Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đào tạo báo chí: Cần đẩy mạnh tính thực tiễn

Tạp Chí Giáo Dục

Cần đẩy mạnh tính thực tiễn cho sinh viên (SV) ngành báo là ý kiến của đa số các nhà báo trong buổi tọa đàm “Thực trạng và kỹ năng nghề của các nhà báo hiện nay, những yêu cầu tuyển dụng của các tòa soạn đối với SV báo chí mới tốt nghiệp” do Hội đồng Anh cùng Khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM vừa tổ chức.
Yếu kiến thức chuyên ngành
Tại buổi tọa đàm, nhiều nhà báo, tổng biên tập đều cho rằng, SV mới ra trường còn thiếu tự tin, kỹ năng tác nghiệp và kiến thức nền. Trong khi đó, chương trình đào tạo lại thừa về lý thuyết nhưng thiếu kỹ năng thực hành cũng như chương trình thực tập thiếu hiệu quả. Theo TS. Huỳnh Văn Thông – Trưởng Khoa Báo chí và Truyền thông (ĐH KHXH&NV TP.HCM) thì phía nhà trường cần phải “đặt hàng” đào tạo SV ngành báo theo nhu cầu của các cơ quan báo. Bởi thực tế ở trường, SV đông, một khóa có khoảng 150 SV thì không thể cùng lúc đưa SV vào môi trường báo chí. 
Còn nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM kiêm giảng viên báo chí thì đề xuất: “Cần phải tăng cường thực hành nhiều hơn, coi đó là vấn đề xuyên suốt trong quá trình giảng dạy. Nhưng không phải chỉ một phía nhà trường làm được mà cần phải ở cấp cao hơn”. Ông Nhân lý giải: “Đơn cử như môn phóng sự, trước đây là 45 tiết, chúng tôi kêu mãi thì giờ đây giảm xuống còn… 30 tiết. 30 tiết để dạy môn phóng sự thì không thể nào làm được. Còn muốn tăng cường đi thực tế cho SV trải nghiệm nhưng lại không có tiền. Vậy là cả giảng viên, SV phải tìm mọi cách xoay xở, tiền thì trường không có, quy định không cho thì lấy đâu ra mà cọ xát?!”.
Nhà báo Trần Ngọc Châu, Giám đốc kênh Truyền hình FBNC – giảng viên báo chí, góp ý: “Vẫn duy trì cơ chế hiện nay là đào tạo 4 năm một SV, nhưng hết năm thứ nhất thì bắt buộc SV phải có đi thực tập, nhà trường sẽ ký hợp đồng với các tòa báo. Mỗi năm phải đi thực tập lấy điểm, tuy nhiên điều này phải xin ý kiến của Bộ GD-ĐT.
Giảng viên thiếu chuyên môn thực tế
Có nhiều ý kiến cho rằng, theo quy định, ở nước ta quy hoạch giảng viên phải là thạc sĩ, tiến sĩ. Nhưng trên thực tế, giảng viên dù là thạc sĩ, tiến sĩ nhưng khi lên lớp không nói được về nghề thì người học không tin. Nên chăng cần tăng cường tính thực tế bằng cách nhà trường như là trong một tòa soạn, hoặc giáo viên giảng dạy phải đi lưu trú ở các tòa soạn. Nếu giảng viên không đến lưu trú ở các tòa soạn được thì ít nhất cũng phải có các công trình, bài viết đã đăng trên báo. Thực tế nhiều nước đã làm cách này. Chẳng hạn như ở Pháp, học viên học ở tòa soạn, giảng viên là những nhà báo và thời gian về trường học các môn cơ bản rất ít.
Trong vai trò là nhà tuyển dụng trực tiếp, Tổng Biên tập Báo Đất Việt, Vũ Ngọc Dung nêu: “Các trường gửi SV thực tập đến thì chúng tôi nhận hết nhưng 10 bạn được hỏi thì đều xin thực tập ở mảng văn hóa, văn nghệ, trong khi báo chúng tôi cần đưa thông tin chính trị, xã hội hàng ngày. Văn hóa chỉ chiếm một phần nhỏ thôi nên thật ra báo cũng không có nhu cầu khi các sinh viên này ra trường”.
Ngoài ra, điều vướng nhất là kiến thức chuyên ngành từng lĩnh vực như pháp luật, kinh tế, y tế… các em không có, khi hỏi thì được biết trường không đào tạo. Các trường nên hướng các em đi sâu vào các chuyên ngành mà báo chí đang cần.
Được biết trong 2 năm, Hội đồng Anh tại Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt nam thực hiện chương trình MediaPro. Mục tiêu chính của chương trình là hỗ trợ nâng cấp giáo trình giảng dạy báo chí tại 3 cơ sở đào tạo báo chí lớn của Việt Nam là Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Khoa Báo chí và Truyền thông của Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội và Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Trên cơ sở đó các đơn vị đào tạo nghề báo điều chỉnh chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy một cách thích hợp, nhằm tăng cường sự phù hợp giữa chương trình đào tạo với nhu cầu sử dụng.
Nguyên Hải

Bình luận (0)