Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hà Nội tăng trên 700 biên chế hành chính sau 1 năm sáp nhập

Tạp Chí Giáo Dục

Theo báo cáo của Chính phủ, sau khi mở rộng, tổng biên chế hành chính của thành phố đã tăng 706 người, vượt xa chỉ tiêu của Chính phủ giao

Tại thời điểm hợp nhất, tổng biên chế hành chính của thành phố được Chính phủ giao là 8.133 người, tuy nhiên, đến ngày 31/9/2009, con số đã là 8.839 người, tăng 706 người.
Việc bổ sung này đã được UBND Hà Nội trình bày là để đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước của các phòng chuyên môn cấp huyện và thanh tra xây dựng cấp huyện thuộc tỉnh Hà Tây cũ, để đảm bảo tính đồng bộ về biên chế khi sáp nhập. Việc tăng thêm biên chế đều dựa trên tiêu chuẩn cán bộ, công chức và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thành phố mới.
Hà Nội phải tăng thêm cán bộ quản lý trật tự xây dựng sau khi sáp nhập. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Khi sáp nhập, các chức danh phó bí thư thành ủy, thành viên HĐND và ủy ban nhân dân thành phố, Phó chủ tịch UBND thành phố, các phó giám đốc Sở cũng tăng so với quy định chung. Hiện Hà Nội có tới 20 giám đốc, 160 phó giám đốc Sở. Theo nhận định của Chính phủ, đến năm 2011, các chức danh này sẽ được điều chỉnh trở lại theo quy định chung, sau khi Chính phủ có quy định lại số lượng thành viên Ủy ban nhân dân.
Theo báo cáo của thành phố Hà Nội, kinh phí từ ngân sách địa phương chi cho công tác di chuyển, điều chuyển tài sản của các cơ quan khi hợp nhất là khoảng 50 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố đã bố trí khoảng 3.000 tỷ đồng cho các địa bàn mới sáp nhập về Hà Nội để thực hiện các chính sách, chế độ và bổ sung vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo định mức thống nhất trong toàn thành phố.
Sau khi sáp nhập, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Hà Nội trong 9 tháng qua tăng khoảng 5,7%, trong đó, giá trị tăng thêm công nghiệp xây dựng là 6,3%. Theo nhận định của Chính phủ, tuy có sự tăng trưởng so với các địa phương trong cả nước, song kinh tế thủ đô vẫn bộc lộ yếu tố thiếu bền vững, thiếu đột phá, thu hút vốn đầu tư nước ngoài chưa xứng với tiềm năng…
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cho rằng, một phần nguyên nhân là do suy thoái kinh tế thế giới đã ảnh hưởng tới kinh tế trong nước. Mặc khác, những tồn tại yếu kém của thủ đô vẫn tiềm ẩn từ nhiều năm, chứ không phải có sau khi hợp nhất.
Đoàn Loan (VNE)

 

Bình luận (0)