Do thiếu sân chơi nên trẻ em chơi thả diều trên vỉa hè đầy người qua lại
|
Mùa hè này, các bậc phụ huynh ở Lâm Đồng lại lo lắng hỏi nhau: “Không biết cho bọn trẻ chơi ở đâu?”. Xem ra, vấn đề không đơn giản chút nào…
Chơi ở đâu?
Mới đầu hè, đã có trường hợp sáu học sinh (HS) lớp 7 ở huyện Di Linh rủ nhau tắm sông và một HS trong số đó đã chết đuối. Từ sự kiện này, các bậc phụ huynh mới đặt ra câu hỏi: Quản lý con em như thế nào trước những hiểm họa trong mùa hè?
Thời gian HS nghỉ hè là giai đoạn các em thiếu sự quản lý, giáo dục của nhà trường, hầu hết đều trở về sinh hoạt với gia đình. Nếu gia đình mải lo chuyện làm ăn thiếu “để mắt” tới, các em sẽ rủ nhau tắm sông, tắm suối hay vào các tiệm net… rất nguy hiểm.
Cùng với sự quản lý thiếu chặt chẽ của gia đình, việc thiếu các sân chơi bổ ích dành cho thanh thiếu nhi ở hầu hết các địa phương như hiện nay là nguyên nhân vừa gián tiếp vừa trực tiếp dẫn đến những bất trắc. Trẻ em vốn rất linh hoạt và ưa thích tham gia các trò chơi, các hoạt động ngoài trời, nhưng những tụ điểm sinh hoạt của các em dần bị thu hẹp (chưa kể rất nhiều địa phương dường như không có nơi vui chơi giải trí). Hiện nay, ở Lâm Đồng có ba nhà thiếu nhi trên tổng số 12 huyện, TP. Song, những nhà thiếu nhi này nghèo nàn, thiếu thốn về cơ sở vật chất và mô hình sinh hoạt liệu có đáp ứng nhu cầu của các em? Còn ở các địa phương khác không có nhà thiếu nhi, không có các khu vui chơi giải trí “đúng nghĩa” thì trẻ em không biết chơi ở đâu.
Không phải ngẫu nhiên mà tại các hội nghị, diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo địa phương với cán bộ Đoàn, cán bộ phụ trách công tác thiếu nhi, vấn đề thường được quan tâm và đặt ra là: Tạo sân chơi bổ ích cho thanh thiếu nhi? Tuy trong đề án phát triển văn hóa, thể thao của tỉnh Lâm Đồng có chỉ tiêu: “Mỗi xã phải có một sân bóng đá, mỗi thôn có một sân bóng chuyền…”, nhưng xem ra khó hiện thực hóa!
Nắm bắt nhu cầu của đông đảo thanh thiếu nhi, hiện nay ở địa bàn TP.Đà Lạt, Bảo Lộc, một số doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư xây dựng các sân bóng đá nhân tạo, các khu vui chơi giải trí, tất nhiên nhằm mục đích kinh doanh. Nhưng nhìn chung, những trò chơi, vật dụng trong các khu vui chơi giải trí tư nhân này cũ mèm, sứt mẻ, rẻ tiền… các em bước vào một lần là ngán ngẩm không dám vào lần thứ hai.
Lựa chọn sân chơi nào cho trẻ em?
Thiếu sân chơi nhưng nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ em vẫn cứ bức xúc, nhất là trong dịp hè. Và, các sân chơi “tự phát” lại mọc ra khi có không gian với những trò chơi cũng… tự phát. Thường vào những buổi chiều trời đẹp, tại Công viên Yersin hay những đồi cao ở Đà Lạt, đông đảo phụ huynh và trẻ em tụ tập vui chơi. Hàng trăm con diều lớn, nhỏ được thả lên bầu trời bay lượn rồi mắc vào các đường dây điện, nguy hiểm nhất vướng vào dòng xe cộ đang lưu thông trên đường. Rồi cảnh mua bán cũng tự phát, chen lấn rất bát nháo.
Trước thực trạng thiếu thốn các sân chơi hè cho trẻ em ở Lâm Đồng như hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm. Để tránh những rủi ro đáng tiếc cho HS, đồng thời đưa các em vào những hoạt động lành mạnh, góp phần quản lý các em trong hè, các tổ chức Đoàn, Đội đã phối hợp tốt với các nhà trường để nhận bàn giao các em về sinh hoạt tại địa bàn dân cư. Trong những tháng hè, tổ chức Đoàn, Đội thôn, buôn, khu phố… thường xuyên tổ chức các hoạt động hè sôi nổi như hội thi thể thao, giao lưu văn nghệ… cho các em HS tham gia.
Các bậc phụ huynh cần tăng cường quan tâm quản lý, giáo dục, hướng dẫn con em tránh những trò chơi nguy hiểm; động viên các em tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Đội ở thôn, khu phố… Ngoài ra, nên bố trí thời gian để đưa con em tham quan, nghỉ ngơi ở các vùng nông thôn, các khu du lịch biển… vừa giúp con em mình tìm hiểu, làm quen với cuộc sống tự nhiên vừa “giải thoát” những bức xúc chính đáng của các em trong dịp nghỉ hè…
Bài, ảnh: Thanh hồng
Bình luận (0)