Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Trẻ lên 3 như tờ giấy trắng?

Tạp Chí Giáo Dục

Các bậc cha mẹ hãy luôn quan tâm đến sự phát triển tâm lý của trẻ trong độ tuổi lên 3. Ảnh: H.Triều

Hiện nay không ít phụ huynh thắc mắc về những biểu hiện có vẻ như “bất trị” của trẻ ở tuổi lên 3. Một số phụ huynh cho rằng, đó là nét tính cách riêng không cần can thiệp, hoặc có người còn thực hiện áp đặt con trẻ bằng các hình thức như quát tháo, chửi bới…
Tuy nhiên, đó là những biểu hiện thiếu kiến thức cũng như kỹ năng làm cha mẹ trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc con trẻ, nhất là trong những năm đầu đời.
Khủng hoảng tuổi lên 3
Trẻ từ 1-3 tuổi (gọi là tuổi vườn trẻ) với những đặc điểm sinh học phát triển mạnh mẽ, trọng lượng não của trẻ khoảng 1.200gram, gần bằng não người lớn (1.400gram). Tư thế đứng thẳng người và những bước đi vững chãi, không gian của trẻ ngày càng mở rộng. Sự phát triển của những đặc điểm tâm lý, ý thức dẫn đến khả năng giao tiếp của trẻ với thế giới ngày càng phong phú, trẻ bắt đầu xuất hiện những tiền đề của sự hình thành nhân cách. Đến tuổi lên 3 xuất hiện khá nhiều mâu thuẫn giữa người lớn và trẻ em, tâm lý học gọi là “khủng hoảng tuổi lên 3”. Tuy nhiên, người lớn thường coi đứa trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ, bị mình điều khiển và chỉ huy trong khi đứa trẻ bắt đầu phát triển tính độc lập, bắt đầu muốn tách ra khỏi người lớn.
Mẹ của cháu Q.C (3 tuổi, ở Biên Hòa, Đồng Nai) tâm sự: “Hình như cháu bị chứng tự kỷ, hay hành động một mình, cháu vẫn nói chuyện với cha mẹ khi thích, thi thoảng cháu hành động bộc phát làm cha mẹ rất bực bội”. Còn chị Q.N (Thủ Đức, TP.HCM) lại than phiền: “Con tôi 3 tuổi rưỡi nhưng cháu hay chui vào gầm bàn, gầm ghế để làm một điều gì đó… Mắng mỏ thì cháu hờn dỗi, đập phá hết đồ chơi. Có những lúc dường như cháu đang giấu giếm một cái gì đó bí mật mà không nói cho cha mẹ biết”.
Đúng là tuổi vườn trẻ có những biến đổi mạnh mẽ, đặc biệt là giai đoạn cuối tuổi vườn trẻ phát triển vượt bậc những tiền đề về nhân cách. Ở giai đoạn này phần lớn ý thức độc lập của trẻ bộc lộ rõ rệt, nên có những hoạt động độc lập với người lớn. Trẻ thường tạo ra những mảnh trời riêng cho chính mình bằng những “không gian”, “lãnh địa” của bé, là “vương quốc” của riêng mình, trong thế giới nhỏ nhoi đó, chúng muốn làm tha hồ những gì mà chúng thích thú.
Theo TS. tâm lý học Lê Duy Tuấn (Trường ĐH Nguyễn Huệ): Những đứa trẻ không biết cách (hoặc chưa bao giờ được xử sự một mình, hành động độc lập) thì lớn lên càng trở nên thụ động, phụ thuộc vào người lớn, lười biếng, ỷ lại, đặc biệt lại càng dễ hình thành tính ích kỷ, tham lam, cá nhân, nhu nhược…
TS. Lê Duy Tuấn còn nhấn mạnh: Nếu như trẻ không có sự độc lập, thì đồng nghĩa chúng cũng ít khi thừa nhận những quyền của người khác, phủ định những “thành tựu” của trẻ cùng tuổi… nảy sinh tâm lý ghen tị, hoặc coi thường, dần sẽ trở thành nét tính cách bền vững sâu thẳm trong tâm hồn trẻ, khó mà thay đổi được.
Đồng hành với trẻ!
Các bậc cha mẹ hãy luôn quan tâm đến sự phát triển tâm lý của trẻ, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi lên 3. Chúng ta hãy cho trẻ một không gian riêng như dành cho bé một phòng riêng (nếu có), hoặc một góc để đồ chơi. Đồng thời chúng ta hãy coi trẻ không phải như tờ giấy trắng, một tấm bảng sạch mà hãy thừa nhận những gì có của trẻ, có khả năng làm được, tôn trọng, thừa nhận những thành quả của trẻ, các cháu cần được sự phát triển “độc lập”. Đừng bao giờ can thiệp với những ý thích đó của con bạn, mảnh trời riêng là môi trường, là không gian để trẻ phát triển nhân cách. Nhưng chúng ta cũng luôn kiểm soát, uốn nắn hành vi của các bé trong quá trình giao tiếp xung quanh, tránh để trẻ phát triển một cách tự do, tùy tiện dẫn đến những hành vi khó kiểm soát nếu đã được hình thành từ nhỏ.
Lê Phạm Phương Lan (Giảng viên tâm lý học)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)