Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Mỏi mòn đợi nhà bán trú, nhiều học sinh bỏ học

Tạp Chí Giáo Dục

Công trình nhà KTX bán trú ở Dân Hóa chỉ mới xong phần móng sau cả năm xây dựng vì nhà bà Bố không chịu di dời phía trước

Công trình nhà ký túc xá (KTX) bán trú được đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng, nhưng hơn năm trời xây dựng chỉ mới xong phần… móng. Học sinh vẫn phải học, phải ở trong cảnh khốn khổ và số bỏ học vẫn tăng.
Lên miền Tây nam Quảng Bình mùa này trời vẫn còn rét như cắt vào da thịt. Nghe đài báo không khí lạnh vẫn tiếp tục kéo dài, thầy Nguyễn Văn Chương – Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Dân Hóa (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình), cứ lắc đầu nói: “Thương các em quá! Phòng tạm của trường thì đã quá đát, ẩm thấp mà học sinh vẫn phải bám trụ để ở, để học. Còn công trình nhà bán trú cả năm trời xây dựng vẫn chưa ra gì”.
Chưa ai nhường ai
Công trình xây dựng nhà KTX bán trú ở xã Dân Hóa được phê duyệt với số vốn đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng (một số vốn không hề nhỏ để xây dựng công trình KTX bán trú cho một trường ở xã miền núi khó khăn), thời gian thực hiện từ năm  2010-2011 và do UBND Dân Hóa làm chủ đầu tư.
Ngày biết có công trình này, từ thầy trò Trường Tiểu học & THCS Dân Hóa đến bà con khắp xã ai cũng mừng vui, bởi như lời thầy Chương: “Hàng trăm học sinh của trường ở bản xa cách trường hơn 5km đường rừng núi. Có công trình này sẽ phục vụ cho nhu cầu ở bán trú tại trường của các em để học tập tốt hơn. Và nhất là góp phần quyết định trong việc ngăn dòng bỏ học vẫn kéo dài hàng nhiều năm qua”.
Trên thực tế, nhà KTX được khởi công từ cuối 2010, ở phía sau Trường Tiểu học & THCS Dân Hóa. Nhưng cho đến nay, công trình vẫn chỉ mới thi công xong phần móng, một số cột trụ và mấy đoạn tường cao trên dưới 1m. Tất cả hiện nằm giữa um tùm cỏ dại và đang đối diện với nguy cơ xuống cấp vì không ai bảo quản. Thầy Chương cho hay, lãnh đạo xã lúc ấy chỉ khởi công cho có “lệ” chứ việc giải tỏa đất cho công trình vẫn chưa thỏa thuận xong.

Học sinh Dân Hóa vẫn phải bán trú trong căn phòng cấp 4 dột nát, ẩm thấp và đối diện với nguy cơ bỏ học

Giải thích tình trạng trên, ông Hồ Tuân – Chủ tịch UBND xã Dân Hóa, nói: “Cụ thể công trình có “dính” một phần đất của gia đình bà Nguyễn Thị Bố và vướng đường dây điện dân sinh chạy qua, hiện chưa giải quyết được. Một phần nữa cũng do thời tiết mưa gió… kéo dài”. Nhưng theo chúng tôi tìm hiểu, mưa ở xã này chỉ kéo dài từ 3-4 tháng trong khi công trình thì có cả năm để xây dựng.
Theo thiết kế, công trình nhà KTX này nằm trên một phần đất của Trường Dân Hóa và một phần đất khác nằm cạnh trường học của gia đình bà Bố. Bà Bố cho hay: “Tui không hề làm khó việc xây nhà bán trú bởi để có chỗ cho con em mình ở và học tập mà. Chính quyền có hứa là sẽ cấp bù một phần đất mới, tương đương phần đất cũ. Nhưng đến xem thì đất ở dưới thấp, rất khó ở và rất dễ bị sạt lở khi mùa mưa bão đến”. Và bà Bố đã không cho đơn vị thi công tiếp tục khiến công trình lâm cảnh “đắp chiếu” cho đến nay.
Chỉ mỗi học sinh là khổ
Thầy Nguyễn Văn Chương cho biết, theo điều tra từ đầu năm học thì trong 415 em học sinh của trường có gần 150 em có nhu cầu được ở bán trú để học tập vì nhà quá xa, lại đi qua đồi núi. Trường chỉ có 1 phòng cho 15 học sinh xa nhất (khoảng 20km) ở bán trú.
Thầy Chương dẫn chúng tôi vào phòng bán trú này và tâm sự: “Gọi phòng cũng không đúng nữa vì nó đã quá xuống cấp rồi. Mùa nắng thì oi bức mà mùa đông thì mưa dột. Các em đêm nằm phải ôm nhau thật chặt để ngủ cho đỡ lạnh”. Theo quan sát, nơi tá túc hiện tại cho 15 em này là căn phòng cấp 4, chỉ rộng chừng 20m2, với hai chiếc giường đã mục nát của các em mang từ nhà đến. Mỗi giường chỉ ngủ được hai em. Còn lại phải trải chiếu ngủ dưới đất.
Hồ Thị Lê – học sinh lớp 8A – ở bán trú tại đây cho biết: “Nhà cháu ở cách xa trường gần 20km. Các bạn cùng lứa ở đây năm trước đã bỏ học hết rồi vì khổ quá”. Theo thầy Chương tính, đã có 4 em bỏ học trong năm học 2010-2011. Năm học này, nếu nhà KTX vẫn chưa xây xong thì sẽ có ít nhất thêm 5 em nữa bỏ vì nhà quá xa, không đủ sức đi học. “Dù nhà trường cùng Bộ đội biên phòng đã tích cực hàng tháng đi vận động các em phải bám trường bám lớp, nhưng nếu không có chỗ bán trú ổn định thì việc giữ được các em ở lại với trường lớp quả thực là điều không thể” – thầy Chương lo lắng.
Bài, ảnh: Trần Thiếu Gia
 

Bình luận (0)