Nhà trường cần phải dạy học sinh cách tự bảo vệ mình khi tham gia các hoạt động ngoại khóa. Ảnh: N.Trinh
|
Liên tục trong thời gian qua, nhiều vụ tai nạn, bạo lực dẫn đến thương vong trong nhà trường đã xảy ra khiến mọi người không khỏi băn khoăn: Liệu học đường có phải là nơi bảo đảm an toàn cho trẻ? Khắc phục tình trạng này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp, nhưng có lẽ căn cơ vẫn là giáo dục khả năng tự bảo vệ cho chính học sinh (HS).
Dạy trẻ phòng tránh các tai nạn
Thông thường, trẻ được cha mẹ đưa đến trường, trong trường thì có sự bảo vệ, giúp đỡ của thầy cô, giám thị… Như vậy, về lý thuyết, trẻ gần như có sự an toàn rất cao. Nhưng trên thực tế, tai nạn vẫn rình rập trẻ gần như mọi nơi. Trên đường đến trường, trẻ có thể gặp tai nạn giao thông – có không ít trường hợp tử vong hoặc bị thương tật; với những trẻ tự đi đến trường bằng xe đạp hoặc xe gắn máy (dù đủ tuổi được sử dụng hay không) thì mức độ rủi ro còn cao hơn. Vào trong trường, trẻ vẫn có thể gặp những rủi ro như trượt ngã, bị va chạm với bạn, bị bạn tấn công, bị thương tích từ đồ vật trong trường (do ngã đổ hoặc va chạm…), các sự cố liên quan đến điện, cháy nổ… Như vậy, rủi ro xảy ra đối với trẻ là không nhỏ và gần như không có giới hạn, có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào.
Do đó, nhà trường và phụ huynh cần thiết phải dạy một cách kỹ lưỡng, đầy đủ về các phương án phòng tránh rủi ro, tai nạn cho trẻ. Chẳng hạn, phải luôn nhắc nhở trẻ không leo lên lan can, nhất là ở các tầng lầu; khi đi trên cầu thang thì không xô đẩy, chen lấn nhau; đi trong nhà vệ sinh thì phải chậm rãi, không chạy vội có thể trượt ngã; không lại gần các cánh cửa, nhất là cánh cổng vận hành bằng điện… Ngoài ra, những tình huống khác như khi trẻ bị ngộ độc thức ăn, bị sàm sỡ, bị trấn lột, bị bắt nạt… thì nên xử trí thế nào cũng cần được hướng dẫn cặn kẽ.
Giúp trẻ tự xử lý các trường hợp khẩn cấp
Có thể nói, rủi ro, sự cố xảy ra không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của bất kỳ ai nên dù hết sức cẩn thận, lường trước mọi tình huống thì vẫn có trường hợp đáng tiếc. Do vậy, bên cạnh hướng dẫn cho trẻ cách phòng tránh tai nạn thì rất cần thiết hướng dẫn, hỗ trợ trẻ trong những tình huống khẩn cấp. Đó là cách thoát thân, tự bảo vệ một cách an toàn hoặc giảm thiểu thiệt hại khi có sự cố xảy ra.
Chẳng hạn, khi một vụ cháy xảy ra trong lớp, một trong những điều đầu tiên là phải tìm cách thoát ra khỏi lớp (trong một số trường hợp, điều đầu tiên có thể là báo động hoặc tìm cách dập tắt đám cháy), vậy thì nên thoát theo lối nào, bằng cách nào… Thông thường, trẻ nên bám sát tường để ra ngoài, nếu có nhiều khói thì dùng khẩu trang hoặc cố gắng cởi áo để che mũi, nhằm hạn chế hít phải khói…; cố gắng thoát ra ngoài có trật tự, vì càng chen lấn thì tự cản trở lối thoát, khiến việc đi ra chậm hơn và có thể giẫm đạp lên nhau. Hay người lớn cũng cần hướng dẫn trẻ biết rằng, nếu gặp trường hợp một bạn bị ngất xỉu thì tránh tụ tập đến xem quá đông mà phải đưa bạn đến chỗ thoáng mát, đặt bạn ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái… trước khi gọi người lớn đến giúp đỡ.
Có một hạn chế không nhỏ là, ở Việt Nam, trẻ ít được giáo dục xử lý những tình huống khẩn cấp, như ứng phó với thiên tai, thảm họa, tai nạn…, cứ như rằng trẻ không cần phải biết những điều đó. Trên thực tế, trẻ không biết đã đành mà chính người lớn vì hồi nhỏ không được học nên rồi cũng chẳng biết, thành ra không thể hướng dẫn giúp cho trẻ xử sự hợp lý. Đây là điều cần khắc phục ngay.
Hướng dẫn trẻ biết giúp đỡ người khác
Có một hạn chế không nhỏ là, ở Việt Nam, trẻ ít được giáo dục xử lý những tình huống khẩn cấp, như ứng phó với thiên tai, thảm họa, tai nạn…, cứ như rằng trẻ không cần phải biết những điều đó.
|
Trong những trường hợp có sự cố, trẻ thường bu quanh lại xem chứ ít khi biết cách xử trí phù hợp. Như với một bạn bị ngã bất tỉnh, nếu xử trí không đúng cách, tình trạng sẽ trở nên rất nghiêm trọng, vì nếu tụ tập lại xem đông có thể làm bạn bị ngạt thở, xốc hoặc đặt bạn không ở tư thế phù hợp khiến bạn bị ảnh hưởng đến xương khớp…
Do đó, yêu cầu đầu tiên là trẻ phải tự bảo vệ mình, tự mình thoát thân nhưng sau đó cũng phải học cách giúp đỡ bạn khác. Một HS thấy bạn mình bị bắt nạt mà dửng dưng đứng xem có thể vì kém về mặt ý thức, nhận thức mà có khi do kém về khả năng ứng cứu: Không dám can thiệp vì sợ bị tổn thương bản thân, không biết cách giúp bạn… Trong khi trên thực tế, trẻ có thể dùng lý lẽ để phân biệt ai đúng ai sai, nhờ bạn báo cho người lớn biết, thậm chí trong trường hợp cần thiết có thể mạnh dạn đứng về phía bạn yếu thế để tạo sự cân bằng về lực lượng, từ đó giúp cuộc xung đột không xảy ra. Hay khi thấy bạn bị tai nạn, trẻ cần được dạy là nên làm những điều gì với từng tình huống cụ thể. Rõ ràng, đây là những kỹ năng sống rất cần thiết không chỉ cho trẻ lúc còn đi học mà còn tạo kiến thức và kỹ năng nền tảng khi trẻ trưởng thành.
ThS. Nguyễn Minh Hải
Nhà trường phải bảo đảm an toàn cho trẻ
Nhà trường trước hết phải cố gắng bảo đảm an toàn một cách cao nhất cho trẻ trong phạm vi trường lớp. Một cái tủ bị đổ, một bức tường bị ngã, một nhánh cây gãy… làm trẻ thương vong, trách nhiệm trước hết thuộc về nhà trường. Nhưng nhà trường còn phải bảo vệ trẻ ở khu vực quanh trường nữa; trẻ bị trấn lột, bị bắt cóc hay đơn giản chỉ là ăn quà vặt không đảm bảo vệ sinh bán ở bên ngoài trường… thì nhà trường cũng không thể nói là vô can. Do đó, nhà trường phải có sự hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương (công an khu vực, lực lượng bảo vệ dân phố…), với gia đình để có những phương án bảo đảm an toàn cho trẻ.
Không thể chỉ dạy trẻ tự bảo vệ mà nhà trường không bảo đảm an toàn cho trẻ, cũng như nhà trường không thể nào bảo đảm an toàn tuyệt đối nếu không hướng dẫn cho trẻ cách thức tự bảo vệ. Hai hoạt động này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Bảo vệ trẻ là việc làm cần thiết, thường trực nhưng dạy cho trẻ tự bảo vệ cũng không được lơ là, bởi đây cũng là một đòi hỏi có tính nguyên tắc về giáo dục, tức là phải dạy cho trẻ những điều thiết thực!
|
Bình luận (0)