“Con bị ung thư, mẹ phải làm gì đây?
Con bị ung thư, mẹ đã khóc rất nhiều
Con bị ung thư, làm sao mẹ sống nổi!…”.
Phạm Duy Tùng được mẹ dìu về chỗ trọ miễn phí sau khi thi xong môn toán trong kỳ thi tuyển sinh ĐH tại TP.HCM – Ảnh: A.LỘC
|
Những câu thơ không liền vần tròn điệu ấy được bà Lê Thị Tâm (45 tuổi, ở TP Mỹ Tho, Tiền Giang) viết ra khi hay tin con trai Phạm Duy Tùng (học sinh Trường THPT chuyên Tiền Giang) bị ung thư xương. Cứ vài chữ, dòng thơ lại bị ngắt quãng bởi những nét xiêu vẹo vì những tiếng nấc chen ngang, và cũng vì gần 30 năm rồi bà mới cầm lại cây bút, cuốn tập để ghi lại nỗi đau trong lòng mình.
Họa vô đơn chí
Sẽ bán nhà trả nợ
Cả nhà bệnh tật, gánh nặng mưu sinh đổ dồn lên đôi vai gầy guộc của ba Tùng với công việc chạy xe ôm. Từ ngày đưa Tùng lên TP.HCM trị bệnh, số tiền vay nợ ngày càng chồng chất. “Con bệnh thì phải làm liều. Mượn tiền người này đắp trả cho người kia, đợi bán được nhà sẽ trả lại. Chỉ tội hai đứa nhỏ phải chịu khổ…” – ba Tùng buồn bã. Thấy hoàn cảnh như thế, hàng xóm thương tình chẳng ai đòi nợ. Nén nỗi lo trong lòng, ba Tùng kiên quyết: “Dù có phải bán nhà chúng tôi cũng sẽ lo cho cháu học đến nơi đến chốn”.
Căn nhà mà ông dự định bán là nơi ở của bốn người với bề ngang chỉ 2,8m và dài chừng 16m. Mọi vật dụng trong nhà hầu hết là của hàng xóm tặng.
|
Bà Lê Thị Tâm nghẹn ngào: “Nhà có bốn người thì cả bốn đều mang bệnh. Đứa út đã mổ cắt bỏ đoạn ruột do một khối u lành. Chồng tôi cũng mang một khối u lớn trên lưng. Nhiều lần khuyên ổng đi khám nhưng ổng bảo dành tiền lo cho con trước nên vẫn chưa đi được. Tôi thì bị đau bao tử, viêm khớp mãn tính mấy năm nay. Giờ lại đến thằng Tùng…”. Bà Tâm dừng lại nhường chỗ cho không gian im lặng và những giọt nước mắt lặng lẽ lăn tròn trên gò má hõm sâu sau bao đêm không ngủ.
Với Phạm Duy Tùng, nhớ lại những ngày cuối năm học Tùng rơm rớm nước mắt. Đang miệt mài ôn bài cho kỳ thi học kỳ II lớp 12, Tùng phát hiện một khối u nhỏ trên đùi phải. Khối u ấy cứ to dần lên kèm theo những cơn đau và sốt dữ dội. Tùng cắn răng chịu đựng để vượt qua được kỳ thi học kỳ. Thi xong, Tùng đến khám và điều trị hết trung tâm y tế này đến bệnh viện kia. Oái oăm thay, bệnh vẫn ngày một nặng hơn, Tùng được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây các bác sĩ kết luận Tùng bị sarcoma tại xương quy ước (một dạng ung thư xương) trên đùi phải.
Cầm kết quả trên tay, bà Lê Thị Tâm khóc suốt mấy đêm liền, đau buồn đến đổ bệnh. Còn ba Tùng thì nhiều đêm gần như thức trắng. Ai biết chuyện cũng ái ngại, tưởng cậu học trò Phạm Duy Tùng sẽ buông xuôi khi bệnh ung thư phát tác. Thế nhưng, với một nghị lực phi thường, Tùng vừa chống chọi với sự hành hạ của những cơn đau vừa chiến đấu với ba kỳ thi liên tiếp. Để rồi ngày công bố kết quả, Tùng trúng tuyển vào ngành kế toán – kiểm toán của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong niềm vui tột cùng của gia đình.
Chiến đấu không ngừng
Thầy Nguyễn Thanh Minh, giáo viên chủ nhiệm của Tùng, cho biết Tùng là một học sinh có học lực giỏi, đạo đức tốt, chăm ngoan, lại rất cần cù. Ba năm học cấp III, năm nào Tùng cũng là học sinh giỏi của lớp chuyên hóa. Năm lớp 12, Tùng đứng hạng nhì của lớp. Môn học có điểm thấp nhất là môn lịch sử với… 8,5 điểm! Trước ngày thi tốt nghiệp, bác sĩ khuyên Tùng nên điều trị cho hết bệnh rồi năm sau đi thi, nhưng Tùng nhất quyết không chịu.
Tùng cứ năn nỉ mẹ: “Mẹ ơi, con học suốt 12 năm trời mới có ngày này. Mẹ xin bác sĩ cho con đi”. Thương con, bà Tâm đến nài nỉ bác sĩ cho vừa lòng đứa con. Cảm động trước nghị lực của Tùng, bác sĩ phá lệ cho dời ngày xét nghiệm. Sau kỳ thi tốt nghiệp, vừa nhập viện được chục ngày Tùng lại đòi về để ôn thi đại học. Một lần nữa bác sĩ lại phải chịu thua sự “lì lợm” của Tùng.
Về nhà Tùng cứ bị sốt luôn, mê nhiều hơn tỉnh. Mỗi khi cơn đau hành hạ không chịu nổi, Tùng lại tìm đến thuốc giảm đau. Thuốc càng nhiều, người càng yếu nhưng Tùng vẫn quyết tâm không bỏ thi. Đêm trước ngày thi đầu tiên vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Tùng bị sốt dữ dội. Cứ ba giờ lại phải uống thuốc giảm đau và giảm sốt một lần. “Lúc ấy em uống thuốc còn nhiều hơn ăn cơm. Đến nỗi bây giờ thuốc đã trở thành nỗi ám ảnh” – Tùng nói.
Những ngày sau đó sức khỏe Tùng trở nên xấu hơn. Khối u ở chân nhức nhối đến nỗi Tùng phải gắng sức lắm mới đứng vững được, người thì nóng sốt dữ dội. Nhưng Tùng vẫn quyết chí đi thi. Trước khi đến phòng thi, Tùng uống liền hai viên thuốc hạ sốt để cầm chừng. “Chỉ có mấy giờ ngắn ngủi thôi mà mẹ” – Tùng trấn an mẹ. Thi xong môn cuối, mẹ Tùng lại tất tả đưa con vào Bệnh viện Chợ Rẫy để chuẩn bị cho đợt hóa trị đầu tiên. Tùng sẽ phải trải qua bốn lần hóa trị, mỗi lần cách nhau ba tuần.
Sau lần hóa trị đầu tiên đó, Tùng trông tiều tụy, hốc hác hơn, đùi phải sưng to, nổi mủ đỏ. Cơn đau hoành hành nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên khuôn mặt cậu học trò. Tùng kể: “uống thuốc buổi sáng là buổi chiều thấy tác dụng phụ ngay. Ăn gì vào cũng ói ra, lưỡi gần như không còn cảm giác. Tóc cũng rụng đi nhiều rồi”.
A.LỘC – T.GIANG (TTO)
Bình luận (0)