Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Đội quân “du mục” ở vùng đất chín rồng

Tạp Chí Giáo Dục

Những túp lều “lý tưởng” để che mưa gió của đội quân “du mục” cắt lúa mướn
Họ là những người sống đời “du mục”. Họ là những đội quân cắt lúa mướn, lang thang rày đây, mai đó khắp các tỉnh, thành ở vùng đất chín rồng khi mùa lúa chín…
1. Chiều nay, trời lại mưa. Mưa như trút nước. Nước ở sông, ở ruộng đang lên rất nhanh, tất cả mấp mé nước. Lều của chị Liêu Thị Vân dựng tạm ven quốc lộ 91B, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ căng lên chống mưa. Trong lều có củi khô, có gạo và một số thức ăn được chuẩn bị sẵn. Là hàng xóm của nhau ở thị trấn Hưng Lợi, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng nên khi đi làm ở đây, chị Vân và chị Hiền cũng dựng lều chung nhau. Chị Vân lấy những cây khoai mì khô chị tìm được ven đường, vuốt cho hết mắt, để làm giàn đựng bát, đĩa. Mưa càng lúc càng lớn, gió thổi mạnh. Cả 3 người trong lều cùng tôi phải chia làm 4 góc để giữ đừng cho tấm bạt bị tróc cọc, bay đi.
Vừa giữ lều, chị Hiền vừa nói: “Bữa trước đi cắt lúa về, cái lều bay mất tiêu, đồ đạc nằm chỏng chơ… Có đêm đang ngủ, gió thốc một cái, lều bay. Trời tối đen nên phải ngồi trùm đỡ cái bao chịu trận dưới mưa chờ trời sáng”. Mưa tạnh, chị Vân tất tả nấu cơm để lát nữa trời tối, không đèn đóm, không thể nấu cơm được. Củi ướt, chị Vân trầy trật mãi đến khi bếp cháy thì khói đã đầy lều…
Mưa lớn, đồng ngập nước, lúa ngã rạp xuống. Chị Hiền lẩm bẩm: “Không biết ngày mai người ta có kêu cắt lúa không. Bây giờ, ai cũng thuê máy gặt đập liên hợp hết”. Thật vậy, ở ĐBSCL, máy gặt đập liên hợp chạy từ sáng đến chiều, bà Nguyễn Thị Hào, ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, tính nhẩm: “Thuê người cắt 1 công bằng thuê máy cắt 2 công. Máy cắt xong, suốt rồi chở lúa ra tận bờ kênh, nên đỡ công gom, suốt lúa và đỡ phải rải rơm nữa. Chỉ cánh đồng nào máy gặt đập liên hợp không chạy được, người ta mới thuê công cắt thôi”.
Với những cánh đồng ngập nước, công cắt sẽ đội giá cao hơn; có khi lên trên 300.000 đồng/công cắt, chưa kể tiền gom lúa, suốt lúa… Chị Hiền nói: “Mỗi chuyến đi về kiếm được từ 2 đến 3 triệu đồng để xoay xở các khoản chi tiêu trong nhà, cũng đỡ lắm! Nhưng không biết người ta có thuê không?”…

Cậu bé Thạch Tiên (12 tuổi ở Thạnh Trị, Sóc Trăng) gia nhập vào đội quân “du mục” cắt lúa mướn từ nhiều năm nay

2. Thành viên nhỏ nhất trong lều của ông Châu Đẹt, 63 tuổi ở xã Châu Hưng, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng là Thạch Tiên – 12 tuổi. Đáng nhẽ năm nay Tiên sẽ vào lớp 6, Trường THCS thị trấn Hưng Lợi (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) nhưng giấc mơ đến trường giờ đây đã xa vời vợi khi Tiên bắt đầu cuộc hành trình du mục này. Hai cậu cháu của Tiên vừa ở Cà Mau về, nghe nói đồng Cần Thơ cần công cắt thế là chỉ kịp ghé nhà đưa cho mẹ Tiên mấy trăm ngàn đồng tiền công rồi “dù” lên đây vì sợ người ta cắt hết. Ăn cơm xong, Tiên lôi đồ nghề ra. Đây là cây liềm của cậu, đây là cây liềm của Tiên. Tiên ít nói, câu chuyện về Tiên được người cậu ruột – Lâm Nêl nói giúp. Rằng Tiên đã theo cậu từ hồi đầu hè năm nay, Tiên cũng náo nức khi ở Cà Mau về Sóc Trăng để được nhập học, nhưng vừa về đến nhà, mẹ Tiên đã quyết định gửi Tiên theo cậu tiếp tục đi Cần Thơ – có nghĩa là nghỉ học luôn. Tiên không khóc cũng không biết em có buồn không vì dường như em hiểu được cuộc sống của mình phải gắn với những chuyến “du mục” như thế này ngay từ khi Tiên chưa cầm nổi cái liềm để gặt lúa. Khi đó, các chuyến đi của Tiên chỉ là gom lúa, bắt ốc, bắt cá, hái rau để chuẩn bị bữa cơm khi cậu về… Nhưng có điều khác là sau mỗi mùa hè, Tiên lại được về để đi học. Còn lần này, mùa hè sẽ không bao giờ chấm dứt với Tiên. Nói đến đây, Tiên chợt lên tiếng: “Năm rồi, con được học sinh tiên tiến đó cô…”, rồi giọng của cậu bé chùn xuống trong tiếng mưa lộp độp rơi xuống mái lều ven kênh.
3. Cuộc sống “du mục” làm thuê dường như trở thành thói quen của các thế hệ trong nhiều gia đình ở một số xã, thị trấn của huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Nhà này đi một chuyến có ít tiền, nhà khác cũng bắt chước nên lập thành từng đoàn. Ngày trước, phương tiện đi lại khó khăn nên bà con cùng thuê một chiếc ghe thật lớn để đi. Đi ghe một thời gian thì chuyển sang phương tiện xe đò. Thành quả sau mỗi chuyến cật lực cắt lúa thuê là sắm xe gắn máy để lưu thông, di chuyển từ nơi này sang nơi khác nhanh chóng và thuận tiện hơn. Chị Lâm Thị Chanh Đa, ở xã Lâm Khiết, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, nói: “Vợ chồng tôi vừa nhận điện thoại của chủ đồng, lập tức gom đồ nghề (cao su, nồi cơm, bếp dầu…) giong xe lên đây. Có phương tiện riêng nên tụi tui chủ động hơn về thời gian, mất 3 tiếng là đến đây. Thời này, ai cũng có điện thoại nên thông tin liên hệ thuê cắt lúa thuận lợi lắm”. Cắt xong cánh đồng này, vợ chồng chị Đa tranh thủ chạy về nhà thăm con, gửi chút ít tiền nhờ bà ngoại lo cho cháu, rồi quày quả chạy sang cánh đồng khác gặt lúa thuê. Chị Đa chia sẻ: “Mỗi chuyến cũng kiếm được vài triệu đồng. Vợ chồng tôi đi suốt nhưng không cho con theo, phải để cho nó ở nhà học hành. Hơn nữa, hai đứa nhỏ đi học được Nhà nước hỗ trợ tiền hàng tháng, rồi nhà trường, mạnh thường quân còn tặng tập vở, quần áo nữa nên không tốn kém nhiều. Vợ chồng tôi cố gắng làm lụng lo cho các con học hành đến nơi đến chốn, để sau này có cuộc sống sáng sủa hơn cha mẹ”.
4. Mỗi tối, chị em trong các lều xúm vào chuyện trò, tâm tình đủ chuyện. Người nói về căn nhà mới toanh được chính quyền địa phương xây tặng, cảm động khôn xiết; người khoe con năm nay đạt danh hiệu học sinh giỏi, nhà trường tặng giấy khen, hãnh diện hết sức… Những câu chuyện vui buồn của những nhân công cắt lúa mướn rày đây mai đó cứ đan xen, bất tận đã làm đêm ngắn lại, người thêm gần nhau và chuyến mưu sinh vơi bớt gian nan, để hướng tới những hy vọng tốt đẹp về tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ tiếp nối.
Bài, ảnh: Quốc Bảo

Bình luận (0)