Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chất lượng giáo dục ĐH nhìn từ tuyển sinh: Ổn và chưa ổn

Tạp Chí Giáo Dục

Cho đến thời điểm này, các trường ĐH, CĐ trên cả nước gần như đã công bố hết điểm chuẩn NV1 và chuẩn bị kế hoạch cho NV2. “Ba chung” cũng đã đi được một chặng đường dài 9 năm. Nhìn lại chất lượng tuyển sinh ĐH, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều điều chưa ổn.

Đào tạo ngoài ngân sách: giải pháp tạm thời
ĐH Ngoại thương là trường nổ phát súng đầu tiên cho hình thức đào tạo ngoài ngân sách – loại hình đào tạo chỉ xuất hiện từ khi có “3 chung”. Lý do được đưa ra là để tạo cơ hội thứ hai cho những thí sinh có điểm suýt soát điểm chuẩn nhưng có nhu cầu được học tại trường. Về phía trường, do ngân sách nhà nước giao chỉ ở con số nhất định nên không thể nhận thêm nhưng cơ sở vật chất, giảng viên vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu giảng dạy. Chính vì vậy, những sinh viên học hệ ngoài ngân sách sẽ đóng tiền như sinh viên các trường ngoài công lập. ĐH Y Hà Nội một hai năm trở lại đây cũng có hệ ngoài ngân sách.
Theo Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú, năm nay trường dự kiến tuyển trên 200 chỉ tiêu ngoài ngân sách, đào tạo theo địa chỉ sử dụng cho hai ngành: bác sĩ đa khoa và bác sĩ răng – hàm – mặt. Điểm tuyển dự kiến thấp hơn điểm chuẩn từng ngành đã công bố từ 2-3 điểm. Nguyên nhân đưa ra cũng giống như của ĐH Ngoại thương. Sinh viên hệ ngoài ngân sách sẽ phải đóng học phí 750.000đ/tháng thay vì 180.000đ/tháng như sinh viên chính quy. Có thể nói, ở một khía cạnh nào đó, hệ ngoài ngân sách cũng là một “cần câu cơm” của các trường.
Thi tuyển: đánh giá được kiến thức
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, với hình thức tuyển sinh như hiện nay của trường, mới chỉ chọn được một yếu tố đó là kiến thức. Cụ thể kiến thức của môn toán, hóa, sinh. Còn lại tất cả các mặt khác không thể đánh giá được. Khi học sinh tốt nghiệp THPT, điều đó có nghĩa là mặt bằng kiến thức chung đã được chấp nhận. Những cái còn lại không thể đánh giá được như sự phù hợp của ngành nghề mà thí sinh đã lựa chọn, khả năng, tính cách. PGS. Hinh đưa ra ví dụ cụ thể trong ngành y như các yếu tố cần đối với người theo ngành này là liệu thí sinh có làm được công việc chăm sóc người bệnh không, có chịu được mùi bệnh viện không? Có nhiều bạn thi vào trường y với tất cả đam mê nhưng khi đến bệnh viện bắt tay vào thực hành, nhìn thấy máu thì ngất xỉu… Trường ĐH Y Hà Nội có thể nói năm nào cũng tuyển được những thí sinh hạng “sao” của khối B. Nhưng theo ông Hinh, để làm tốt nghề y, họ cần phải có trái tim và tình thương con người. Điều này không thể tuyển chọn qua kỳ thi tuyển sinh. Một kết quả do các giáo sư của Trường ĐH Y Hà Nội điều tra cho thấy:65,3% bác sĩ cho biết thỉnh thoảng có biểu hiện vi phạm y đức; 97% sinh viên được phỏng vấn cho rằng, cần và rất cần được học đạo đức y học trong chương trình chính khóa tại trường và 86% bác sĩ thấy cần thiết đào tạo lại đạo đức cho cán bộ y tế đã tốt nghiệp.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Chương (ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội), lứa kỹ sư đầu tiên của “3 chung” đã ra “lò” nhưng họ có khác so với các thế hệ trước đó. Do trường thiên về kỹ thuật nên trước đây khi ra đề, môn toán và môn vật lý có khó hơn các trường khác. Nhưng bây giờ đề thi chung nên sinh viên mới chỉ đạt được cái cơ bản ban đầu.
Các trường muốn được giao quyền tự chủ tuyển sinh
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, kì thi vào ĐH của chúng ta luôn luôn ở trạng thái thắt “nút cổ chai”. Tại kỳ thi ĐH, CĐ năm nay, đợt một khối A chỉ hơn 68% thí sinh dự thi; đợt hai các khối B, C, D cũng chỉ có hơn 71% số thí sinh đăng ký dự thi; đợt 3 kì thi CĐ cũng chỉ gần 60% thí sinh đến dự thi. Chỉ tính riêng kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ với số lượng khoảng hơn 2 triệu thí sinh tham gia đã bằng 1/2 dân số Singapore năm 2007. Đó chưa kể lực lượng phụ huynh, thanh niên tình nguyện, cán bộ các trường. Theo thống kê ban đầu, kì thi ĐH, CĐ phải chi tiêu khoảng 2.000 tỷ đồng, với khoảng 30% số thí sinh vắng mặt dự thi trong hai đợt thi vừa qua, mất khoảng 400 tỷ đồng cho hồ sơ ảo. Theo ông Đỗ Duy Truyền, Phó hiệu trưởng ĐH Hà Nội, bộ nên giao cho các trường quyền tự chủ tuyển sinh để giảm tốn kém, căng thẳng cho xã hội. Cụ thể, các trường có thể tự quyết định ngày tuyển sinh, hình thức tuyển sinh và đợt tuyển sinh. Như thế, những con số trên sẽ được chia nhỏ để giảm áp lực cho xã hội. Còn Bộ GD-ĐT chỉ làm trách nhiệm của cơ quan quản lý giám sát.
Nghiêm Huê

 

Bình luận (0)