Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

4 tấm thân vật vã trước thềm xuân

Tạp Chí Giáo Dục

Bà cụ xấp xỉ 90 tuổi nhẫn nại xoa bóp cho đứa cháu đang sống những ngày cuối cùng với căn bệnh ung thư quái ác; cạnh đó, người phụ nữ ôm đứa con nằm bất động tuôn trào nước mắt. Với họ, nỗi bất hạnh đã cướp đi hơi ấm mùa xuân…

Hai đứa con bị bệnh hiểm nghèo, cuộc sống của chị Hải và cụ Kỷ khốn khổ cùng đường. Ngày nào mẹ con cụ Kỷ cũng đau nhói vì chứng kiến cảnh hai tấm thân vật vã, la hét vì những cơn đau. Con bị ung thư là đồng nghĩa với cái chết. Biết con thế nào cũng không qua khỏi chị Hải đã vắt tâm lực làm mọi thứ để con có chút niềm vui nhỏ nhoi trước khi từ giã cõi trần. Chị gom góp lo cho con bát cháo, cái áo ấm… những thứ mà đáng ra dành cho người mẹ xấp xỉ tuổi 90 của chị. Những ngày chị bán sức kiếm tiền, ở nhà cụ Kỷ cũng chăm chút hai cháu đứa thìa cháo, đứa chén nước sôi để nguội. Chứng kiến cuộc sống Hải, Trung chúng tôi tin phía sau nỗi bất hạnh về bệnh tật hai em cũng đã có được niềm vui về tình mẫu tử, ruột thịt của người mẹ, người bà.

Thôn Vạn Phúc Trung, xã Trường Sơn, Đức Thọ, Hà Tĩnh những ngày cuối năm đã ít nhiều chuyển động không khí tết. Những ngôi nhà rủ rêu phong đã được chỉnh trang lại. Niềm vui đón con cái học hành, đi làm ăn xa trở về quê càng khiến ngôi làng thêm sôi động. Duy có một ngôi nhà trầm mặc, như bị mùa xuân bỏ quên – đó là ngôi nhà của mẹ con cụ Trần Thị Kỷ và chị Lê Thị Hải.

Nỗi bất hạnh tận cùng

Bước vào căn nhà tồi tàn ấy mới chứng kiến một cảnh tượng thật xót thương. Bà cụ Kỷ năm nay đã ngót nghét 90, tóc bạc trắng, gầy khô, ngồi xoa bóp cho đứa cháu ruột đang trong cơn đau dữ dội. Trên chiếc giường gỗ cũ kỹ, lót tạm tấm nệm bông, người mẹ gào khóc khi đứa con trai lên cơn co giật. Nhìn lên bàn thờ có một tấm ảnh, cứ ngỡ đó là di ảnh của người quá cố. Không, người trong ảnh vẫn sống, đó là chàng trai 26 tuổi đang mang trong mình căn bệnh quái ác, cuộc đời của anh chỉ còn tính được bằng ngày.

Những hình ảnh ấy càng khiến câu chuyện về nỗi bất hạnh của gia đình chị Hải thêm u uất. Chồng đổ bệnh rồi qua đời khi 2 đứa con trai còn nhỏ, con trở thành chỗ dựa tinh thần lớn nhất của chị Hải. Nén đau thương, chị lăn lộn kiếm tiền nuôi con khôn lớn. Vai chị đã gầy mòn, nhưng gánh nặng nợ nần và sự nghèo đói vẫn đeo đẳng mẹ con chị theo năm tháng.

Bất hạnh chưa buông tha chị. Cháu Lê Hoài Trung – đứa con thứ hai của chị – sinh ra là một đứa trẻ bình thường nhưng càng lớn cơ thể càng tong teo. Rồi Trung bị bại liệt hẳn, ăn nằm một chỗ. Thương con, chị Hải vay mượn, bán cả nhà cửa, vườn tược, chạy chữa thuốc men nhưng không có kết quả.

Bốn con người bất hạnh (Ảnh: Trí Thức)

Không còn nhà ở, chị Hải dắt díu 2 con về nhà mẹ đẻ là cụ Trần Thị Kỷ, lúc đó, cụ Kỷ đã bước sang tuổi 86, không còn sức lao động. Mẹ già yếu, con bị bệnh, bản thân không nghề nghiệp, cuộc sống của gia đình chị Hải như rơi vào chốn tuyệt vọng. Hy vọng còn lại của chị Hải chỉ còn lại đứa con trai đầu, Lê Hoài Nam, sinh năm 1983. 
Sớm mồ côi cha, hoàn cảnh gia đình khó khăn thiếu thốn đủ bề, Nam đã phải bỏ học sớm đi làm thuê giúp mẹ và nuôi đứa em tật nguyền. Cách đây 2 năm, lúc đang kiếm tiền phụ giúp mẹ Nam thấy mình bỗng đau thắt ở bụng. Nghĩ đấy chỉ là những cơn đau xuất phát từ công việc lao động nặng nhọc Nam giấu mẹ gắng chịu những cơn đau. Khi không còn chịu được những cơn đau dữ dội, Nam bảo mẹ đưa đến bệnh viện khám thì đã quá muộn. Nam bị bệnh ung thư.

Cám cảnh những ngày còn lại

Tấm ảnh trên bàn thờ là của Nam, được chị Hải thuê thợ chụp cách đây 6 tháng. Nhìn bức ảnh Nam trong bộ đồ vét màu đen, mái tóc rẽ ngôi giữa, khó ai tin người thanh niên ấy giờ giống như bộ xương khô, vật vã trên tay bà cụ già nua. “Giai đoạn ấy, căn bệnh ung thư bắt đầu phát giữ dội trong con người em nó. Nghĩ con ra đi bất cứ lúc nào, chị đành chụp vội bức ảnh để có cái thờ khi em nó mất” – chị Hải nhìn lên tấm ảnh, tuôn trào nước mắt, kể lại.

Mỗi ngày trôi hai mẹ con cụ Kỹ thay nhau chăm sóc hai tấm thân bị những căn bệnh quái ác (Ảnh: Trí Thức)

Chúng tôi ra về khỏi căn nhà của chị Hải khi năm mới đã về đầu ngõ. Không có hơi xuân trong mái nhà nghèo khổ, bất hạnh này. Ở đó, chỉ có 4 tấm thân đang dựa vào nhau, vật vã sống nốt những ngày đớn đau, bất hạnh.

 Trí Thức – Văn Dũng ( Theo Dantri )

Bình luận (0)