Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Vùng sâu Măng Bút (Kon Tum): Vượt mọi khó khăn để đưa học sinh tới lớp mỗi ngày

Tạp Chí Giáo Dục

Năm học mới đã qua hơn 1 tháng, nhưng với các thầy cô giáo ở xã vùng sâu Măng Bút của huyện Kon Plông (Kon Tum) thì mọi thứ vẫn ngổn ngang đủ bề. Tạm gác qua điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn khi chỗ ở cho trò còn tạm bợ, nước sinh hoạt thiếu thốn, các thầy cô giáo và học sinh nơi đây vẫn phải ngày ngày lo từng bữa cơm.

Chạy bữa từng ngày
Như thường lệ, sáng sớm, trong khi các bạn đang ngon giấc, thì A Hen và A Nguyên – học sinh lớp 9A trường Trung học cơ sở Măng Bút đã ra suối bắt cá. Mặc dù đã học lớp 9, nhưng thân hình cả hai nhỏ thó. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ, các em mang về chiến lợi phẩm là một nhúm cá nhỏ, chủ yếu là cá tạp, nhưng nhờ vậy mà buổi cơm trưa của phòng A Hen hôm nay ngon nhất trường vì có thêm món cá tươi kho mặn.
Bữa ăn đạm bạc của các em học sinh trường THCS Măng Bút.
Theo A Nguyên kể, thì từ ngày nhập học, em và các bạn cùng phòng ai cũng mang theo vài dụng cụ để bắt cá ở suối nhỏ, hoặc dao, rựa để chặt cây rừng về nhóm lửa. Hàng ngày mọi người ở chung phòng tự phân công mỗi người một việc, từ nấu ăn tới tìm củi, hái lá rừng, cá suối nhằm cải thiện thêm bữa ăn. Tuy nhiên, cũng chẳng mấy ai kiếm được nhiều thực phẩm để đủ ăn hàng ngày, chính vì vậy bữa cơm hàng ngày chủ lực vẫn là cá khô và canh rau rừng nấu loãng. Tới giờ ăn, mỗi phòng một bàn ăn, cơm được bới vào chậu cùng một nồi canh rau với muối và món mặn là cá khô, mạnh ai nấy múc ăn. Có bàn các em cũng chẳng cần bát chén, đũa cũng chẳng ngồi thành bàn, mà đứng dùng muỗng múc ăn luôn.
“Bữa ăn đạm bạc là thế, nhưng tất cả cá mắm đến dầu ăn, gạo cho các em ăn hàng ngày hiện nay, chúng tôi đều mua nợ ở thành phố và huyện cả. Để giúp các em an tâm đến lớp, dịp đầu năm học nhà trường đã phải đứng ra mua nợ 2 tấn gạo, 4 tạ cá khô cùng nhiều dầu ăn, bột ngọt để đảm bảo bữa ăn tối thiểu cho các em đang theo học tại trường nơi đây mỗi ngày”, thầy Hoàng Văn Đam – Hiệu trưởng trường THCS Măng Bút cho biết. Ngoài ra đầu năm học, thầy cô giáo cũng đã góp ủng hộ và tiền tiết kiệm chi thường xuyên của nhà trường được 4 triệu đồng để mua rau, đậu hỗ trợ để các em nấu ăn thêm nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với số lượng gần 280 em theo học bán trú. Trước khó khăn trên, UBND xã Măng Bút đã ủng hộ thêm 450 kg gạo để lo từng bữa ăn hàng ngày của các em. Ngoài ra, thầy cô và các em cũng tự làm một vườn rau, ao cá nhỏ để tăng gia sản xuất…
Học sinh đến lớp là vui rồi
Mặc dù năm học mới đã qua hơn một tháng, nhưng sỹ số học sinh vẫn bấp bênh từng ngày. Theo các thầy cô giáo nơi đây thì Măng Bút là điểm trường đông nhất huyện Kon Plông, khi lượng học sinh theo học đến từ 12 thôn trong xã cùng 3 thôn Rô Xia 1, 2, 3 của Đắk Tăng. Năm học này, toàn trường có 448 em theo học ở 19 lớp, trong đó có 275 em theo học bán trú. 100% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng. Mặc dù là bán trú, nhưng thực tế các em đều ở nội trú tại trường vì khoảng cách từ nhà đến trường quá xa, trong khi các em phải đi bộ đi học.
Trước năm học này, khi vào trong các thôn làng vận động thì thầy cô giáo đều được phụ huynh ủng hộ cho con em mình theo học. Ngoài ra, bao năm qua khi các em đi học đều được hưởng tiền hỗ trợ từ chương trình 112 nên gia đình không cần lo gì mà phó mặc cho nhà trường, nhưng theo thầy Đam thì từ ngày nhập học tới nay học bổng của chương trình 112 hỗ trợ mỗi em 140.000 đồng/tháng đã bị cắt, trong khi tiền hỗ trợ 332.000 đồng/tháng/em dân tộc thiểu số đang theo học ở trường bán trú theo Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa đến được với các em học sinh nghèo.
“Chúng tôi cố gắng giải thích cho phụ huynh rõ nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Để dân hiểu thì cần phải có nhiều cấp chính quyền cũng vào cuộc. Các em ở Măng Bút rất có ý thức học tập, nhiều em gia đình cách trường 3 – 4 km nhưng ngày ngày vẫn đi bộ đến trường theo học cái chữ, đó là sự nỗ lực to lớn của các em nên với tập thể nhà trường dù có vất vả mấy cũng phải lo cho các em nơi này. Với chúng tôi các em đến lớp, đến trường đã là vui rồi”, thầy Bùi Hữu Duy – Hiệu phó trường THCS Măng Bút thừa nhận. Trong thời gian tới, trường sẽ tiếp tục vận động phụ huynh, thôn làng cung cấp gạo cũng như các tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện cung cấp thực phẩm thêm để nuôi các em ăn học. Còn việc mua nợ lương thực, thực phẩm thì cứ cố gắng, “hy vọng mọi người ủng hộ”.
Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho các em đến lớp nhà trường cũng có lịch dạy và học rất riêng. Buổi sáng 7 giờ học, buổi chiều thì bắt đầu từ 12 giờ và kết thúc 16 giờ 30 để kịp cho các em nhà gần (3 – 5 km) có thể về kịp nhà trước khi trời tối. Với các em ở tại trường thì tối đến, nhà trường tổ chức dạy phụ đạo thêm cho các em ngay tại lớp học. Cùng với đó, mỗi thầy cô giáo để được phân công phụ trách bồi dưỡng thêm cho các em có thành tích học tập giỏi cũng như quá yếu… Nỗ lực là vậy, nhưng với những khó khăn chất chồng, sự nghiệp giáo dục ở Măng Bút xem ra vẫn còn rất gian nan.
Theo  Cao Nguyên
(tintuc)

Bình luận (0)