Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngành GD-ĐT chú trọng công tác pháp chế

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi Luật Giáo dục (sửa đổi, bổ sung) đang được Quốc hội xem xét, thông qua thì nhiều văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) khác cũng được Bộ GD-ĐT soạn thảo, ban hành nhằm nâng cao chất lượng dạy và học và hiệu quả công tác quản lý.
Xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng các văn bản QPPL đối với ngành, Bộ GD-ĐT đã có chỉ thị yêu cầu các đơn vị trực thuộc coi việc soạn thảo, ban hành văn bản pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu tập trung đầu tư các nguồn lực để nâng cao chất lượng đề xuất xây dựng dự án, dự thảo các văn bản; tăng kinh phí cho hoạt động xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý văn bản QPPL; nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác pháp chế và đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất cho công tác này.
Cùng với đó, thực hiện việc đánh giá tác động của văn bản về lĩnh vực giáo dục sau khi văn bản được ban hành; xác định tính hợp lý, khả thi của các quy định trong văn bản từ đó kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, ban hành văn bản mới cho phù hợp. Tổ chức lấy ý kiến đông đảo nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức liên quan và đối tượng chịu sự tác động của văn bản thông qua việc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo.
Trong một báo cáo mới đây của Bộ GD-ĐT về sự phát triển của giáo dục đại học và các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo thì một trong những giải pháp đầu tiên được ngành đề cập đến là xây dựng và hoàn thiện các văn bản QPPL về giáo dục, trong đó trước hết là các văn bản liên quan đến hoạt động của nhà trường; các quy định về phối hợp và phân cấp quản lý giữa Bộ GD-ĐT, các bộ ngành khác và UBND cấp tỉnh với các trường đại học, cao đẳng; hoàn thiện quy định về hội đồng trường và quan hệ giữa hội đồng trường, ban giám hiệu, đảng ủy trường, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội…
Khánh Ngọc

Bình luận (0)