Sau khi Bộ GD-ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT 2010, kế hoạch ôn thi đã được gấp rút hoàn thành. Tuy nhiên, với nhiều học sinh (HS), kỳ thi tốt nghiệp năm nay khá chật vật.
Thi khối A: Vắt chân lên “chạy”
4/6 môn thi tốt nghiệp thuộc lĩnh vực xã hội. Các HS khối A thực sự “tố khổ” khi ôn thi. Em Nguyễn Văn Phương, lớp 12 Trường THPT DL Ý Yên, Nam Định tâm sự: “Năm nay em thi ĐH hai khối A và B, nhưng thi tốt nghiệp lại có nhiều môn xã hội nên em phải “cày” ngày đêm với môn địa do trước đó dự đoán không ra”. Ngay cả HS trường chuyên cũng khổ sở vì các môn thi tốt nghiệp năm nay. Là dân khối D của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam nhưng Diệu Trang cũng cảm thấy rất vất vả khi thi 2 môn sử và địa.
Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), việc quyết định các môn thi do lãnh đạo bộ bàn bạc, thống nhất trên cơ sở các phương án của cục. Nguyên tắc của việc xây dựng phương án các môn thi là ngoài 3 môn thi bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ), ba môn còn lại được lựa chọn trong số các môn học, song phải đạt mục đích để HS được “học gì thi nấy”, học đều các môn, không học lệch, học tủ. Đã có năm HS thi khối C rất lo lắng vì có nhiều môn thi thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên như vật lý, hóa học (năm 2007), vật lý, sinh học (năm 2008-2009). Năm 2006, hai môn lịch sử và địa lý cũng đã được chọn là môn thi tốt nghiệp. Vì thế, việc quy định có 4/6 môn thuộc lĩnh vực KHXH&NV như năm nay không có gì bất ngờ, cũng không phải bất hợp lý. Mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá chất lượng học tập của HS theo chuẩn kiến thức, kỹ năng do Bộ GD-ĐT ban hành, nếu các trường dạy đủ các môn theo số tiết trong phân phối chương trình và tổ chức ôn tập theo đúng hướng dẫn thì không có gì đáng lo ngại.
Trường cũng vừa chạy, vừa lo
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Nam Định, khó khăn nhất của tỉnh hiện nay trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2010 là tình trạng thiếu giáo viên dạy địa tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Điều này đã khiến không ít HS lo lắng. Còn hiệu trưởng tại một số trường của Hà Nội cho rằng, nhiều nơi có tâm lý “thi gì học nấy” nên ưu tiên ôn luyện những môn dự kiến sẽ thi, dẫn đến tình trạng HS lơ là các môn khác. Tuy vậy, việc “sửa sai” cũng không khó bởi thời gian 2 tháng đủ để các trường tổ chức cho HS ôn tập môn lịch sử, địa lý đạt điểm trung bình. Từ góc độ nhà trường, ông Tôn Tích Long, Hiệu trưởng Trường THPT DL Vạn Xuân (Hà Nội) chia sẻ: “Cấu trúc đề thi mà Bộ GD-ĐT đưa ra đối với hai môn sử, địa bao gồm toàn bộ nội dung chương trình, không bỏ phần nào. Như vậy, HS và giáo viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn do đây là hai môn xã hội, có nhiều số liệu yêu cầu phải nhớ chính xác. Là trường ngoài công lập nên trình độ HS của chúng tôi còn rất nhiều hạn chế. Trong đợt kiểm tra giữa học kỳ vừa qua, trường cho HS kiểm tra 3 môn chính (toán, văn, ngoại ngữ) nhưng tỉ lệ HS lớp 12 đạt điểm trên trung bình rất thấp. Ngày 7-4 tới, trường sẽ tổ chức kiểm tra 3 môn còn lại là hóa, địa, sử. Trường đã phải tăng ca, tăng tiết để phụ đạo cho HS. Giáo viên cũng “ép” HS học bằng cách tăng cường kiểm tra vấn đáp”. Ông Vũ Đức Thứ, Hiệu phó Trường THPT Phương Nam cho biết, trường đang tiến hành kiểm tra vấn đáp môn địa đối với HS. Đến cuối tháng 3, Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng cơ bản kết thúc các môn học không thi để tập trung thời gian cho những môn sẽ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ. Do thiếu phòng học cho việc tăng tiết nên thời điểm này trường phải tổ chức học ca 3 cho HS lớp 12 từ 17g-21g30.
Mặc dù vẫn theo quan điểm “học gì thi nấy” nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, thi tốt nghiệp hiện nay vẫn quá nặng nề và tốn kém. Sau 12 năm học, liệu có nhất thiết phải thi cử như hiện nay để các em có được tấm bằng? Trong khi thực tế, nếu muốn học nghề, các em có thể không cần phải tốt nghiệp THPT.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)