Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên nhi đồng: Luật Giáo dục còn một số hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung

Tạp Chí Giáo Dục

Trường ĐH DL Hồng Bàng được thành lập nhiều năm nhưng vẫn phải thuê cơ sở để dạy học

Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên nhi đồng (VHGDTTN&NĐ) Quốc hội vừa có báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Theo ủy ban, sau hơn ba năm thi hành, Luật Giáo dục cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để tăng cường hiệu lực thi hành và phù hợp hơn với thực tế.
Điều kiện thành lập và cho phép ĐH hoạt động có vấn đề
Theo ủy ban, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điều 50 (về thành lập trường)để làm rõ hơn điều kiện thành lập nhà trường và tách quy trình thành lập nhà trường thành hai bước: quyết định thành lập nhà trường và cho phép hoạt động giáo dục. Qua khảo sát thực tiễn, Ủy ban VHGDTTN&NĐ nhận thấy, thời gian qua nhiều nhà trường sau khi có quyết định thành lập vẫn phải hoạt động cầm chừng vì không đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, thậm chí có trường không thể đi vào hoạt động sau khi công bố quyết định thành lập nhiều năm. Nguyên nhân chủ yếu là do quy định về điều kiện thành lập nhà trường còn chung chung, thiếu cụ thể và chưa tính đến việc từ khi có quyết định thành lập đến khi chính thức hoạt động giáo dục cần phải có một thời gian nhất định để nhà trường chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ cũng như chương trình giáo dục và giáo trình giảng dạy. Vì vậy, ủy ban cơ bản tán thành tách việc thành lập nhà trường thành hai bước và quy định điều kiện tương ứng cho từng bước như dự thảo luật. Tuy vậy, ủy ban nhận thấy điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục được quy định trong dự thảo luật còn chưa rõ ràng và thiếu chặt chẽ. Hơn nữa, giáo dục là lĩnh vực đầu tư có điều kiện, do đó đề nghị nghiên cứu, thiết kế lại điều luật sao cho vừa rõ ràng, chặt chẽ, khả thi, vừa phù hợp với Luật Đầu tư và theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục nên trình bày thành các yêu cầu cụ thể, để thuận tiện trong việc thẩm định và giám sát thực hiện. Mặt khác, cần quy định rõ người có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục đối với nhà trường ở các cấp học và trình độ đào tạo; đồng thời quy định ngay trong luật các trường hợp nhà trường bị đình chỉ hoạt động hoặc bị giải thể nhằm bảo đảm kỷ cương và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Về thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học (khoản 1 điều 51) trong dự thảo luật có đưa raBộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đối với trường đại học. Trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thành lập trường.
Về vấn đề này, ủy ban cho rằng, việc thành lập trường đại học liên quan đến chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo quốc gia, nhất là chủ trương ưu tiên đầu tư tập trung xây dựng một số trường đại học trọng điểm đạt trình độ khu vực, quốc tế, do đó thẩm quyền này phải do Thủ tướng Chính phủ thực hiện. Mặt khác, tình trạng phát triển ồ ạt các trường đại học không hội đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo trong thời gian qua đang làm dư luận xã hội rất lo ngại. Nếu tập trung cả trách nhiệm thẩm định và thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì e rằng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng này. Vì vậy, đa số ý kiến trong ủy ban không tán thành giao cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định thành lập trường đại học, đặc biệt là đối với các trường đại học trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, ủy ban ủng hộ việc giao cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thẩm quyền cấp phép hoạt động giáo dục cho trường đại học đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.
Đề nghị về chương trình giáo dục và biên soạn sách giáo khoa
Về vấn đề chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa Ủy ban VHGDTTN&NĐ cho rằng, một trong những vấn đề hết sức quan trọng được dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến trao đổi trong thời gian qua, đó là: việc xây dựng chương trình giáo dục và sách giáo khoa còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa tạo được sự đồng thuận và tin tưởng trong cộng đồng chuyên môn cũng như trong xã hội nói chung; luật chưa có quy định cụ thể, chặt chẽ đối với chương trình giáo dục và tiêu chuẩn về sách giáo khoa, quy trình biên soạn, thẩm định và phê duyệt chương trình giáo dục, sách giáo khoa. Do đó, việc bổ sung quy định như dự thảo luật là cần thiết, nhưng chưa đủ. Ủy ban VHGDTTN&NĐ đề nghị quy định ngay trong luật tiêu chuẩn về chương trình giáo dục và sách giáo khoa, nguyên tắc lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa, đồng thời giao cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định cụ thể, chặt chẽ về quy trình xây dựng chương trình giáo dục và biên soạn sách giáo khoa, về quy chế tổ chức và hoạt động của bộ phận xây dựng chương trình giáo dục và biên soạn sách giáo khoa cũng như của các hội đồng thẩm định quốc gia kèm theo tiêu chí, tiêu chuẩn lựa chọn nhân sự tham gia và chế tài xử lý trách nhiệm, nhất là đối với người đứng đầu khi để xảy ra sai sót, nhằm khắc phục những bất cập về vấn đề này, trong đó có tình trạng “quá tải” về nội dung chương trình và nhiều sai sót trong sách giáo khoa.          
Ngoài hai vấn đề “nổi cộm” trên, Ủy ban VHGDTTN&NĐ còn đưa ra ý kiến đối với các vấn đề khác như về thời gian đào tạo tiến sĩ, về đào tạo và cấp văn bằng trình độ tương đương với trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ ở một số ngành chuyên môn đặc biệt; về cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; về công khai tiêu chuẩn chất lượng giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục 
Bên cạnh đó, ủy ban cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT cần tiếp tục sửa đổi bổ sung một số nội dung khác như về học phí, phí dịch vụ; quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; về việc bổ sung chế tài trong một số quy định của luật.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)