Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Các trường cao đẳng: Lúng túng trong kiểm định chất lượng

Tạp Chí Giáo Dục

SV Trường CĐ Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) tìm tư liệu tại phòng thư viện của trường. Ảnh: M.T

Ngày 25-11, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị sơ kết công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trường cao đẳng (CĐ). Đa số các trường đều cho rằng, kiểm định là một khái niệm còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Chính vì vậy, khi đi vào thực tế, các trường còn rất lúng túng, nhất là đối với các trường CĐ.
Tự đánh giá: Sai lệch còn nhiều
Theo TS. Phạm Xuân Thanh, Phó cục trưởng Cục KT&KĐCLGD, Bộ GD-ĐT thì tính đến tháng 11-2010, có 134/224 trường CĐ đã thành lập hội đồng tự đánh giá, 139 trường thành lập trung tâm, phòng, hoặc tổ đảm bảo chất lượng. Trong số này đã có 85 trường hoàn thành báo cáo tự đánh giá lần 1 và 19 trường nộp dự thảo báo cáo lần 2. Như vậy đã có gần 40% số trường CĐ hoàn thành báo cáo tự đánh giá, vượt chỉ tiêu phấn đấu theo NQ 05 của Ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT đề ra 10% (mục tiêu phấn đấu đến 2010 có ít nhất 30% số các trường ĐH, CĐ hoàn thành báo cáo tự đánh giá). Tuy nhiên, cũng theo ông Thanh, đến nay vẫn còn tới 40 trường CĐ chưa thành lập đơn vị chuyên trách về vấn đề này. Không những thế, vấn đề tự cho điểm của các trường cũng còn nhiều điều phải bàn. Cụ thể, trong số 107 trường tự đánh giá và cho điểm gửi kết quả về Bộ GD-ĐT chỉ có 10,3% có kết quả chấm bằng điểm với bộ chấm. Trên 25% chấm thấp hơn bộ chấm nhưng có tới trên 54% chấm cao hơn bộ chấm. Trường chấm chênh cao điểm nhất là 5,5 điểm.
Còn nhiều lúng túng
Khi được hỏi, các trường CĐ đều cho rằng kiểm định là một vấn đề mới. Vì đối với ĐH, khái niệm kiểm định được ra đời từ năm 2004 nhưng với CĐ mãi đến năm 2007 vấn đề này bắt đầu được đề cập. Trong khi đó, ở thế giới, họ đã làm kiểm định được cả chục năm nay và thực sự đã có thương hiệu. Bà Phạm Mai Hồng, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội cho biết, những ngày đầu làm công tác tự đánh giá, trường gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các cán bộ công nhân viên, giảng viên được giao nhiệm vụ ai cũng ngại vì không biết bắt đầu từ đâu. Bà Chu Thị Minh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Y tế Thái Nguyên thì cho biết đây là một công việc khá mới với các trường CĐ, đặc biệt là với đội ngũ cán bộ giảng viên trẻ. Nhóm chuyên trách có nhiều người tham gia nhưng ít có kinh nghiệm thực tiễn, tư tưởng đại khái nên chất lượng bài viết chưa tốt. Đặc biệt, bà Minh cũng như bà Hồng đều cho rằng khó khăn nhất trong việc tự đánh giá của các trường đó là đi tìm minh chứng. Cụ thể, theo bà Minh, trường thiếu một số minh chứng quan trọng ở một vài tiêu chí như tỷ lệ sinh viên có việc làm, mức thu nhập sau khi ra trường, góp ý cho tài liệu giảng dạy. Đồng tình với quan điểm này, đại diện của Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Thái Bình cho rằng, việc kiểm định tiêu chí 2 trong tiêu chuẩn 4 về công khai số liệu thống kê hàng năm về người tốt nghiệp và có việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo là rất khó khăn do hiện nay công tác thống kê nói chung, công tác thống kê trong đào tạo nói riêng còn nhiều bất cập. Hơn nữa xác định thế nào là có việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo không phải là điều dễ dàng đạt được sự thống nhất cao. Đại diện của trường đến từ tỉnh Thái Bình cũng nêu thêm khó khăn trong việc đánh giá theo tiêu chí. Cụ thể tiêu chí chương trình giáo dục được thiết kế theo hướng đảm bảo liên thông với các trình độ đào tạo và chương trình giáo dục khác là một tiêu chí khó kiểm định một phần vì yêu cầu thiên về định tính, một phần vì chương trình giáo dục của các trường có sự khác nhau nhất định.
…Và “quên” nhiều thứ
Trong khi đó, theo TS. Phạm Xuân Thanh, do kiểm định mới được đưa vào Việt Nam nên Cục KT&KĐCLGD, Bộ GD-ĐT chỉ đưa ra những tiêu chí đánh giá ở mức độ tối thiểu. Bộ chỉ đề ra mục tiêu nếu các trường có ít nhất 80% số tiêu chí đạt yêu cầu thì sẽ được công nhận. TS. Thanh cho hay, nếu các trường đảm bảo theo đúng điều lệ thành lập trường CĐ, ĐH thì các trường cũng đã đạt được yêu cầu. Tuy nhiên, TS. Thanh cho rằng nhiều trường đã bỏ “quên” nhiều tiêu chí quan trọng trong điều lệ thành lập trường nên mới dẫn đến lúng túng. Trong điều lệ thành lập trường cũng đã yêu cầu hàng năm các trường phải công khai tuyển sinh, tỷ lệ sinh viên có việc làm… nhưng suốt một thời gian dài vừa qua, các trường đã không làm việc này. Hay như hai vấn đề mà các trường hay vấp phải hiện nay trong tự đánh giá đó là hội đồng trường và quy chế hoạt động của nhà trường. Nhưng trong điều lệ thành lập trường cũng đã quy định vấn đề này. Cơ sở vật chất cũng là một vấn đề đối với các trường CĐ hiện nay.
Theo TS. Thanh, trong năm 2011 và 2012 sẽ thành lập 3 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH, TCCN. Xây dựng chương trình và mỗi năm sẽ đào tạo 350 chuyên gia đánh giá ngoài. Được biết, trung tâm kiểm định đầu tiên của Việt Nam được thành lập năm 1995 của ĐHQG Hà Nội.
Cho đến nay, chưa có một trường CĐ nào trên cả nước hoàn thành đánh giá ngoài. Như vậy, trong thời gian tới, công việc kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trường CĐ của Việt Nam sẽ còn nhiều việc phải làm.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)