Sáng 24-11, Công đoàn (CĐ) ngành giáo dục TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động: “Dân chủ – kỷ cương – tình thương – trách nhiệm” và sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Tình thương của người thầy được nhân lên
Ông Nguyễn Hữu Hùng – Chủ tịch CĐ ngành giáo dục TP khẳng định: Trong quá trình triển khai cuộc vận động: “Dân chủ – kỷ cương – tình thương – trách nhiệm”, các đơn vị đã biết gắn với nhiều phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn như phong trào “Hai tốt”, “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”…
Kết quả, sau 5 năm thực hiện cuộc vận động này đã làm chuyển biến rõ rệt nhận thức của mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ. Ban giám hiệu đã gần gũi, sâu sát với GV, CNV, lắng nghe và giải quyết những bức xúc của cấp dưới. Từ đó tạo được môi trường sư phạm đoàn kết và thân thiện.
Cụ thể như ở Trường Mầm non 19-5, “Thực hiện công khai về các khoản đóng góp, tài chính, tài sản, kế hoạch phát triển, tuyển sinh, công khai các hình thức xét – bình chọn thi đua khen thưởng, đánh giá xếp loại cán bộ, công chức”, bà Mai Thanh Ngọc – Chủ tịch CĐ nhà trường cho biết.
Cũng thông qua cuộc vận động này, đội ngũ CB, GV, CNV trong các trường học đã ý thức hơn về trách nhiệm của mình đối với công việc được giao.
Đặc biệt, cuộc vận động đã tiếp tục phát huy những phẩm chất cao quí của nhà giáo, không chỉ bằng năng lực mà bằng cả tấm lòng, tình yêu thương đối với học sinh. “Đội ngũ nhà giáo tận tụy với học sinh, theo dõi từng bước đi, tiến bộ của các em, không có sự phân biệt đối xử giữa em này với em kia. Nhiều thầy, cô còn nhường cơm, sẻ áo cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Chủ tịch CĐ ngành giáo dục Q.Tân Phú chia sẻ.
Nhiều tấm gương tiêu biểu
Trước yêu cầu của ngành về đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục, ngành GD-ĐT TP.HCM đã có chủ trương thực hiện dạy học cá thể, thay đổi tư duy về phương pháp dạy học. Theo đó, với cuộc vận động: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và tự sáng tạo”, nhiều nhà giáo tranh thủ thời gian, khắc phục khó khăn để tự học, tự sáng tạo.
Điển hình như cô Nguyễn Thị Thanh Hằng – giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình đã có nhiều sáng tạo trong việc rèn học sinh viết chữ đẹp, đào tạo học sinh giỏi. Hay như thầy Tuấn Anh – giáo viên Trường THCS Bạch Đằng, Q.3 đã thiết kế những giáo án điện tử, đồ dùng dạy học cho môn giáo dục công dân. Thầy Nguyễn Văn Cải – giáo viên Trường THPT Quang Trung, Củ Chi luôn tìm tòi, cải thiện những tiết văn của mình sao cho sinh động và thu hút học sinh.
Ông Nguyễn Minh Đáng – Phó chủ tịch CĐ ngành giáo dục Việt Nam nhận xét: “Thông qua hai cuộc vận động này, mỹ quan trường học, môi trường sư phạm tại các trường học trên địa bàn thành phố đã tốt hơn. Thầy cô yêu thương, gần gũi hơn với học sinh, coi học sinh như con em ruột thịt của mình. Các cuộc vận động đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục của TP.HCM nói riêng và ngành giáo dục cả nước nói chung”.
Gia Nguyên
Bình luận (0)