Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đánh thức nhận thức của PHHS về cái gọi là “lạm thu”

Tạp Chí Giáo Dục

LTS: Liên tục trong các số báo gần đây, Báo Giáo Dục TP.HCM đã khởi đăng loạt bài “Tiền trường – quỹ hội: Đừng vội kết tội nhà trường”. Loạt bài đã gây được sự quan tâm đặc biệt của quý bạn đọc, đặc biệt là những người làm công tác giáo dục. Số báo này, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến chia sẻ của thầy Lại Tấn Bán – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thi-Q.11
Là một hiệu trưởng của một trường tiểu học ở một quận ven, quy mô trường lớp nhỏ, các phòng học không đúng quy cách vì là cơ sở của một trường tư thục trước năm 1975. Thành phần gia đình học sinh đa số là lao động nghèo, số học sinh người Hoa chiếm gần 60% trên tổng số học sinh. Nhiều năm liền, chỉ tiêu tuyển sinh không đạt và có nguy cơ co giãn số lớp. Chẳng hạn như năm học 2003-2004, nhà trường chỉ tiếp nhận 72 học sinh mới, đa số là con em của người dân có hộ khẩu P.2, Q.11 nhưng đã bán nhà lên tận Mã Lò, Bình Hưng Hòa thuộc quận Bình Tân. Vì vậy, việc đảm bảo duy trì sĩ số và hiệu quả đào tạo của trường chỉ nằm ở con số trên 80%. Từ thực tế đó, qua rất nhiều lần họp giao ban phòng, quận, hiệu trưởng nhà trường đề xuất cải tạo CSVC của trường nhưng chưa được chấp thuận. Tuy vậy, tập thể CB-GV-CNV nhà trường vẫn cố gắng thực hiện nhiệm vụ, cải tiến phương pháp dạy học, đầu tư cho việc giảng dạy để có sức thuyết phục nhân dân quanh khu vực trường đóng. Tính đến nay, nhà trường đã có 4 năm liền được Hội đồng thi đua Q.11 công nhận Tập thể lao động tiên tiến.
Như các hiệu trưởng khác, bản thân tôi là độc giả trung thành của Báo Giáo Dục TP.HCM, tôi như người bắt được vàng khi đọc loạt bài “Tiền trường – quỹ hội: Đừng vội kết tội nhà trường”. Rất tiếc, bài báo chưa được phổ biến rộng khắp để đại đa số “phụ huynh cá biệt” xem. Do vậy, bản thân tôi đã photocopy bài báo và phát cho một số vị trong Ban Đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) nhà trường và chính quyền sở tại để phổ biến rộng rãi cho nhân dân xem nhằm đánh thức sự quan tâm, nhận thức của PHHS về cái gọi là “lạm thu” của nhà trường.
Tôi cũng tâm đắc với cụm từ “… nhiều báo chỉ thích phản ảnh một chiều, không bao giờ chịu lắng nghe và thấu hiểu nỗi lòng của nhà trường…”. Mặc dù đây đó cũng có nhiều trường đặt ra những khoản thu bất hợp lí nhưng đó chỉ là cá biệt, báo chí cũng cần có quan điểm xã hội hóa giáo dục, cần viết những gương điển hình vượt khó của các trường để động viên những việc làm tốt, những vị phụ huynh có nhiệt tâm giáo dục. Trường Tiểu học Nguyễn Thi-Q.11, không thiếu những phụ huynh sẵn sàng ủng hộ nhà trường hai – ba triệu… nhưng cũng có phụ huynh không đồng ý đóng tiền nước uống 10.000 đồng/tháng (học sinh bán trú) và cãi lí rằng tôi cho con mình uống nước tại nhà. Thử hỏi một chai nước nhỏ của cháu mang vào liệu có đủ cho gần 10 tiếng đồng hồ sinh hoạt và học tập tại trường?
Trong khuôn khổ thực hiện chủ đề năm học “Đổi mới quản lí, nâng cao chất lượng giáo dục” và “Xây dựng nhà trường thân thiện – học sinh tích cực”, chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất với Ban Đại diện CMHS trong Đại hội Ban Đại diện CMHS của trường sơn nước lại toàn bộ nhà trường (trừ các phòng chức năng) và đã được nhất trí thông qua. Vì đó là một trong những việc thực hiện xã hội hóa giáo dục và cũng nhằm tạo điều kiện tốt cho việc xây dựng “Nhà trường thân thiện – học sinh tích cực”. Kinh phí cho công trình này là 30 triệu đồng trên tổng số gần 49 triệu đồng quỹ của Ban đại diện. Hiện nay công trình đã hoàn tất và các em được học trong một ngôi trường sơn mới sau nhiều năm trường chưa được sơn phết lại. Con em các CMHS không đóng đồng nào vì là tự nguyện cũng được hưởng thụ như con em các vị CMHS tích cực đóng góp.
Diễn đàn: Tiền trường – quỹ hội: Đừng vội kết tội nhà trường
Lại Tấn Bán

Bình luận (0)