“Một, hai, ba …zdô!zdô!”. Những âm thanh ồn ào ấy đã trở nên quen thuộc ở làng Đại học Thủ Đức (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) bất kể ngày đêm. Quán nhậu mọc đến đâu, một bộ phận không nhỏ sinh viên trở thành “bợm nhậu” đến đó, kéo theo những hệ lụy khó lường.
Cận cảnh những “Cung đường nhậu”
Năm học mới vừa bắt đầu. Làng đại học Thủ Đức gia tăng “biên chế”, các dịch vụ ở làng cũng vì thế tăng theo. Hiện ở Làng đại học thủ Đức có gần 50.000 sinh viên sinh sống và học tập. Sinh viên đông, nhu cầu ăn uống, sinh hoạt lớn, các quán hàng ăn uống, quán nhậu vì thế bùng phát như nấm sau mưa.
|
Sinh viên “dập dìu” ra nhau vào quán nhậu
|
Chạy xe một vòng quanh 6 trường đại học ở đây, quãng đường chưa đầy 3km, chúng tôi đếm được trên 70 quán nhậu lớn, nhỏ khác nhau. Riêng khu vực giáp ranh giữa phường Linh Trung, quận Thủ Đức với huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, các quán nhậu mọc san sát nhau, tạo nên những “cung đường quán nhậu”. Mỗi quán được thiết kế một vẻ riêng biệt, với những tên gọi khá ấn tượng. “Cung đường” này được mệnh danh là “trung tâm ăn chơi” của sinh viên ở Làng đại học.
Đến đây vào dịp cuối tuần, chúng tôi chứng kiến từng tốp sinh viên “dắt díu” ra vào quán nhậu như đi… “trẩy hội”. Tiếng cười nói, tiếng cụng ly, tiếng dô hò…của nam, nữ sinh tưng bừng. Dịp cuối tuần, “khu ăn chơi” này mở cửa thâu đêm suốt sáng. Một vài quán, ông bà chủ hoặc nhân viên phục vụ đứng ra lề đường vẫy chào, chèo kéo khách vào nhậu, tạo nên một không gian lộn xộn, khó coi.
Bà Nguyễn Thị Cúc ở khu phố 6, phường Linh Trung than thở: “Hầu như hôm nào cũng nghe tiếng hò hét, nhạc ầm ầm. Có bữa, đám thanh niên say xỉn gây lộn, rượt đuổi nhau khắp phố. Dân trong hẻm hoảng quá phải đóng cửa nhà kín mít”.
Hiện tượng sinh viên say xỉn rồi chửi thề nhau ngay trước cổng trường đại học xảy ra thường xuyên. Môi trường hàng quán góp mặt nhiều thành phần xã hội, nay càng nhốn nháo với đủ loại tệ nạn.
Không thể dẹp bỏ, nhưng…
Tình trạng nhậu nhẹt quá đà trong một bộ phận không nhỏ sinh viên không những ảnh hưởng đến an ninh trật tự mà còn là nơi phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến nếp sống văn hóa, đạo đức của giới sinh viên.
Chủ quán lẩu Dê Núi ( khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức) phân bua: “Quán nhậu tụi tui làm ăn hợp pháp, chỉ có vài vụ va chạm nhỏ rồi cũng xong. Chứ có ảnh hưởng tới ai”.
Ông Trần Văn Hân, trưởng Ban điều hành khu phố 6, phường Linh Trung nói: “Các quán nhậu ở đây thường tụ tập rất đông sinh viên, trong đó, nhiều quán có giá “mềm” sẵn sàng cho sinh viên quậy tưng bừng. Tuy nhiên, đây là hình thức kinh doanh hợp pháp nên không thể ngăn cấm được. Chỉ khi nào có trường hợp đánh nhau, gây mất trật tự thì chính quyền, cơ quan chức năng mới can thiệp”.
Ông cũng cho biết thêm: hầu như đêm nào lực lượng dân phố cũng đi kiểm tra tình hình an ninh trật tự. Với các quán nhậu cũng nhắc nhở nên đóng cửa trước 22 giờ. Tuy nhiên, khi vắng bóng cán bộ, một vài chủ quán lại cho hoạt động xuyên đêm.
Đem vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng Ban điều hành khu phố Tân Lập, huyện Dĩ An, Bình Dương, chúng tôi được ông chia sẻ: “Từ khi khu đất bên Thủ Đức được quy hoạch mở rộng diện tích của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thì các quán nhậu đổ xô sang phía Bình Dương. Đúng là tệ nạn xã hội gây mất trật tự đang diễn biến phức tạp nhưng công việc làm ăn của họ thì mình chỉ nhắc nhở, chứ không thể dẹp được”.
Có cầu ắt có cung. Việc các quán nhậu bùng phát ở Làng đại học vì mục đích kinh doanh là hoạt động hợp pháp. Dù vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường học đường nhưng không thể can thiệp bằng các chế tài pháp luật. Tuy nhiên, môi trường học đường không thể chấp nhận những biểu hiện của lối sống bê tha, những tệ nạn xã hội. Không ai có thể bắt buộc các quán nhậu này ngừng hoạt động khi họ có đầy đủ thủ tục kinh doanh hợp pháp. Tuy nhiên, công tác quản lý thì không thể thả nổi. Chính quyền, cơ quan chức năng địa phương và Ban quản lý sinh viên các cấp của Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cần vào cuộc sâu sát, cụ thể hơn. Cần thiết phải có quy định chặt chẽ về giờ giấc hoạt động, xử lý nghiêm những trường tụ tập thâu đêm, gây mất an ninh trật tự. Công tác giáo dục, quản lý, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng sinh viên cần được đẩy mạnh hơn nữa với sự tham gia đồng bộ của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên các cấp để sinh viên nâng cao ý thức tự chủ, tự giác, không sa đà vào những thú vui phản văn hóa.
Theo Phương Nga
(QĐND Online)
Bình luận (0)