Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Cải thiện giáo dục đại học để duy trì tăng trưởng

Tạp Chí Giáo Dục

Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức công bố báo cáo về giáo dục đại học (GDĐH), trong đó đặc biệt chú trọng đến GDĐH khu vực Đông Á, Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.

Để duy trì sự tăng trưởng trong một quốc gia, rất cần thiết phải cải thiện hệ thống GDĐH.
Không trang bị đầy đủ những kỹ năng cần thiết cho sinh viên
Báo cáo của WB khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã chỉ  ra rằng: Người sử dụng lao động trông đợi vào công nhân – đặc biệt là những người có trình độ ĐH – có được những kỹ năng tư duy, hành vi và kỹ thuật để thúc đẩy năng suất và tăng trưởng. Họ cần những kỹ năng khoa học, kỹ thuật, công nghệ và kỹ năng toán học. Họ cũng cần có những kỹ năng tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề…
Nhưng nhìn vào GDĐH ở Việt Nam và các nước trong khu vực hiện nay có thể thấy là: "Các tổ chức GDĐH tại các nước Đông Á đang phát triển không trang bị đầy đủ cho sinh viên tốt nghiệp của mình những kỹ năng mà các doanh nghiệp cần" – bà Emanuela di Gropello, Chuyên gia kinh tế hàng đầu của WB đánh giá.
Người ta cũng nhận thấy rằng, tại Việt Nam, một vài chỉ số cũng chỉ ra sự yếu kém về năng lực của ngành GDĐH trong vấn đề trang bị cho sinh viên những nhóm kỹ năng cần thiết. Chỉ có khoảng 25% sinh viên đang theo học các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. Người sử dụng lao động Việt nam nhận thấy những yếu kém đặc biệt nghiêm trọng trong kỹ năng giao tiếp và tiếng Anh cũng như kiến thức thực tế trong công việc của một sinh viên mới tốt nghiệp được tuyển dụng. Và việc thiếu kỹ năng mềm được thấy rõ nhất trong các ngành công nghệ chuyên sâu, làm hạn chế khả năng cải tiến và đổi mới công nghệ.
Bên cạnh đó, bảng xếp hạng quốc tế về đầu ra cho các nghiên cứu cho thấy rằng hệ thống GDĐH Việt Nam không chú trọng vào nghiên cứu với chất lượng đầy đủ. Thậm chí có rất ít các trường ĐH đào tạo các lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ. Ví dụ, theo các cuộc khảo sát gần đây, có không tới 3% các doanh nghiệp tuyên bố hợp tác với các trường ĐH hoặc các viện nghiên cứu về vấn đề phát triển sản phẩm. Không tới 20% giảng viên của các trường ĐH ở Việt nam có trình độ Tiến sĩ, và phần lớn công việc chính của họ cũng chỉ là giảng dạy chứ không có trách nhiệm nghiên cứu. Như vậy, đầu ra cho những nghiên cứu khoa học trong GDĐH Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Phải thay đổi nếu không muốn bị "già cỗi"

Các chuyên gia của WB đặc biệt chỉ ra rằng: GDĐH khu vực Đông Á, Thái Bình Dương mà cụ thể hơn là Việt Nam phải thay đổi để duy trì sự tăng trưởng lâu dài. Trước hết là để có thu nhập cao hơn hiện nay.
Ông James W. Adams, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á,Thái Bình Dương nói: "Với dân số già, các nền kinh tế đang phát triển tại khu vực đang đối mặt với thách thức của tăng trưởng nhờ tăng năng suất. Tầm quan trọng của GDĐH sẽ tăng một khi các quốc gia muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình".  Các quốc gia có mức thu nhập vừa và thấp tại Đông Á cần phải điều chỉnh hệ thống GDĐH phù hợp hơn nữa với những yêu cầu của thị trường lao động và nền kinh tế nếu muốn leo lên nấc thang thu nhập cao hơn.
Giải pháp được đưa ra để cải thiện GDĐH chính là sự liên kết đối với các doanh nghiệp. Tại Việt nam, việc không liên kết giữa các cơ sở GDĐH với các công ty trong vấn đề đào tạo kỹ năng và thúc đẩy nghiên cứu; giữa các cơ sở GDĐH và các viện nghiên cứu; giữa các cơ sở GDĐH với nhau; giữa cơ sở GDĐH và các cơ sở giáo dục dự bị… đang là nguyên nhân tạo ra những nguồn lao động qua đào tạo ĐH không đáp ứng được nhu cầu người sử dụng.
Vì vậy: "Liên kết phát triển giữa các hệ thống GDĐH và khu vực doanh nghiệp đang trở thành một trọng tâm chính. Không chỉ truyền đạt giáo dục, các trường ĐH còn được xem là nơi cung cấp các nguồn kỹ năng công nghệ có giá trị kỹ thuật, sự sáng tạo và tinh thần doanh nghiệp" – tác giả Prateek Tandon, chuyên gia kinh tế của WB cho biết.  Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, đối với Việt nam, để tiếp tục tăng trưởng nhanh và đạt được chiều sâu về công nghệ, cần phải ưu tiên cho 3 vấn đề trong ngành GDĐH bao gồm: Giải quyết những thiếu sót về kỹ năng thông qua chất lượng ĐH tốt hơn và mang tính toàn diện hơn; từng bước tăng số lượng sinh viên tốt nghiệp và tăng cường nghiên cứu liên quan đến các nhu cầu kinh tế trong trường ĐH.

Theo Phan Thủy
(PL&XH)

Bình luận (0)