Nhà giáo Thu Ba và các bé Trường MNDL quốc tế Mỹ Úc (ảnh do nhân vật cung cấp)
|
Ít ai ngờ rằng, một cô giáo mầm non vì không có hộ khẩu thành phố nên phải dạy hợp đồng để rồi chỉ nhận được 50% lương so với các đồng nghiệp khác, giờ lại là chủ một ngôi trường mầm non với trên 700 học sinh…
Chị sinh và lớn lên ở một vùng quê nghèo của tỉnh Đồng Tháp. Người dân ở quê chị, mỗi khi bệnh tật không biết tìm đâu ra bác sĩ. Bởi vậy, ước mơ của chị là trở thành một bác sĩ. Năm 1988, chị thi vào Trường ĐH Y dược TP.HCM và trượt. Rồi chị được chuyển về Trường Sư phạm Đồng Tháp. Khi chị lên Sở GD-ĐT Đồng Tháp làm thủ tục thì đọc được thông báo tuyển giáo viên mầm non. Thế là chị quyết định thi vào Trường Trung cấp Mẫu giáo Trung ương 2 tại TP.HCM.
Từ cô nuôi dạy trẻ…
“Năm 1991, tôi ra trường và về dạy tại thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Chưa hết năm học, tôi chuyển lên TP.HCM và dạy tại một trường công lập ở Q.Phú Nhuận. Nhưng vì tôi không có hộ khẩu thành phố nên chỉ được lãnh hơn 400 ngàn đồng/ tháng, trong khi các đồng nghiệp khác là 800 ngàn đồng. Dạy được hai năm thì tôi chuyển về dạy tại Trường Mầm non Họa Mi 2, Q.5”, chị Lê Thị Thu Ba – Hiệu trưởng và cũng là chủ Trường Mầm non dân lập quốc tế Mỹ Úc nhớ lại.
Khi chị về công tác tại Trường Mầm non Họa Mi 2, lương cũng chẳng khá hơn so với ngày còn ở Q.Phú Nhuận. Thấy vậy, ông xã chị nói: “Thôi em bỏ việc đi, ở nhà phụ anh làm công ty. Anh thấy em làm cực quá mà lương chẳng được là bao”. Lúc đó chị trả lời: “Em được cái khác. Đó là cách chăm sóc, nuôi dạy con cái…”.
Chồng chị không thể phủ nhận những gì vợ nói, bởi thực tế đã chứng minh ba đứa con của anh chị đều chăm ngoan, học giỏi và có sức khỏe. Đặc biệt là hai đứa con trai sinh đôi. Vừa sinh thiếu tháng lại là sinh đôi nên mỗi đứa chỉ nặng hơn 1kg. Ngày hai đứa trẻ mới được sinh ra, ai nhìn cũng ái ngại cho vợ chồng chị. Song, với kiến thức được đào tạo tại trường sư phạm cũng như kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với nghề cô nuôi dạy trẻ, chị Ba đã chăm sóc hai cậu con trai ngày một khôn lớn. Hai cậu bé bây giờ đã hơn 10 tuổi, nhìn thấy không ai nghĩ khi mới lọt lòng mẹ, cả hai anh em chỉ nặng hơn 2kg.
“Nếu tôi không phải là cô giáo mầm non, chắc chắn tôi đã không làm được điều đó”, chị Thu Ba quả quyết.
Những năm tháng làm việc ở các trường mầm non công lập, lương tuy không cao nhưng chị nhận được rất nhiều tình cảm của phụ huynh và các bé. Mỗi ngày được tiếp xúc với bé, chị hiểu hơn về tâm sinh lý trẻ em. Chỉ cần nghe tiếng trẻ khóc, chị cũng hiểu được tại sao trẻ khóc dù các bé chưa biết nói.
Chị kể: “Ngày tôi còn làm ở một trường mầm non công lập đã xảy ra một sự việc khiến tôi không bao giờ quên. Năm đó tôi dạy lớp mầm 1, còn người bạn của tôi dạy lớp mầm 2. Trong lớp của cô bạn có một bé cứ mỗi khi đến giờ ăn là kêu đau bụng. Phụ huynh nói là bé giả vờ. Tuy nhiên cô bạn tôi không tin nên đã nhờ tôi qua tiếp xúc với bé. Qua đó, tôi phát hiện bé có vấn đề về sức khỏe chứ không phải giả vờ như phụ huynh nói. Tôi kêu đồng nghiệp phải nói phụ huynh đưa bé đi khám. Nhưng phụ huynh vì mải làm ăn nên không đưa bé đi bệnh viện. Mãi đến khi bé bị xỉu mới đưa đi, lúc đó các bác sĩ thông báo bé bị ung thư giai đoạn cuối. Đúng một tháng sau, bé qua đời”.
… đến bà chủ trường quốc tế
Năm 2001, chị nghỉ dạy ở Trường Mầm non Họa Mi 2 và ra ngoài mở trường. Những ngày đầu, trường của chị chỉ có 30 bé nhưng cuối năm đã tăng lên gấp 6 lần với 180 bé. Và đến năm học 2010-2011 là 712 bé…
Sự thành công này một phần rất lớn là do chị khắc phục được những hạn chế của các trường mầm non công lập. Chị nói: “Trong thời gian công tác tại các trường mầm non công lập, tôi nhận thấy có không ít phụ huynh làm tới 6 giờ chiều mới nghỉ nhưng 4 giờ 30 là trường mầm non công lập đã yêu cầu đón trẻ. Buổi sáng cũng vậy, nhiều ông bố, bà mẹ không phải là công chức nên 9 giờ mới đi làm. Do vậy họ cũng muốn tranh thủ thời gian buổi sáng chơi với con nhưng trường công lập lại đóng cửa vào lúc 7 giờ 30 đến 8 giờ. Tôi nghĩ với mầm non, không nên bắt trẻ phải đi học đúng giờ như ở tiểu học và các bậc học khác. Mặt khác, trường mầm non công lập không giữ trẻ vào thứ bảy, không tắm cho trẻ trong khi nhu cầu của phụ huynh là khá lớn. Vì vậy khi mở trường, tôi đã đáp ứng tất cả các nhu cầu này của phụ huynh”…
Kinh nghiệm 10 năm làm ở trường mầm non công lập cũng giúp chị hiểu được, đối với trẻ an toàn là số 1. Chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể gây nên tai nạn lớn cho trẻ. Bởi vậy, toàn bộ ngôi trường đều do một tay chị trang trí. Từ nhà vệ sinh, cầu thang đến khu vui chơi của trẻ đều được trải thảm. Thậm chí các góc chân tường đều được bo bằng đệm da mềm mại. Chị bảo: “Nếu không may trẻ bị té ngã cũng không sao”.
Là người cầu toàn nên chị không ngừng học hỏi để nâng cao chất lượng chăm sóc của trường. “Tôi có cô bạn thời sinh viên đang công tác tại một trường mầm non ở Mỹ, ông bố nuôi cũng làm giáo dục ở Mỹ, đứa em đang định cư ở Canada… Vì vậy thỉnh thoảng tôi qua Mỹ và một số nước để tham khảo chương trình giáo dục của họ, đặc biệt là chương trình giáo dục mầm non. Sau mỗi chuyến đi, tôi học hỏi được nhiều kiến thức hay và linh hoạt lồng ghép với chương trình của Bộ GD-ĐT Việt Nam để áp dụng vào trường của mình”, chị cho biết.
“Trước đây tôi từng nghĩ, nếu mình làm bác sĩ, khi chữa lành bệnh cho bệnh nhân thì vui lắm. Nhưng giờ tôi nhận ra gặp trẻ vui hơn gặp bệnh nhân nhiều. Tôi rất hài lòng vì đã chọn ngành mầm non. Nếu tôi chưa từng là cô giáo mầm non, có thể hôm nay tôi không có được ngôi trường này. Bởi so với bậc phổ thông thì mở và quản lý một ngôi trường mầm non dễ hơn”, chị Thu Ba chia sẻ.
Bài, ảnh: Hòa Anh
“Với chất lượng và uy tín cao, ngôi trường của cô Thu Ba ngày càng mở rộng. Trước đây chỉ tổ chức giáo dục mầm non nay theo nguyện vọng của phụ huynh đã mở thêm tiểu học và mở thêm trường mầm non thứ 2 ở Q.Tân Phú. Điều đặc biệt là tuy trường của cô Thu Ba nằm gần các trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia nhưng vẫn thu hút được đông học sinh. Ngành GD-ĐT thành phố rất mong có những người tâm huyết với nghề như cô Thu Ba để cùng chúng tôi chăm sóc, giáo dục học sinh”, bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT TP nói.
|
Bình luận (0)