Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tư vấn học đường: Cần sự hỗ trợ từ phụ huynh

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên đang giải quyết một vụ “va chạm” giữa các em học sinh (ảnh chụp tại Trường TH Đặng Trần Côn, Q.4). Ảnh: N.Trinh

Các em học sinh ngày càng nảy sinh nhiều thắc mắc, băn khoăn trước những điều mới lạ về sự phát triển của bản thân, của cuộc sống. Tư vấn học đường đã ra đời ở nhiều trường học nhằm “gỡ rối” giúp các em.
Các trường THPT, THCS có quy mô lớn thì tư vấn viên là những chuyên viên tâm lý; ở các trường khác thì tư vấn viên là các thầy cô có trình độ, hiểu biết tốt về tâm lý cũng như mọi vấn đề của cuộc sống… phụ trách. Một vài trường tiểu học cũng lập ban tư vấn học đường do các thầy cô lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm, có tác phong nhẹ nhàng, gần gũi học sinh đảm nhiệm. Thế nhưng, thời gian qua, hiếm có tư vấn học đường nào đạt hiệu quả cao. Số học sinh đến để trao đổi tâm tư, tình cảm, xin lời khuyên nhủ… không nhiều. Dễ dàng nhận thấy điều đó qua số lượng học sinh đến tư vấn so với tổng số học sinh toàn trường. Trong khi đó, số lượng học sinh tư vấn trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là báo mạng thì rất lớn. Tại sao như thế?
Do tâm lý lứa tuổi học sinh, những lo lắng, thắc mắc của mình thường ngại mọi người biết. Khi cần, lên gặp ban tư vấn, các em sợ thầy cô, bạn bè thấy và biết rằng mình là người “có vấn đề”, chưa kể đến bạn bè dò hỏi, chọc ghẹo và rồi lại lo lắng không biết thầy cô tư vấn có “kín miệng” không? Hay là cho ba mẹ, giáo viên chủ nhiệm biết… Bên cạnh đó, những điều các em cần tư vấn không chỉ là chuyện học tập; quan hệ bạn bè, thầy cô; chuyện gia đình… mà còn là chuyện tình yêu, sức khỏe tuổi dậy thì, quan hệ tình dục, sử dụng các chất gây nghiện… Những điều mà các em khó nói thành lời trực tiếp với thầy cô. Với học sinh tiểu học thì chuyện tìm đến gặp thầy cô không phải là người trực tiếp dạy mình để tâm sự lại là điều không thể.
Chính vì thế, các em thường chỉ nêu thắc mắc với những người không biết mặt biết tên mình; và báo chí, nhất là báo mạng được coi như lựa chọn hàng đầu vì giữ được bí mật danh tánh, tiện lợi, nhanh chóng nhất. Trên các trang báo mạng có tư vấn cho lứa tuổi học sinh, hiếm tìm thấy sự trả lời khoa học, nghiêm túc; thay vào đó là những giải đáp thiếu khoa học, thiếu tâm lý, thô thiển, chưa kể một số trao đổi hết sức dung tục… Ở lứa tuổi các em, phân biệt đúng – sai, phải – trái ở các câu trả lời thật khó vì thế rất dễ dẫn đến hiểu biết, xử lý, giải quyết sai theo các câu trả lời ấy. Điều này thật hết sức tai hại.
Để tư vấn học đường có hiệu quả hơn, theo tôi, các trường THPT và THCS nên sử dụng hộp thư điện tử để các em có thể gửi thắc mắc và nhận trả lời qua chat, mail. Các thầy cô phụ trách phải thường xuyên mở mạng để tư vấn ngay khi có câu hỏi nhằm giúp các em cảm thấy như đang được trò chuyện trực tiếp, như vậy tư vấn viên cũng dễ khai thác và định hướng giải quyết tình huống tốt nhất cho các em. Các trường THPT và THCS cũng có thể liên kết tạo nên những trang dạng báo điện tử “thắc mắc biết hỏi ai”, qua đó các em có thể đọc giải đáp của ban tư vấn về tình huống của bạn mình mà mở rộng hiểu biết để áp dụng cho bản thân. Ở các trường tiểu học thì cần tập huấn để mỗi giáo viên chủ nhiệm, mỗi phụ trách Đội là một tư vấn viên vì học sinh rất nhút nhát, ít bộc lộ, chỉ có những ai gần gũi và biết cách dò hỏi khi thấy biểu hiện khác thường thì các em mới nêu lên tâm tư của mình.
Tư vấn học đường hiện nay hết sức cần thiết. Nó không chỉ giúp các em giải tỏa tâm lý mà còn giảm nhiều vấn đề xấu ở lứa tuổi học sinh như bạo lực học đường, quan hệ tình dục sớm, sử dụng chất gây nghiện, trầm cảm, tự tử… Rất mong các bậc phụ huynh quan tâm, hỗ trợ nhà trường trong lĩnh vực công tác mới mẻ này vì tương lai của con em mình.
Lê Phương Trí

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)