Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Báo Giáo Dục TP.HCM – 15 năm hình thành và phát triển

Tạp Chí Giáo Dục

Kênh thông tin không thể thiếu của nhà trường, thầy cô giáo…

Các thầy cô giáo đang xem thông tin trên Báo Giáo Dục TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY

Trong chuỗi hoạt động mừng kỷ niệm 15 năm thành lập, Báo Giáo Dục TP.HCM vừa tổ chức buổi họp mặt “Bạn đọc – Cộng tác viên thân thiết”. Tại đây, nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý, phụ huynh học sinh, bạn đọc… suốt 15 năm qua đã đồng hành cùng những bước thăng trầm của tờ báo đã đóng góp những ý kiến tâm huyết, thiết thực. Bên cạnh đó cũng không ít những trăn trở, ưu tư… là làm thế nào để tờ báo ngày càng phát triển lớn mạnh, để trở thành kênh thông tin hữu ích không thể thiếu trong bất kỳ trường học nào…
Kênh thông tin hữu ích
Tại buổi gặp mặt, đã có rất nhiều thầy cô chia sẻ tình cảm quý mến và mong muốn Báo Giáo Dục TP.HCM ngày một phát triển bền vững và lớn mạnh. Tuy nhiên, để đạt được điều đó báo cần phải cải tiến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phát hành, cùng nội dung cập nhập nhanh nhạy hơn. Cô Võ Thái Kim Phượng, Phó hiệu trưởng Trường TH Kim Đồng, quận Gò Vấp chia sẻ: “Lúc đầu, khi mới đưa tờ báo vào trường, nói thật lòng các anh bên báo đừng buồn, chúng tôi xác định ủng hộ báo ngành là chính. Tôi biết, hiện nay BGH, GV một số trường vẫn còn ý nghĩ này. Ở Trường Kim Đồng khi gặp vấn đề này chúng tôi nảy ra một sáng kiến. Để GV, HS thấy được giá trị của tờ báo ngành, khi có những bài báo hay, nóng nhà trường cắt và dán trang trọng trên bảng thông tin cho mọi người cùng đọc, cùng cảm nhận. Sau này, khi có được sự ủng hộ của Ban Đại diện cha mẹ học sinh (hỗ trợ về kinh phí mua báo), nhà trường đã mua được cho mỗi khối một tờ. Nhưng, lúc này bắt đầu có “tiếng nhỏ, to” BGH có “ăn” gì của báo hay không, mà mua nhiều báo vậy? Một tờ là quá đủ cho mọi người đọc rồi. Biết được điều này, những tiết sinh hoạt dưới cờ, nhà trường lồng ghép câu hỏi về các gương tốt, người tốt được đăng trên báo, HS nào trả lời đúng ngoài phần thưởng cá nhân, lớp đó còn được tuyên dương. Bấy giờ, những giáo vên “khó tính” mới nhận thức được những giá trị tích cực của tờ báo ngành. Chúng tôi rất mừng, vì đã “giải oan” được cho BGH, nhưng quan trọng nhất là giúp được giáo viên, học sinh dễ dàng tiếp cận với những thông tin bổ ích của tờ báo. Đến nay, được sự đồng thuận của phụ huynh và giáo viên, mỗi lớp đã có một tờ báo Giáo Dục TP.HCM với số lượng báo mua toàn trường là 70 tờ/kỳ”.
Cùng quan điểm với cô Phượng, thầy Thanh phụ trách thư viện Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi cho biết: “Việc phát hành báo ở Củ Chi gặp trở ngại về giao thông. Bên cạnh đó, trước đây kinh phí do Phòng GD chi nên mỗi trường đều có một tờ báo Giáo Dục, sau này kinh phí được “rót” về từng trường, công việc phát hành báo thực sự gặp trở ngại. Do là huyện vùng sâu vùng xa của TP, kinh phí phục vụ cho báo chí thực sự eo hẹp, vì vậy có trường mua, trường không. Nhưng do chúng tôi làm tốt công tác tuyên truyền nên các trường thấy được cái hay, cái tốt của tờ báo ngành, hiện nay 100% các trường đều có báo. Tuy nhiên, nếu Báo Giáo Dục TP.HCM có thể tổ chức được một buổi họp mặt “Bạn đọc – CTV” như thế này tại huyện Củ Chi, chắc chắn tờ báo sẽ còn được nhiều PH, HS biết đến. Quan trọng hơn các trường ở Củ Chi nếu áp dụng được cách làm như của Trường Kim Đồng, đó là BĐDCMHS hỗ trợ về tiền báo thì sẽ tốt hơn”.
Cần đầu tư xứng tầm

Các thầy giáo dạy nghề tìm thông tin trên Báo Giáo Dục TP.HCM

Thầy Trần Quang Mỹ, Hiệu trưởng Trường TH Phan Văn Trị có cái nhìn khác. GD-ĐT trên cả nước ngày một hội nhập và tiếp thu nhiều cái hay cái mới của thế giới, đạt những thành quả vượt bậc trong các năm qua. Tuy vậy vẫn không tránh khỏi những khiếm khuyết. Để thầy cô, học sinh học hỏi được những gương tốt, áp dụng được những sáng kiến hay trong việc “trồng người”, là tờ báo ngành, báo cần có nhiều bài viết về những mô hình tốt như “Chân dung nhà giáo, nhà quản lý, học sinh tốt…”. Có cách làm để các thầy cô trong ngành biết và tự tìm đến với báo.
“Bắt đầu hình thành từ một tờ nguyệt san, trải qua 15 năm Báo Giáo Dục TP.HCM đã lớn mạnh không ngừng, khẳng định một bước đi vững chắc và trở thành tờ báo ngành cách nhật. Báo đã đăng tải một khối lượng thông tin rất lớn về thời sự chính trị, xã hội và đặc biệt là thời sự giáo dục như: học hành, thi cử, xây dựng trường lớp, đời sống giáo viên, cán bộ công nhân viên ngành giáo dục, những tấm gương học sinh hiếu học, thầy cô giáo một đời tận tụy với công việc, trường lớp… Tuy nhiên, thầy Hồ Đắc Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản trăn trở: “So với sự phát triển của tờ báo trong 15 năm qua, cơ sở vật chất của báo không “xứng tầm”. Phải xin cơ chế và tìm nguồn lực bên ngoài để xây dựng một tòa soạn mới khang trang, sạch đẹp hơn. Tôi nghĩ các bạn phải dám nghĩ, dám làm mới thay đổi được. Chúng ta không được giấu cái xấu của ngành, của trường, nhưng khi dư luận có những “luồng” ý kiến “bấp bênh” về trường, báo cần có những bài viết “nóng” để định hướng dư luận…”.
“Bằng những tâm tư, sáng kiến đóng góp của quý thầy cô đã giúp tờ báo ngày một phát triển tốt hơn. Đó là tình cảm quý báu, là những định hướng mà Báo Giáo Dục TP.HCM trân trọng tiếp thu”, ông Tạ Văn Doanh, Tổng biên tập báo ghi nhận.
Quang Huy

Bình luận (0)