh phục những thử thách mới, nghiền ngẫm những thất bại…
 
 

Bình luận (0)