Bệnh nhân Samkia đang được bộ đội biên phòng Đồn Vĩnh Gia điều trị vết thương |
Đem chuyện mô hình “dân quân y” nói với các cán bộ ở Phòng Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, các anh bảo: “Ối dào, tưởng chuyện gì chứ muốn biết chuyện quân dân y kết hợp hiệu quả như thế nào, các anh cứ đến Đồn biên phòng Vĩnh Gia. Có khối chuyện cho các anh ghi…”.
1. Chưa dứt ngụm trà xã giao với Trung tá – Đồn trưởng Lê Xuân Thị thì ngoài cổng trạm xá có người đến cấp cứu, đó là một bệnh nhân Campuchia. Bằng một giọng tiếng Việt lơ lớ, người đàn ông tên Lót đi cùng bảo, bệnh nhân tên là Samkia, người huyện Kiri Vong, tỉnh Takeo cách trạm khoảng 3 cây số. Sáng nay, khi đang dùng xe bò kéo lúa chẳng may bò trở chứng khiến xe bị lật, Samkia né không kịp nên bị cây sắt đâm vào cổ… Sau khi chuyển Samkia vào phòng sơ cứu để các y tá tiến hành kiểm tra, anh Lót cho biết thêm, từ ngày có Trạm quân y Đồn biên phòng Vĩnh Gia đến giờ (từ năm 2005), mỗi bận gia đình anh và hàng xóm có bệnh đều được chuyển qua đây. Một phần vì Bệnh viện huyện Kiri Vong cách xóm anh rất xa (khoảng 50 cây số), đường sá đi lại khó khăn, phần vì các anh bộ đội biên phòng ở đây làm việc cẩn thận, nhiệt tâm nên anh cảm thấy an tâm. Anh tâm sự: “Thực ra lúc trước mình cũng chưa tin các anh ở đây lắm, nhưng một lần người hàng xóm bị đau ruột thừa chuyển qua đây được các anh sơ cứu, sau đó còn nhờ xe cấp cứu từ thiện chở lên Bệnh viện Châu Đốc chữa trị kịp thời nên giữ được tính mạng. Sau lần đó mình tin các anh luôn…”. Câu chuyện giữa tôi và anh Lót vừa kết thúc cũng là lúc các y tá đưa Samkia ra ngoài, vết thương Samkia không trúng nơi nguy hiểm, đưa đến trạm kịp thời nên không bị mất máu nhiều, khâu xong uống thuốc là khỏi. Biết chuyện, Lót quay sang người y tá nói: “Cám ơn các anh bộ đội biên phòng Việt Nam nhiều lắm…”.
2. Đang nằm vô nước biển, thế nhưng khi nghe có khách đến thăm, bà Trần Thị Lê Mai (xã Vĩnh Phú, Giang Thành, Kiên Giang) vẫn gượng dậy để tỏ lòng biết ơn vì có trạm quân y. Bà bảo, trước khi có trạm quân y này người dân chúng tôi mỗi khi có bệnh chẳng biết đi đâu cả. Lên huyện thì xa quá mà lại tốn kém nên khi có bệnh hầu hết người dân chỉ biết gắng gượng cho qua cơn. Không chỉ sơ cứu và điều trị cho bệnh nhân đến trạm, nhiều trường hợp bệnh quá nặng các chiến sĩ quân y còn đích thân đến nhà thăm khám, bất kể trời mưa hay nắng, mùa lũ hay mùa khô. Chính điều đó đã làm cho người dân sống chung quanh trạm càng thêm tin tưởng. Ông Danh Tha (ngụ ấp Vĩnh Lợi, Vĩnh Điều, Giang Thành, Kiên Giang) cho biết: “Mùa lũ năm ngoái, người nhà tui sốt mấy ngày nhưng không ra trạm khám được vì đường sá ngập lụt đi lại khó khăn. Vậy mà khi nhận được điện các anh đã cho người đến tận nơi thăm khám. Tui mừng lắm…”. Có một điều thú vị nữa đã tạo nên uy tín của trạm quân y đó là khả năng sơ cứu và chữa trị như một bệnh viện “đa khoa”. Đồn trưởng Lê Xuân Thị hóm hỉnh nói: “Từ nội khoa, ngoại khoa, nha khoa, nhi khoa… anh em ở đều chữa trị được cả. Chỉ có một khoa duy nhất mà hôm trước có người nhờ nhưng các anh từ chối đó là… đỡ đẻ!”.
3. Để tạo được niềm tin trong nhân dân, cán bộ chiến sĩ Trạm quân y Đồn biên phòng Vĩnh Gia đã phải hi sinh một phần cuộc sống cá nhân của mình. Thượng úy Cao Ngọc Khuê, Chính trị viên phó của đồn cho biết: “Đồn được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giao thành lập trạm “quân dân y” điểm vào năm 2005, hiện trạm có tổng cộng 5 người, trong đó có 1 bác sĩ, 1 nha sĩ, 1 dược sĩ và 2 y tá…”. Tuy số người ít nhưng lượng công việc hàng ngày khá cao, trung bình mỗi ngày có từ 40-50 lượt người đến khám chữa bệnh nên anh em phải làm việc rất vất vả mới có thể hoàn thành nhiệm vụ…”. Bên cạnh số lượng bệnh nhân cao, đặc điểm giờ giấc của bệnh nhân cũng khiến công việc của các anh thêm phần vất vả. Nhà cách đồn khoảng 50km lại vừa mới cưới vợ không lâu, thế nhưng Trung úy Ngô Quang Trung rất ít có thời gian rảnh để về nhà. Anh bảo: “Đa số bệnh nhân ở đây đều là nông dân nên giờ giấc thất thường lắm, có khi họ đến khám từ lúc gà chưa gáy, khi lại đến lúc đỏ đèn. Giờ nào mình cũng phải khám… nên quên mất việc phải dành thời gian cho gia đình… Có khi cả tháng mới về nhà một lần”.
4. Tuy vất vả, song các anh cũng không được hưởng thêm bất kì khoản nào ngoại trừ vài trăm ngàn đồng/tháng nằm trong chế độ bồi dưỡng trực. Đồn trưởng Thị liệt kê các khoản thu: “Người dân nước bạn Campuchia không thu phí, gia đình chính sách, có công, người nghèo miễn phí, người khác mỗi lần khám chỉ thu khoảng từ 15-20 ngàn đồng. Số tiền ấy chúng tôi chỉ dùng bổ sung vào cơ số thuốc ở trạm là chính…”. Nói thì nói vậy, song ai cũng tỏ quyết tâm gắn với công việc hiện tại của mình. Bởi với các anh, việc mỗi ngày được viết nên câu chuyện về tình quân dân ở trạm quân y mới là điều hạnh phúc nhất.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh
Bình luận (0)