Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đầu ra chuẩn của nhân sự ngành công nghệ thông tin

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên Trường CĐ Nghề CNTT iSpace đang thực hành tại trường
Hiện cả nước có trên 270 trường ĐH, CĐ đào tạo ngành công nghệ thông tin (CNTT). Mỗi năm, lượng sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp khá lớn. Riêng tại TP.HCM có khoảng 20 ngàn sinh viên ra trường, trình độ từ trung cấp, CĐ đến ĐH. Tuy nhiên, nhân lực ngành CNTT đã qua đào tạo đáp ứng được nhu cầu của xã hội chỉ khoảng 30%, còn lại là phải đào tạo bổ sung.
Để khắc phục tình trạng này, mới đây, Báo Giáo Dục TP.HCM đã phối hợp với Trường CĐ Nghề CNTT iSpace và ARENA MAAC Việt tổ chức hội thảo chuyên đề “Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT gắn với nhu cầu doanh nghiệp”. Qua đó tìm ra đầu ra chuẩn cho nhân sự của ngành CNTT…
Doanh nghiệp cần nhân lực có chất lượng
Nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định CNTT là một trong những nền tảng quan trọng của phương thức phát triển mới. Điều này thể hiện quyết tâm đưa đất nước theo con đường hiện đại hóa, dùng CNTT làm bàn đạp để Việt Nam ra khỏi nhóm các nước đang phát triển. Có thể thấy rằng nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ cao, đặc biệt là ngành CNTT là rất lớn. Số liệu của Viện Chiến lược và chương trình giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho thấy, năm 2001 ngành CNTT chỉ có 15 ngàn sinh viên, đến năm 2010 đã tăng lên 20 ngàn. Dự kiến năm 2015 sẽ là 25 ngàn, đến năm 2020 là 30 ngàn.
Việc đào tạo đủ số lượng không phải là vấn đề đáng lo mà là chất lượng nhân lực đã qua đào tạo. “Hầu hết các chương trình đào tạo CNTT hiện nay vẫn chưa sát với thực tế nên đa số doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên mới ra trường đều phải qua quá trình tái đào tạo để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Quá trình này gây ra một sự lãng phí rất lớn với nguồn lực của cả nhà trường, sinh viên và doanh nghiệp”, ông Chương Anh Hoàng – Giám đốc Công ty VAG Việt Nam chia sẻ.
Trước tiên, bắt nguồn từ nhu cầu của các nhà tuyển dụng cần một nguồn nhân lực có chất lượng và ổn định với chi phí thấp. Đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực CNTT, một trong những khó khăn hàng đầu khi hoạt động tại Việt Nam là việc tuyển dụng được đội ngũ nhân sự bản địa đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của họ. Vì thế, việc các doanh nghiệp đặt hàng và liên kết với các cơ sở đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao là một chiến lược thông minh và phổ biến.
“Ngành CNTT đang ngày càng phát triển và tiến hóa thành rất nhiều lĩnh vực khác nhau thì việc đào tạo nhân lực cho CNTT cũng phải phát triển theo hướng phân chia thành các ngành học riêng biệt. Không chỉ phân chia theo khái niệm phần mềm, phần cứng, mạng như trước kia mà giờ đây ngành CNTT còn có cả nội dung số, game, di động, bảo mật, điện toán đám mây, tiếp thị trực tuyến… Những ngành này không chỉ đòi hỏi kiến thức về lập trình hoặc ứng dụng mà còn yêu cầu những kiến thức về xã hội, thẩm mỹ và kỹ năng giao tiếp truyền tin, ngoại ngữ ở mức độ cao hơn rất nhiều. Vì vậy, về phía các đơn vị đào tạo cần có sự phân chia chương trình đào tạo thành nhiều chuyên ngành và trang bị cho sinh viên thêm nhiều kỹ năng mềm để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp”, ông Hoàng cho biết.
Ông Cao Minh Nghĩa – Phó phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM khẳng định: “CNTT là một trong 4 ngành kinh tế trọng điểm của thành phố. Tuy nhiên, sinh viên ra trường lý thuyết thì có nhưng khi đi vào thực tiễn còn lúng túng. Vì vậy các trường cần thay đổi chương trình, nội dung đào tạo”…
Học đi đôi với hành
Trước thực trạng sinh viên ra trường không thể đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của các doanh nghiệp, một số cơ sở đào tạo ngành CNTT đã nhanh chóng cập nhật, nâng cấp các chương trình đào tạo và cơ sở hạ tầng của mình. Đội ngũ giảng viên cũng đã có nhiều thay đổi để bám sát yêu cầu doanh nghiệp, họ liên tục cập nhật, nghiên cứu những công nghệ mới để trang bị lại cho học viên. Thậm chí có trường còn mời những giảng viên xuất thân là nhân sự chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm tại các doanh nghiệp. Vấn đề thực tập tốt nghiệp cũng được nhiều trường chú trọng vì đó là một cơ hội để sinh viên tiếp cận và tìm hiểu thực tế tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó, có thể vận dụng tổng hợp các kiến thức đã học vào công việc thực tế, giải quyết các vấn đề cụ thể tại doanh nghiệp. Trong quá trình thực tập đã có rất nhiều sinh viên thể hiện được khả năng của mình với các nhà tuyển dụng và được ký kết hợp đồng lao động dài hạn tại các doanh nghiệp.
Trường CĐ Nghề CNTT iSpace là một điển hình. Trường đã triển khai áp dụng “Học kỳ trải nghiệm” với 500 giờ trải nghiệm thực tế công việc cho sinh viên. Chương trình được coi là bài test quan trọng giúp sinh viên tăng cường khả năng hòa nhập công việc tại các doanh nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
“Trường kết hợp với nhiều hãng công nghệ xây dựng các nhà xưởng thực nghiệm trong trường để sinh viên thực tập. Toàn bộ thiết bị máy móc cần thiết đều được trang bị đầy đủ, tương ứng với từng công việc có trong giáo trình thực tập. Bên cạnh đó, để nâng cao khả năng trải nghiệm thực tế, theo định kỳ, đại diện từng doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là người thầy hướng dẫn sinh viên thực hiện các công việc, cùng sinh viên thực hiện một dự án cụ thể mà doanh nghiệp đang triển khai. Nếu như sinh viên mới ra trường cần tối thiểu 2 tháng để làm quen với công việc, cách thức làm việc và văn hóa doanh nghiệp thì ứng viên tham gia chương trình  này được huấn luyện quen việc ngay từ khi còn đi học. Do vậy, ra trường là có thể làm việc ngay”, ông Nguyễn Hoàng Anh – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Duy Thơ – Giám đốc ARENA MAAC Việt cũng cho biết, ngành thiết kế truyền thông đa phương tiện là một ngành ứng dụng CNTT rất nhiều. Theo ông, đặc điểm của ngành này là sử dụng máy tính và các phần mềm chuyên biệt để tạo ra sản phẩm. Đây là ngành đang được nhiều doanh nghiệp săn đón…
Bài, ảnh: Thùy Linh
Ông Lưu Đức Tiến – Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH, Sở GD-ĐT TP cho rằng: “Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường (cơ sở đào tạo nguồn nhân lực) và doanh nghiệp (nơi sử dụng nguồn nhân lực). Doanh nghiệp sẽ xác định chuẩn đầu ra cho nhà trường, còn nhà trường đảm bảo đào tạo theo đúng chuẩn đầu ra của doanh nghiệp. Như vậy, sinh viên ra trường sẽ không lo thất nghiệp. Hiện nay đã có một số cơ sở đào tạo gắn kết với doanh nghiệp, tuy nhiên chủ yếu là quan hệ tình cảm. Vì vậy, Sở GD-ĐT sẽ đứng ra làm cầu nối để doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo gắn kết với nhau hơn”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)