Đào tạo theo tín chỉ, giảm đi tính liên kết giữa các SV |
Tại Hội nghị triển khai đào tạo theo hệ thống tín chỉ do Trường ĐH Luật TP.HCM vừa tổ chức, nhiều nhà giáo dục lưu ý giảng viên cần tăng tốc chấm bài sinh viên (SV) nhằm tạo thuận lợi cho triển khai học chế tín chỉ vì “khi SV đăng ký học phần học kỳ mới đòi hỏi phải có kết quả đánh giá các học phần của học kỳ trước”.
Năm học tới, Trường ĐH Luật TP.HCM sẽ chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Đây cũng là hình thức đào tạo mà Bộ GD-ĐT chủ trương áp dụng cho các trường ĐH đến năm 2010. Nhưng nhiều trường đi tiên phong vẫn còn gặp những nhược điểm chưa thể khắc phục được, điển hình là vấn đề khó liên kết sinh viên. Chính SV – “người trong cuộc” cũng công nhận rằng họ ít thân thiết với bạn bè hơn vì sau các môn học rất hiếm khi gặp gỡ nhau. Do đó, một số trường đã có cách làm linh hoạt để “ứng phó” với tình hình này. Theo đó, các trường phân thành hai loại lớp học, lớp khóa học (gồm SV đăng ký cùng ngành học ở năm đầu tiên) và lớp học phần (SV cùng học một học phần). Lớp khóa học giữ cố định vì liên quan đến tổ chức đoàn thể SV, còn lớp học phần mang tính tạm thời, thông báo các thông tin về học tập, hoạt động liên quan đến học phần. Mọi sinh hoạt của lớp khóa học được tổ chức vào các ngày cuối tuần để không “đụng” đến lịch học tập bình thường của SV.
Ngoài ra, hiện nay tình trạng quá tải của hoạt động giảng dạy tại các trường khiến giảng viên không đủ thời gian đầu tư cải tiến phương pháp giảng dạy và các hoạt động khác liên quan đến cơ chế tín chỉ. Bên cạnh đó, học chế tín chỉ làm giảm nhiều mức độ tự do của giảng viên vì họ phải gắn với các giờ học và lớp học phân bố trong suốt học kỳ, khó tham gia các hoạt động khác.
M.T
Bình luận (0)