Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trò chuyện với vị giáo sư đưa robot lên sao Hỏa

Tạp Chí Giáo Dục

GS. Anthony Lattanze

Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào trung tuần tháng 8, GS. Anthony Lattanze – người đưa robot lên sao Hỏa đã nhiều lần chia sẻ với SV Việt Nam về kỹ năng điều khiển các dự án robot cũng như kỹ năng CNTT. Trao đổi với PV Báo Giáo Dục TP.HCM, vị giáo sư nổi tiếng từng đưa robot lên sao Hỏa cho rằng: Muốn đạt tầm chuyên gia CNTT thế giới, SV Việt Nam còn phải cố gắng rất nhiều, và quan trọng nhất chính là các sản phẩm cần được ứng dụng vào thực tiễn.

Học cách thành công từ… thất bại
Với vị thế của một giáo sư danh tiếng từng là trưởng nhóm nghiên cứu thành công dự án Mars Rover, đưa robot lên sao Hỏa cùng nhiều dự án CNTT thiết thực khác tại Trường ĐH Carnegie Mellon (CMU), trong cả công sức một tập thể “siêu hạng” của Trường Carnegie Mellon Universty (CMU – thuộc bang Pennsylvania, là một trong 4 trường nổi tiếng về CNTT của Mỹ) mà GS. Lattanze đứng đầu tích hợp hệ thống các phần mềm trên toàn thế giới. Không ít lần, ông gặp thất bại cay đắng. Vậy nhưng, điềm tĩnh và vui vẻ, trong buổi trò chuyện cởi mở với chúng tôi, GS. Lattanze cười sảng khoái: “Chúng tôi sẽ chẳng bao giờ có thành công nếu thiếu thất bại. Có thể viện dẫn được nhiều nguyên cớ cho thất bại, như khách quan hay chủ quan, nhưng với tôi, thất bại luôn là một bài học kinh nghiệm quý báu, hay nói không ngoa rằng đó là một người thầy vĩ đại nhất trong đời của tôi. Vì sao ư, vì thất bại chính là con đường đưa bước chân tôi đến thành công”.
Đều đều và chậm rãi, GS. Lattanze kể về dự án nổi tiếng Mars Rover, đưa robot tự hành lên sao Hỏa vào đầu năm 2004, một dự án “kinh thiên động địa”, giúp Cục Quản trị Hàng không và Không gian Hoa Kỳ (NASA) có thể ngẩng cao đầu, tự hào tuyên bố với thế giới về những thành quả chinh phục vũ trụ. Đó là ngày 3-1-2004, robot tự hành nổi tiếng Spirit được thả xuống sao Hỏa, tự chui ra từ một túi khí. Với dự định của các nhà khoa học, Spirit chỉ “làm việc” trên sao Hỏa nhiều nhất 3 tuần, nhưng đến nay, đã 5 năm trôi qua, hàng trăm tấm hình mà Spirit chụp được, gửi về trái đất đã cho phép con người hình dung về sự sống trên Hỏa tinh. Tất nhiên, với thời điểm đó, đưa được robot lên sao Hỏa (Mars) là một bước ngoặt lịch sử của nền thiên văn học cũng như quân sự không gian không chỉ riêng nước Mỹ mà là cả nhân loại. GS. Anthony Lattanze lúc đó là nhóm trưởng nhóm kỹ sư tích hợp các phần mềm của các chuyên gia tại ĐH CMU cùng những nhà khoa học khắp nơi trên nước Mỹ để cho ra đời một phần mềm điều khiển hoàn chỉnh robot tự động thám hiểm sao Hỏa (Mars Rover).
Ngoài chức vụ giáo sư tại Viện Nghiên cứu phần mềm quốc tế (ISRI), GS. Anthony Lattanze hiện còn là thành viên cao cấp của nhóm kỹ thuật tại Viện Kỹ thuật ứng dụng phần mềm (SEI) thuộc ĐH CMU. Những nghiên cứu về phần mềm của ông đã được ứng dụng thành công trên các lĩnh vực như ô tô, hàng không, quân đội, ngân hàng – bảo hiểm và đặc biệt là vũ trụ với dự án Mars Rover, đưa robot lên mặt trăng. Anthony Lattanze cho hay, lúc bắt đầu sự nghiệp, ông chỉ được biết đến là một kỹ sư điện tử chuyên về phần mềm trong lĩnh vực không quân Hoa Kỳ. Hiện GS. chuyên giảng dạy cho lớp kỹ sư cao cấp tại CMU với những khóa học đặc biệt như: kiến trúc phần mềm, hệ thống Real – Time/Embedded… 
SV Việt Nam cần được áp dụng nhiều trong thực tiễn
Trao đổi với chúng tôi về trình độ và những điều kiện cũng như khả năng của SV Việt Nam trong lĩnh vực CNTT, GS. Lattanze cho rằng, SV Việt Nam là những người rất có khả năng, nếu được đào tạo bài bản, đúng hướng và được áp dụng nhiều trong thực tiễn, chắc chắn sẽ đạt được tầm chuyên gia thế giới. Ông thẳng thắn: “Hầu hết sinh viên VN còn yếu về tiếng Anh. Do đó việc theo học sẽ gặp không ít trở ngại. Các bạn cần phải có kỹ năng giao tiếp tốt hơn nếu như muốn theo học những trường ĐH danh tiếng chứ chưa nói đến tầm vóc chuyên gia. Để thành công trong lĩnh vực CNTT các bạn phải luôn trau dồi kiến thức cơ bản và kỹ năng về quản trị, công nghệ phần mềm. Nó sẽ làm các bạn chuyên sâu hơn”. GS. Lattanze cũng cho hay, điều mà ông quan tâm nhất đối với SV Việt Nam hiện nay chính là trình độ và khả năng về CNTT của SV Việt Nam, bởi GS. chính là đại diện của ĐH CMU qua kiểm tra trình độ cũng như thuyết trình về các dự án robot mà ông và các đồng nghiệp tại Viện Kỹ thuật ứng dụng phần mềm và Viện Nghiên cứu quốc tế phần mềm của ĐH CMU đã sản xuất. 
Ông đánh giá thế nào về trình độ CNTT của SV Việt Nam hiện nay?       
GS. Lattanze: Các bạn rất có khả năng, tôi biết điều đó. Nhưng hiện nay, các bạn phải nhìn nhận vào một thực tế rằng nếu ngay lập tức so sánh trình độ giữa SV Việt Nam với SV các nước phát triển, tôi e rằng hơi khập khiễng. Đối với một số ngành nghề khác, sự chăm chỉ mang lại thành công. Nhưng đối với CNTT, ngoài làm việc cật lực, cần phải có điều kiện về trang thiết bị. Ý tôi nói là trang thiết bị về CNTT trong hệ thống các trường ĐH của các bạn quá yếu và thiếu.       
Vậy phải thay đổi như thế  nào?       
– Tại Mỹ, mà cụ thể là ngay trong Trường ĐH CMU, SV của chúng tôi khi nghiên cứu về CNTT phải hội tụ được 3 yếu tố: thứ nhất là đặt chuẩn học tập cao; thứ 2 là chăm chỉ và cuối cùng là chúng tôi gần như bắt buộc SV đưa kiến thức áp dụng thực tế. Vào cuối mỗi kỳ học, sản phẩm ứng dụng thực tế mới là yếu tố quyết định trình độ SV. Theo tôi, SV các bạn mới chỉ đạt yêu cầu về sự chăm chỉ. Hai yếu tố còn lại rất mơ hồ. Đó cũng là mục đích của chúng tôi khi giúp Việt Nam đào tạo CNTT. Thay đổi được chuẩn học tập và khả năng ứng dụng, tôi tin các bạn đủ khả năng làm chuyên gia CNTT tầm thế giới.       
GS. Lattanze cũng cho rằng, SV Việt Nam đã đạt được những thành tích nhất định trong việc chế tạo và điều khiển robot qua các cuộc thi. Nhưng nhược điểm lớn nhất của SV Việt Nam là chưa hình dung hết dự án robot cũng như ứng dụng thực tiễn của nó. “Không thể lập trình robot tràn lan rồi để đó, cần phải đưa nó ra ứng dụng” – GS. Lattanze nói.
Đinh Hương

 

Bình luận (0)