Vào giờ ăn, mỗi cô có khi phải đút cho 3 – 4 bé ăn một lúc |
Một buổi sáng, tôi gọi điện cho chị Trần Thị Ngọc Lan – Hiệu trưởng Trường Mầm non 20-10, Q.1 và nói: “Chị có thể sắp xếp cho em vào dạy ở trường một ngày để hiểu về công việc của giáo viên mầm non được không?”. Chị cười, trả lời: “Ừ, cho em dạy cả tuần luôn. Như vậy mới thấm”…
Vào nghề…
Khoảng 6 giờ 15, tôi dắt xe ra khỏi nhà để có mặt ở Trường Mầm non 20-10 vào lúc 7 giờ kém 15. Cũng như tất cả những giáo viên khác, tôi phải quét dọn và thông thoáng lớp học.
“Cô ơi, con chào cô”… Tôi vừa kịp dừng tay thì cũng là lúc các bé lần lượt được cha mẹ đưa vào lớp. Lớp có 37 cháu mà chỉ có 2 giáo viên nên mỗi cô phải “gánh” gần 20 bé. Đối với các bé đã gắn bó với trường lớp từ 4-5 tháng đến 1 năm thì mỗi ngày đến trường thật sự là một ngày vui. Nhưng ngược lại, với những bé mới đi học được 1-2 tháng, nhất là những bé mới vào lớp được vài ngày thì mỗi ngày đến trường là một ngày “vật lộn” giữa cô và trò.
Hôm nay là ngày đầu tiên bé Minh Thư đi học. Vừa giao bé cho tôi, chị Phương Minh vừa nói: “Năm ngoái, lúc đó bé 2 tuổi, tôi đã gửi bé vào trường mầm non gần nhà. Đi học được 3 ngày, bé nhất định không chịu đi nữa. Cứ đến giờ chuẩn bị đi học là bé khóc, nản quá chúng tôi đành phải cho ở nhà. Năm nay, lúc đầu cho bé học ở trường mầm non bên P.Phạm Ngũ Lão, nhưng cũng chỉ được 2 ngày là bé không chịu đi. Sau đó chúng tôi phải cho bé ở nhà gần hai tháng, nay xin vào đây. Trăm sự nhờ cô giáo…”. Chị Phương Minh vừa quay lưng bước đi là bé Minh Thư òa khóc. Thấy chị Phương Minh ngoái lại, đồng nghiệp của tôi nói: “Chị cứ đi đi, để cháu cho chúng tôi”. Sau đó tôi và đồng nghiệp phải thay nhau nghĩ ra đủ trò để bé Minh Thư không khóc. Có những lúc bé đang chơi vui vẻ với bạn, bỗng dưng nhớ đến mẹ thế là lại bật khóc…
Hơn 10 giờ, tôi bước vào lớp Gấu bông 3 – Trường Mầm non Bến Thành, Q.1. Lúc này đang là giờ ăn, hầu hết các bé đều ngồi nghiêm chỉnh vào bàn ăn. Nhưng cũng có một vài bé nước mắt ngắn, nước mắt dài ngóng nhìn ra cửa… chờ đợi. Nhìn thấy tôi mặc đồ không giống cô giáo, bé Huy đang khóc bỗng nín ngay. Tôi đi đâu, bé lẽo đẽo bước theo đó cứ như hình với bóng. Đến khi tôi bước sang lớp Gấu bông 1 thì bé khóc nức nở. Chị Tôn Nữ Kim Anh – Hiệu trưởng nhà trường thốt lên: “Trời đất, đáng lý chị không nên cho em vào lớp Gấu vào giờ này. Vì cứ nhìn thấy ai mặc đồ không giống cô giáo là các bé tưởng ba, mẹ tới đón về. Nên nếu không được về các bé sẽ khóc, nhất là những bé mới đi học”…
Tại lớp Gấu 1, lớp có hơn 40 bé được chia làm nhiều nhóm. Một nhóm thì ngồi chơi, nhóm khác được cô giáo thay quần áo, nhóm nữa thì ăn. Đặc biệt có một nhóm đang… ngồi bô. Một giáo viên nói: “Ở trường mầm non là vậy đó. Giáo viên cứ phải xoay như chong chóng, vừa đút cho bé này ăn, vừa phải trông bé kia… ị”.
Từ nỗi buồn…
Năm 2008, khi đã có kinh nghiệm 2 năm trong nghề nuôi dạy trẻ, Đặng Thị Thủy – giáo viên Trường Mầm non Bến Thành, Q.1 tiếp nhận một học sinh vô cùng đặc biệt – đó là bé V.L. Nếu chỉ nhìn hình thức bên ngoài thì ai cũng thích bé, bởi V.L trắng trẻo và rất khôi ngô. Thế nhưng mười ngày như một, vào lớp bé không chơi với ai, cô giáo hỏi cũng không thèm trả lời. “Hơn một tuần quan sát bé, tôi thấy hình như bé bị bệnh tự kỷ nên nói phụ huynh đưa bé đi khám. Kết quả, bé mắc chứng bệnh tự kỷ. Và theo yêu cầu của bác sĩ, thỉnh thoảng bé phải đi tái khám. Lần nào cũng vậy, cứ đi tái khám về là bé sợ người và ánh sáng. Vào lớp thấy cô giáo và các bạn là bé chui vào một góc để ngồi, thấy ánh sáng thì bé lấy tay che mắt lại. Nhìn thấy bé như vậy, chúng tôi rầu lắm. Song, không thể bỏ bé được. Tôi dành nhiều thời gian cho bé hơn, trò chuyện và chơi với bé. Hết học kỳ I, khi cô giáo hỏi thì bé đã biết cười thay vì im lặng như trước đây. Hết năm học, bé nhận biết được ai là cô giáo”, Thủy kể lại.
Một giáo viên ở Trường Mầm non 12, Q.Tân Bình cũng cho biết, lớp có gần 50 cháu nhưng chỉ có 2 giáo viên nên chuyện các cháu cào cấu, thậm chí cắn nhau cũng là chuyện khó tránh khỏi. Một lần, bé Trang bị bạn xô té xuống đất gãy tay. Lúc ấy, chị đã gọi điện báo với phụ huynh, còn bản thân thì đưa bé tới bệnh viện. Sau khi bó bột cho bé, bác sĩ nói: “Bé còn nhỏ nên xương dễ gãy, tuy vậy cũng dễ lành”, nghe vậy chị thấy nhẹ cả người. Thế nhưng phụ huynh của bé thì không buông tha. Mẹ bé cứ sa sả vào mặt chị rằng làm cô giáo mà không có trách nhiệm, không có tình thương…
Chị Thanh Vân – giáo viên mầm non trên địa bàn Q.5 kể về một kỷ niệm mà suốt đời chị cũng không quên. Năm đó, chị chủ nhiệm lớp Chồi 3. Trong lớp có bé Quang rất nghịch, bé thường xuyên giành đồ chơi với các bạn, nếu bạn không đưa thì dùng vũ lực. Giờ ăn, bé lấy muỗng múc thức ăn của bạn đổ xuống đất. “Một lần bực quá, tôi đã phát vào mông bé một cái. Sáng hôm sau, vừa gặp tôi phụ huynh của bé nói ngay: “Cô à, mẹ cháu đang ở tù, còn tôi mới ra tù nên việc chăm sóc cháu trông cậy vào cô. Nếu cháu hư, cô cứ đánh”…”. Từ giọng nói của vị phụ huynh này, tôi thấy được sự hăm dọa. Đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn run…”, chị Thanh Vân cho biết.
… đến niềm vui
Những ngày đi thực tập ở trường mầm non, Thủy – giáo viên Trường Mầm non Bến Thành được nghe các “tiền bối” kể về những tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào đối với trẻ… Các “tiền bối” kể rằng: Có phụ huynh đưa con (3 tuổi) vào lớp nhưng không giao tận tay cho cô giáo. Còn cô giáo thì mải lo dỗ dành các bé đang khóc trong lớp. Thế là bé này đi thẳng vào nhà vệ sinh, tại đây bé bị trượt chân và té úp mặt vào bồn cầu. Một bé khác có thói quen không ngủ trưa, trong khi các bạn nằm ngủ thì bé cứ lang thang đi hết chỗ này đến chỗ khác. Một hôm, trong lúc cô giáo đang ru các bạn khác ngủ thì bé lẻn ra ngoài và tự mình đi xuống cầu thang. Sau đó bé bị té và tử vong…
“Nghe các chị đi trước kể, tôi vô cùng lo sợ. Tôi không biết có thể tiếp tục con đường mà mình đã chọn. Nhưng khi đi làm, được chơi đùa với các bé, nhìn các bé tự múc ăn, tự mặc quần áo, tôi thấy vui lắm. Những niềm vui nho nhỏ này đã giúp tôi thêm yêu nghề”, Thủy tâm sự.
Sau gần 30 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ, niềm vui lớn nhất của chị Lâm Kim Hoàng – Hiệu trưởng Trường Mầm non Bé Ngoan, Q.1 là: “Đến 10, 11 giờ đêm mà không thấy phụ huynh nào gọi điện là vui lắm rồi. Làm ở trường mầm non, nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho trẻ. Chỉ cần một sơ suất nhỏ thôi là có thể xảy ra tai nạn với trẻ. Trường thì đông cháu. Bởi vậy đêm nào không nhận được điện thoại mắng vốn của phụ huynh là đêm đó ngủ ngon”…
Còn chị Nguyễn Thị Kim Dung – Hiệu trưởng Trường Mầm non 19-5 lại có một niềm vui khác. Niềm vui của chị là mỗi ngày đến trường được các bé lớp cơm nát gọi một tiếng: “Dung”. Sau những giờ căng thẳng bù đầu với công việc của một nhà quản lý, chị thường xuống lớp cơm nát để chơi đùa với các bé. Thấy chị xuất hiện, nhiều bé hét lên sung sướng: “Dung”, bé nào nói rành hơn thì gọi được hai tiếng: “Dung ơi”… Tại đây, bao mệt nhọc của chị bỗng tan biến.
Với mức lương “hẻo” nhất trong ngành giáo dục, lại chưa được sự quan tâm của xã hội cũng như thiếu sự kính trọng của phụ huynh nhưng các cô giáo mầm non vẫn bám trường, bám lớp. Bởi, với các cô những khó khăn nói trên đều trở nên bình thường trước những đôi mắt to tròn, những nụ cười chúm chím của các bé…
Hòa Triều
Bình luận (0)