Khi mùa hè trở lại, không ít bậc phụ huynh có con sắp vào lớp 1 rơi vào tình trạng loay hoay giữa các luồng thông tin trái ngược nhau: có nên cho con học chữ trước hay không? Thậm chí, câu hỏi này đến với họ từ rất sớm, khi đứa trẻ mới được 4 – 5 tuổi.
Còn nhớ cách đây hơn hai năm, khi con chuẩn bị vào lớp lá, tôi đã cất công đi tham khảo ý kiến những phụ huynh có con đang học lớp 1 và cả một số giáo viên dạy tiểu học thì đa số đều khẳng định rằng phải cho con học chữ trước. Họ doạ rằng không học trước trẻ sẽ không theo kịp bạn, đâm ra tự ti, chán học. Rồi còn bị cô rầy la, sẽ sợ hãi, mất tinh thần…
Nhưng theo những gì tôi đọc trên báo chí, tất cả các chuyên gia về giáo dục và tâm lý cho rằng, việc cho trẻ học chữ sớm sẽ làm mất tuổi thơ của chúng, cũng như khiến trẻ chủ quan lơ là việc học. Thậm chí có người còn “kết tội” rằng cha mẹ bắt ép con học trước chỉ vì sĩ diện, muốn con hơn người. Các nhà giáo dục cũng nhắn nhủ rằng hãy yên tâm, chương trình lớp 1 sẽ giúp trẻ bắt đầu làm quen từ những con số, nét chữ đầu tiên.
Tôi thật sự không biết phải theo hướng nào. Tất nhiên, tôi không muốn con đánh mất tuổi thơ. Cũng không muốn con bị hụt hẫng. Sau nhiều cuộc tranh luận với chồng, tôi quyết định làm theo “điều đúng đắn”, đó là để con phát triển tự nhiên, thoải mái. Con tôi khoẻ mạnh, lanh lợi, lại được cô giáo ở mầm non dạy nhận mặt 24 chữ cái và ghép vài vần đơn giản. Cô nói bé tiếp thu rất tốt. Tôi yên tâm cùng con vào lớp 1.
Vật vã với… thực tế
Chỉ sau ngày nhập học được vài tuần, chúng tôi bị “khủng bố tinh thần” hàng ngày bằng nước mắt của con và những câu cô giáo viết trong sổ báo bài: “Bé viết chậm và quá xấu!”, “Bé không tập trung”, “Phụ huynh cần rèn thêm chữ viết và chính tả cho bé!”…
Trong buổi họp phụ huynh đầu tiên sau một tháng nhập học, cô giáo dành một nửa thời gian để “kể tội” những học sinh chưa đọc thạo, viết chậm, thiếu tập trung… Một nửa sau, cô phân bua cho điều đó: rằng thời lượng để học nét cơ bản quá ít, trong khi chương trình “chạy” quá nhanh, từ mới chưa kịp rèn luyện đã phải dạy từ khác. Mới học kỳ 1 đã viết chính tả, phân biệt dấu hỏi, dấu ngã. Học những từ rất khó phát âm và dễ nhầm lẫn. Ngay khi kết thúc học kỳ 1 đã chuyển qua viết cả một bài thơ dài với chữ một ô li. Chương trình căng đến độ cô đề nghị luôn là các bài tập thủ công phụ huynh về nhà giúp bé làm sẵn cho cả học kỳ. Để thời gian của môn học đó để cô… cho học trò rèn chữ. Và chính cô giơ lên cho phụ huynh xem cuốn bài tập tự nhiên và xã hội, trong đó có rất nhiều bài tập ngay từ đầu đã yêu cầu trẻ phải biết đọc, viết rồi mới hiểu và làm được. Cô lắc đầu: “Không hiểu nổi luôn!” Ngồi dưới, các phụ huynh nhìn nhau ngao ngán “Đến cô còn không hiểu thì làm sao chúng tôi hiểu nổi?”
Một phụ huynh có con học trước, được cô khen, nói với tôi: “Thực ra hồi trước cũng thương con lắm, đâu có muốn con vất vả, nhưng rút kinh nghiệm thằng anh khổ sở vô cùng vì chưa biết chữ khi vào lớp 1, nên con nhỏ này tui cho học từ năm ngoái. Hỏi chị chứ mới đầu năm học, giáo viên đã cho viết chính tả, viết báo bài, viết thư mời họp phụ huynh rồi, nếu không biết chữ làm sao mà viết…?”
Và chính đứa con bé bỏng của tôi là một trong những nạn nhân của thực tế… không hiểu nổi đó. Cô nhận xét bé sáng dạ, đọc và làm toán tốt. Chỉ có chữ viết chậm và xấu, sai chính tả… Nhưng… do không có thời gian cho các con nắn nót mà trở thành một áp lực đáng sợ. Con tôi vật vã với chữ viết, đến nỗi đi đâu gặp ai cũng tự thú nhận trước: “Con viết chữ xấu lắm, con học không giỏi”.
Nỗi hoang mang của những đứa trẻ
Anh P.L, một nhà báo có con trai bảy tuổi đang học tiểu học kể: “Nhiều chuyên gia tâm lý nhắc đi nhắc lại là phải luôn nói năng nhẹ nhàng, tôn trọng con trẻ. Tôi làm theo nguyên tắc đó một cách nghiêm túc. Nhưng ở nhà thì cha mẹ cố gắng tôn trọng con. Lên trường viết sai chính tả mấy chữ thì bị cô giáo nạt: “Sao ngu quá tui cũng không biết!” Báo hại về nhà mình cứ phải phân bua với nó: “Không, con không ngu, con chỉ hơi thiếu cẩn thận thôi, chỉ cần chú ý một chút con sẽ làm tốt. Nhưng nó không tin mình, nó hoang mang không biết rút cục là mình có ngu hay không? Với nó, lời cô giáo nói luôn là lời đúng nhất. Cô bảo ngu trước mặt cả lớp thì nó nhất định ngu rồi. Khổ vậy đó!”
Chuyện anh P.L kể không phải là cá biệt. Tôi cũng không chấp nhận để con phải đi học cả ngày ở trường rồi về nhà cắm mặt suốt hai tiếng đồng hồ buổi tối vừa làm bài tập cô cho, vừa rèn thêm học thêm nhằm xoá đi tội “viết chữ xấu” của con một cách gấp gáp. Bù lại, phải luôn theo sát để xoa dịu, nâng đỡ tinh thần con từng bước. Tôi chỉ tự hỏi, đến bao giờ thì con tôi không còn tin lời tôi nữa, rằng nó là một đứa trẻ bình thường chứ không hề kém cỏi, đáng bỏ đi?
Dường như chưa bao giờ những bậc phụ huynh như chúng tôi lại thấy mình đơn độc như bây giờ, trong hành trình nuôi dạy con của mình. Trước đây, nhà trường – gia đình – xã hội kết hợp với nhau một cách chặt chẽ như một cái chạc ba vững vàng, như ba đỉnh của một tam giác cân vì lợi ích con trẻ. Xã hội thay đổi quá nhiều, khiến cho tam giác ấy biến dạng. Và chính các bậc cha mẹ đang phải cố níu kéo để mối quan hệ kia có một hình thái cân bằng. Sự bất nhất giữa lý thuyết và thực tế đã tạo nên một thế hệ phụ huynh đầy hoang mang. Ngành giáo dục vẫn kiên quyết cho rằng không bắt học sinh phải học chữ trước, nhưng Nhà nước không thể kiểm soát nổi những cơ sở, thậm chí trường học dạy chữ rèn chữ cho trẻ chưa đủ tuổi đến trường, và chương trình học đè nặng trên vai những đứa trẻ thiếu chuẩn bị. Giữa bối cảnh đó, mỗi phụ huynh phải tự chọn lựa cho mình một quyết định dựa trên những lợi ích cho chính con trẻ. Và điều tồi tệ nhất là dù chọn cách nào thì họ cũng không thể chắc được là mình chọn đúng hay sai.
Lam Anh / SGTT
Bình luận (0)