Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giải pháp tiết kiệm cho các trường đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Nhóm SV bên dự án đoạt giải tại Singapore vào cuối tháng 3-2011
Không chỉ là tìm ra giải pháp tiết kiệm năng lượng đơn giản cho chính ngôi trường đang theo học, đề tài “Giải pháp năng lượng cho Trường ĐH Bách khoa TP.HCM – đơn giản nhưng hiệu quả” do nhóm SV Bùi Thái Luân, Lê Trường Phú, Trần Ngọc Quý (Khoa Điện – điện tử, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) thực hiện đã đoạt giải nhì tại cuộc thi “Tiết kiệm năng lượng” được tổ chức vào cuối tháng 3-2011 tại Singapore dành cho 170 đội đến từ các trường ĐH thuộc khu vực Đông Nam Á.
Chia sẻ với Giáo Dục TP.HCM, nhóm SV này nói: Nếu không thấy được sự lãng phí, tiết kiệm sẽ mãi là một khái niệm mơ hồ và không bao giờ có thể triển khai. Ý tưởng tiết kiệm cũng chỉ được hình thành sau khi tiến hành phân tích các số liệu thực tế để nhận biết sự lãng phí. Do đó, sau khi cuộc thi phát động, công đoạn đầu tiên của cả nhóm là tìm kiếm, phân tích số liệu, từ đó phác họa ra ý tưởng cụ thể. Đề tài này liên quan đến một số kiến thức chuyên ngành cơ bản mà chúng em được học, tuy nhiên đây không phải là những phát minh gì đó mang tính cao siêu mà các ý tuởng này chỉ dựa vào các nguyên lí đơn giản, dễ thấy, dễ hiểu và dễ dàng áp dụng trong thực tế.
PV: Các bạn có gặp khó khăn nhiều trong quá trình thực hiện đề tài, việc tham gia dự án có ảnh hưởng gì đến học tập, sinh hoạt thường nhật của các thành viên?
– Tính từ thời điểm phát động cuộc thi (tháng 7-2010) đến lúc thi đấu tại Singapore (3-2011) là khoảng 8 tháng. Thời gian này trùng với thời điểm tụi em phải làm luận văn tốt nghiệp ở trường, do đó nhóm có gặp một chút khó khăn trong việc phân bố thời gian hợp lí để vừa làm dự án vừa hoàn thành luận văn. Nhóm em phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên, ai rảnh lúc nào thì vào phòng thí nghiệm làm lúc đó. Khâu khó khăn nhất của dự án chính là thu thập số liệu để phân tích vì phải mất rất nhiều thời gian.
Theo các bạn, để ứng dụng hiệu quả được đề tài này vào các trường ĐH Việt Nam thì cần những điều kiện gì?
– Nét hay của cuộc thi là ở chỗ các giải pháp tiết kiệm không hề chung chung mà mang tính cụ thể tại trường ĐH của mỗi đội tham gia. Và giải pháp tụi em đưa ra nhằm áp dụng tại Trường ĐH Bách khoa. Tuy nhiên các giải pháp về ánh sáng, điều hòa và hệ thống quản lí năng lượng hoàn toàn có thể áp dụng cho bất cứ trường đại học nào ở Việt Nam. Điều quan trọng là cần có kinh phí thực hiện.
Việc được giải nhì có nằm trong dự kiến của toàn đội hay là một bất ngờ?
– Đây là lần đầu tiên nhóm tụi em tham dự giải quốc tế. Trước khi qua Singapore, cả nhóm không hề có thông tin gì về các đội bạn nên cũng không biết nhóm mình làm vậy có tốt hay chưa. Khi thi đấu, tụi em nhận thấy đội bạn rất mạnh và khó có thể đánh giá đội nào trội hơn đội nào. Việc đoạt được giải nhì là thành công rất lớn của cả đội vì các đội bạn, nhất là đội Thái Lan có cách làm dự án rất chuyên nghiệp.
Dự định hiện tại của các thành viên trong nhóm?
– Hiện tụi em đã đi làm. Luân và Phú làm tại Công ty Schneider Việt Nam. Tụi em chọn công ty này mục đích cũng là để phát triển thêm về lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, một trong những thế mạnh của công ty.
Xin cám ơn cả nhóm!
Mê Tâm (thực hiện)

Dự án tiết kiệm toàn diện ứng dụng được rộng rãi
Dự án thực hiện dựa trên các số liệu thực tế là Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, do đó mỗi sự phân tích, tính toán đều gắn liền với tính thực tiễn chứ không đơn thuần là lý thuyết. Trong dự án thì có một số phần được áp dụng cho các trường có diện tích cây xanh rộng như ĐH Bách khoa, nhưng cũng có nhiều giải pháp có thể áp dụng cho các trường ĐH và các tòa nhà cao tầng tại Việt Nam.
Cụ thể, dựa trên phân tích các nguồn năng lượng tiêu thụ chủ yếu trong trường ĐH, dự án tập trung giải quyết vấn đề tiết kiệm năng lượng ở ánh sáng (đèn trong lớp học); nước tiêu thụ trong trường; điều hòa và nâng cao ý thức tiết kiệm của mọi người thông qua sử dụng hệ thống quản lí năng lượng, gồm:
+ Ánh sáng: dựa trên việc thay hệ thống đèn cũ bằng đèn mới và lắp cảm biến đếm số người tương đối vào lớp học để bật các dãy đèn (ưu tiên bật các dãy đèn gần bảng đen để khuyến khích SV ngồi ở các dãy bàn gần giáo viên).
+ Nước: vì lượng nước dùng trong các nhà vệ sinh và tưới cây trong trường ít hơn lượng nước mưa thu được từ các mái nhà trong mùa mưa, vì vậy, lượng nước mưa này được tận dụng thay cho nước máy. Nhất là trong điều kiện nước dùng cho các nhà vệ sinh và tưới cây đều không đòi hỏi phải sạch tuyệt đối, chỉ cần lọc sơ nước mưa. Việc dùng nước mưa cũng phần nào làm giảm áp lực lên các hệ thống thoát nước của thành phố.
+ Điều hòa: dựa trên việc tích hợp hệ thống điện vào chìa khóa của các phòng máy lạnh. Khi ra ngoài, giáo viên khóa cửa thì phòng sẽ tự động tắt hệ thống máy lạnh.
+ Hệ thống giám sát mức sử dụng năng lượng: đưa ra các số liệu điện tại từng nơi sử dụng, giúp cho mọi người nhận ra họ đang lãng phí ở chỗ nào và làm thế nào thì có thể tiết kiệm điện hơn nữa…

 

Bình luận (0)