Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hơn 1,3 triệu trẻ 5 tuổi đã được đến trường

Tạp Chí Giáo Dục

Theo thống số liệu thống kê sơ bộ của Bộ GD-ĐT, hiện đã huy động được hơn 1,3 triệu trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường, chiếm tỷ lệ 98,6% so với trẻ trong độ tuổi. So với năm học trước, số trẻ 5 tuổi đến trường tăng lên hơn 13.000 em.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết, nhằm đảm bảo có đủ các trường mầm non (MN) công lập đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục đối với trẻ 5 tuổi, việc chuyển đổi loại hình trường MN theo quy định đã được các địa phương tích cực chỉ đạo thực hiện.

Đến nay, đã có 32 tỉnh/thành phố có đề án chuyển đổi loại hình trường MN bán công sang công lập. Tỉnh có số lượng trường MN bán công chuyển sang công lập lớn nhất là Nghệ An (495 trường) tiếp đến là Hà Nội (350 trường), Thái Bình (287 trường), Phú Thọ (259 trường)…

Theo lãnh đạo của Vụ GD MN (Bộ GD-ĐT), hiện nay vẫn còn một số địa bàn thậm chí ngay cả Hà Nội, TPHCM… còn thiếu trường MN, dẫn đến tình trạng quá tải ở các trường MN công lập là do nhu cầu đô thị hóa cao, dẫn đến dân số cơ học tăng nhanh ở các thành phố lớn, nhưng công tác dự báo về dân số trẻ em phục vụ cho việc mở rộng và phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp còn hạn chế.

Nhiều dự án, khu đô thị, nhà cao tầng được cấp đất xây dựng, đã và đang đưa vào sử dụng, nhưng chưa có quỹ đất để xây dựng trường, lớp MN.

Chẳng hạn như ở Hà Nội có tới 25 khu đô thị và phường thành lập mới nhưng chỉ có 13 khu xây trường MN (trong đó có 4 trường công lập, 9 trường ngoài công lập), như vậy còn 12 khu đô thị chưa có trường MN và 21 khu đô thị chưa có trường MN công lập. Còn ở TPHCM có 12/318 phường/xã chưa có trường MN công lập, trong đó có 4 phường/xã việc quy hoạch đất dành cho GDMN rất khó khăn.

Mặt khác, sự chênh lệch quá lớn về học phí, chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất giữa trường MN công và tư cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải cho các trường công lập.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ GD-ĐT cũng đã đề nghị các địa phương cần xây dựng Quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn các tỉnh và thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trong đó quan tâm đầu tư xây dựng trường học đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn và các khu đô thị đều có ít nhất 1 trường MN công lập.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng và uy tín cho các trường MN công lập và ngoài công lập, từng bước thu hẹp khoảng cách, tạo ra sự đồng đều về chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ giữa các trường công lập cũng như giữa các trường công lập và ngoài công lập…

Bên cạnh việc đảm bảo đủ trường lớp, việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ đã được quan tâm thỏa đáng. Các địa phương đã có nhiều biện pháp chủ động và sáng tạo trong việc lựa chọn, bố trí đủ giáo viên có trình độ nghiệp vụ và năng lực dạy các lớp mẫu giáo 5 tuổi.

Được biết, thực hiện chủ trương phổ cập GDMN 5 tuổi, tính đến cuối tháng 7/2011 đã có 58/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án/Kế hoạch thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn. Trong đó có 10 tỉnh đăng ký quyết tâm đạt chuẩn phổ cập vào năm 2012 bao gồm: Hoà Bình, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nghệ An, Khánh Hòa và TPHCM.

Nguyễn Hùng
(Dân trí)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)