Bỏ học lên TP.HCM bán vé số là thực trạng phổ biến hiện nay ở các vùng quê nghèo |
Theo Bộ LĐ-TB-XH và Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), chuẩn nghèo mới của quốc tế thì 1/3 trẻ em Việt Nam thuộc diện “nghèo” (trẻ không được hưởng đầy đủ ít nhất 2 quyền trong các lĩnh vực: giáo dục, dinh dưỡng, y tế, nhà ở, nước sạch vệ sinh, lao động, vui chơi, hòa nhập xã hội…). Điều đó có nghĩa, hiện Việt Nam có tới 7 triệu trẻ em nghèo.
300.000 trẻ không được học hành
Theo ông Jesper Morch, Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, Việt Nam đã xây dựng được một bộ công cụ đánh giá đa chiều về nghèo ở trẻ em, mang tính đặc thù của quốc gia, bao gồm 8 lĩnh vực: giáo dục, dinh dưỡng, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, lao động trẻ em, giải trí, tham gia và bảo trợ xã hội. Một trẻ em được xác định là nghèo nếu như em đó không được đáp ứng ít nhất 2 nhu cầu trong số 8 nhu cầu cơ bản nói trên. Trong khi đó, từ trước tới nay, chúng ta vẫn cho rằng nghèo được đo lường bằng các tiêu chí tiền tệ, tức là một đứa trẻ được coi là trẻ nghèo nếu em sống trong một hộ gia đình được xác định là nghèo theo tiêu chuẩn tiền tệ quốc gia (thu nhập bình quân đầu người hàng năm). Tuy nhiên, cách tiếp cận truyền thống này có nhiều hạn chế, những nhu cầu cơ bản của trẻ, những nhu cầu mang tính đặc thù khác với người lớn đã không được tính đến. Kết quả nghiên cứu của UNICEF tại Việt Nam cho thấy ngay cả với những hộ gia đình không nghèo, trẻ vẫn có thể không tiếp cận được đủ với các nguồn lực của gia đình. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng: Nếu đánh giá theo phương pháp đa chiều, hiện nay tại Việt Nam, 1/3 trẻ em dưới 16 tuổi có thể được coi là nghèo. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với việc đánh giá nghèo trẻ em theo phương pháp thông thường và cao hơn tỷ lệ nghèo chung của cả nước. Trẻ em sống ở nông thôn nói chung và ở vùng Tây Bắc và Đông Bắc nói riêng có nhiều khả năng phải sống trong nghèo khó, trong đó trẻ em dân tộc thiểu số có nhiều khả năng phải sống trong nghèo khó nhất. Nước sạch và vệ sinh, giải trí và y tế là những lĩnh vực mà trẻ em không được đáp ứng nhiều nhất. Còn theo GS. Richard Jolly, Viện Nghiên cứu phát triển và dự án lịch sử tri thức Liên hợp quốc, nghèo trẻ em và nghèo thu nhập của người lớn có một mối quan hệ rất mập mờ. Trên thực tế, thu nhập của người lớn không ảnh hưởng đến vấn đề nghèo trẻ em. Nhiều em sống trong gia đình trung lưu, thậm chí giàu vẫn bị xếp vào diện trẻ em nghèo ở nhiều yếu tố. Theo kết quả điều tra các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ Việt Nam mới đây, cả nước có 7,6 triệu trẻ em thiếu thốn về nơi ở, 5 triệu trẻ em thiếu công trình vệ sinh cơ bản, 2,4 triệu trẻ em thiếu nước sạch để uống, 3,4 triệu trẻ em không được tiếp cận các phương tiện truyền thông, hơn 2 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng và 0,3 triệu trẻ em (300.000) không được học hành.
Giảm nghèo đói ở trẻ em là đầu tư thông minh nhất
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định nghèo đói thường vận hành như một vòng luẩn quẩn, vì vậy trẻ em lớn lên trong nghèo đói thì rất có thể sẽ tiếp tục chịu cảnh nghèo đói khi trưởng thành. Do đó, muốn giải quyết vấn đề nghèo đói trên diện rộng cần phải bắt đầu từ trẻ em. Ở Việt Nam, trong hai thập kỷ qua, với sự tăng trưởng kinh tế nhanh, thực hiện các chính sách an sinh quốc gia đã góp phần giảm đáng kể nghèo đói. Nhưng vấn đề nghèo ở trẻ em Việt Nam giờ đây dường như phổ biến hơn và nghiêm trọng hơn. Các phương pháp đánh giá vấn đề nghèo ở trẻ em hiện đang tập trung vào các trẻ em sống ở những hộ gia đình được định nghĩa là “nghèo” theo chuẩn quốc gia về nghèo xét về mặt tiền tệ. Theo nhận định của ông Jesper Morch: “Tại Việt Nam, một đất nước đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể về giảm nghèo thì vẫn có một số lượng lớn trẻ em không có được tiêu chuẩn sống phù hợp. Nếu trẻ em sống trong nghèo khó thì nhiều khả năng khi lớn lên các em cũng phải sống trong nghèo khó. Vì vậy, giảm nghèo ở trẻ em không chỉ là cải thiện đời sống của trẻ ngày hôm nay mà về mặt lâu dài sẽ góp phần giảm nghèo ở người lớn”. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân thừa nhận, tác động của nghèo đói đến trẻ em nghiêm trọng hơn, vì trẻ em thường phải chịu những nguy cơ cao hơn và bị ảnh hưởng do đói nghèo khác biệt hơn so với người trưởng thành. Trẻ em đòi hỏi chế độ dinh dưỡng khác người thành niên, và trong giai đoạn phát triển của các em, giáo dục đóng một vai trò quan trọng. Nghèo đói sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, trí tuệ, tình cảm, hạn chế tiềm năng phát triển của trẻ.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)