Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tiền trường – quỹ hội: Đừng vội kết tội nhà trường

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ 2: Phụ huynh chưa hiểu, báo chí quấy nhiễu

Sự phát triển của giáo dục là sự nỗ lực của nhà trường và sự hỗ trợ của phụ huynh

Một phụ huynh (PH) làm đơn gửi lên báo, tố cáo nhà trường “lạm thu”. Trong đơn, vị PH này có kèm theo bản photo những khoản tiền phải đóng. Dò mãi, chúng tôi mới phát hiện một khoản được gọi là “lạm thu”, đó là 5 ngàn đồng/tháng tiền nước cho học sinh (HS) uống. Rất tiếc, đây không phải là vị PH cá biệt…
Cơ sở vật chất: Trên 3 ngàn đồng/tháng
Theo văn bản hướng dẫn các khoản thu đầu năm của Sở GD-ĐT TP.HCM thì mỗi năm HS chỉ phải đóng 30 ngàn đồng tiền cơ sở vật chất. Như vậy, trung bình mỗi tháng đóng 3.300 đồng. Hiện nay, mỗi lớp bình quân 40 HS, do đó mỗi tháng thu được 132.000 đồng. Với số tiền ít ỏi này, liệu nhà trường có thể thỏa mãn nhu cầu cơ sở vật chất hoành tráng của PHHS?
Thầy Nguyễn Vũ Đức – Hiệu phó Trường THCS Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh kể lại: “Có PHHS vào lớp nhìn thấy nền gạch cũ, thắc mắc sao không lát nền mới. Nhiều PH khác lại thắc mắc tại sao không lắp quạt đảo mà lắp quạt trần – quạt trần không mát, tại sao không quét tường mới để lớp học được sáng sủa. Nhà trường cũng muốn HS được học tập trong môi trường khang trang, đầy đủ tiện nghi nhưng với 30 ngàn đồng/năm/HS thì làm sao đáp ứng được…”.
Trường THCS Hà Huy Tập có trên 2.000 HS, theo đó mỗi năm nhà trường thu được hơn 60 triệu đồng tiền cơ sở vật chất. Số tiền này chỉ đủ sửa chữa nhỏ như thay bóng đèn, bảo dưỡng đường điện, nước, bàn ghế… Muốn sửa chữa lớn thì phải đợi ngân sách Nhà nước cấp. Nhưng để có được ngân sách của Nhà nước đâu phải ngày một ngày hai mà phải đợi tới 2 – 3 năm, thậm chí là lâu hơn nữa.
Thầy Đức cũng cho biết, năm ngoái nhà vệ sinh dành cho HS nữ bị hư hỏng nhưng nhà trường chưa biết tìm đâu ra kinh phí để sửa chữa thì may mắn có một PH đã tự nguyện tới sửa giùm. Kinh phí sửa chữa khoảng 30 triệu đồng.
Cũng theo văn bản hướng dẫn các khoản thu đầu năm của Sở GD-ĐT TP thì mỗi tháng nhà trường chỉ được thu 5 ngàn đồng/HS vệ sinh phí. Hơn 10 năm trước, ít dịch bệnh, xà bông rửa tay, nước lau nhà – rửa nhà vệ sinh cũng rẻ, nên với mức phí 5 ngàn đồng/tháng là tạm ổn. Nhưng nay, dịch bệnh bủa vây tứ phía, từ tay chân miệng đến sốt xuất huyết, đặc biệt là cúm A/H1N1 nên đòi hỏi các trường phải tăng cường công tác vệ sinh – mỗi ngày đều phải lau rửa trường lớp, mỗi tuần khử trùng một lần. Theo đó, cái giá 5 ngàn đồng/tháng đã trở nên quá lỗi thời và không thể đáp ứng được nhu cầu mà ngành y tế, ngành giáo dục và dư luận xã hội đòi hỏi. Chính vì lẽ đó mà nhiều trường đã quyết định thu thêm 10 – 20 ngàn đồng/tháng/HS. “99 PH đồng ý, chỉ có 1 PH có ý kiến là báo chí lại nói nhà trường lạm thu”, một hiệu trưởng bức xúc.
Thu của PH để chi cho HS
Thầy Phạm Minh Đại – Hiệu trưởng Trường TH Đống Đa, Q.4 cho biết: “Năm học 2009-2010, quỹ Hội CMHS của trường là 120 ngàn đồng/năm, tăng 10 ngàn đồng so với những năm học trước. Vì đây là tự nguyện nên có khoảng 75% PH tham gia. Số tiền thu được khoảng 55 – 60 triệu đồng, phần lớn là chi cho HS, đặc biệt là khen thưởng…”.
“Ngân sách có hỗ trợ kinh phí khen thưởng cho HS không, thưa thầy?”, trả lời câu hỏi này, thầy Đại nói: “Có. Nhưng mỗi lớp chỉ được khen thưởng có 5 HS với phần thưởng vài ngàn đồng. Trong khi đó, với cách đánh giá HS như hiện nay thì mỗi lớp phải khen thưởng cho 30 – 35 HS. Còn phần thưởng, tệ lắm cũng phải 5 cuốn tập (khoảng 25 ngàn đồng). Ở Trường Đống Đa, mỗi năm khen thưởng 2 lần cho trên 500 HS/660HS, tổng kinh phí khen thưởng ít nhất là 25 triệu đồng”.
Ngoài việc trích ra 40% chi cho khen thưởng HS, quỹ Hội CMHS còn được sử dụng để hỗ trợ những HS có hoàn cảnh khó khăn. Trường Tiểu học Đống Đa có khoảng 50 HS thuộc diện này. Tất cả các em đều được miễn phí 100% tiền cơ sở vật chất, học phí cả 2 buổi. Thậm chí nhà trường còn phải tặng học bổng, quần áo, sách tập cho các em. Về phía PH của những HS này, hầu hết đều không đóng quỹ hội.
Được mệnh danh là “trường nhà giàu”, nhưng Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 cũng có tới 6% HS thuộc diện khó khăn. “Đầu năm học, nhà trường mời PH của các em này tới để nghe tâm tư, nguyện vọng của họ và nắm tình hình cụ thể. Từ đó có kế hoạch giúp đỡ cho từng HS”, cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Những HS này không chỉ được miễn tiền học mà được miễn cả tiền ăn, đặc biệt có nhiều em còn được hỗ trợ học bổng.
Ở Trường TH Đuốc Sống, Q.1 nhiều PH “chây lỳ” không đóng tiền ăn cho con. Nợ từ tháng này sang tháng khác, qua năm học mới thì “xù” luôn. Vậy nhà trường lấy tiền đâu để bù? Cô Nguyễn Thị Huỳnh Thoa – Hiệu trưởng nhà trường trả lời: “Từ sự hỗ trợ, đóng góp của những PH khác”.
Và đây cũng là thực trạng chung đang diễn ra tại hầu hết các trường công lập trên địa bàn thành phố. Ở những trường nhiều PH có điều kiện thì nhà trường ít “trở thành chủ nợ” hơn. Còn ở những trường “nghèo”, nhà trường phải cắt chỗ này, xén chỗ kia để chăm lo cho HS. “Điều quan trọng đối với nhà trường là làm sao HS được chăm sóc, dạy dỗ tốt nhất”, thầy Đại – Trường Đống Đa tâm sự. Đó cũng là suy nghĩ của gần 60.000 thầy, cô giáo ở TP.HCM…
Thật đáng tiếc trong số trên 2 triệu HS cũng có vài ba PH không những không muốn hỗ trợ nhà trường thực hiện sứ mệnh dạy chữ, dạy người mà còn “phá bĩnh”. Chỉ cần nhà trường thu 3 – 5 ngàn đồng mua nước uống cho HS, 10 – 20 ngàn đồng phục vụ công tác giữ gìn vệ sinh trong mùa đại dịch bệnh cũng phản ánh lên báo. Đã vậy, nhiều báo chỉ thích phản ánh một chiều, không bao giờ chịu lắng nghe và thấu hiểu nỗi lòng của nhà trường…
 
Bài &ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)