Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Tổ chức Y tế Thế giới ủng hộ Việt Nam thành lập Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá

Tạp Chí Giáo Dục

Thay mặt Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Shin Yuong-soo – Giám đốc khu vực, Văn phòng WHO khu vực Tây Thái Bình Dương vừa gửi thư tới Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chúc mừng Chính phủ và Quốc hội Việt Nam về những tiến bộ đạt được trong việc xây dựng Dự thảo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) và mong muốn Quốc hội Việt Nam sẽ ủng hộ điều khoản thành lập Quỹ PCTHTL.
Bức thư có đoạn viết: Tôi rất lấy làm vinh dự được thay mặt WHO gửi tới Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lời chào trân trọng và lời chúc mừng Chính phủ và Quốc hội Việt Nam về những tiến bộ đạt được trong việc xây dựng dự thảo Luật PCTHTL, theo kế hoạch sẽ được phê chuẩn tại Quốc hội trong kỳ họp hiện nay và tiếp theo.
Dự thảo luật này là biểu hiện cụ thể sự ủng hộ của Việt Nam đối với quốc tế nhằm làm giảm những ca bệnh tật và tử vong sớm gây ra do bệnh không lây nhiễm trên toàn thế giới hiện nay. Để phòng chống bệnh không lây nhiễm một cách hiệu quả, điều quan trọng là cần có sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo đối với các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá toàn diện thông qua việc ban hành Luật ở cấp quốc gia.
Các bệnh không lây nhiễm đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Việt Nam với hơn 62% số ca mắc và số ca tử vong tại bệnh viện là do bệnh không lây nhiễm gây ra. Trong khi đó, thuốc lá lại là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh không lây nhiễm. Tính trung bình, thuốc lá là nguyên nhân gây ra 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% các ca bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Bức thư nêu rõ: Hàng năm, ước tính thuốc lá gây ra hơn 40.000 ca tử vong tại Việt Nam, ngoài ra, còn hàng trăm nghìn người mắc bệnh cần phải điều trị tại bệnh viện, dẫn đến sự quá tải tại các bệnh viện và gây ra những gánh nặng to lớn cho hệ thống y tế. Về khía cạnh kinh tế, ước tính chi phí điều trị tính riêng cho 3 loại bệnh do thuốc lá gây ra (trong tổng số hơn 25 bệnh) đã là trên 121 triệu USD vào năm 2007. Trong năm 2010, người dân Việt Nam tiêu tốn mât khoảng 1 tỷ USD cho việc mua thuốc lá để hút.
Người dân Việt Nam sẽ thu được những lợi ích hết sức to lớn từ việc ban hành một Luật PCTHTL mạnh. Các nghiên cứu cho thấy có thể phòng tránh được tới 9.000 ca tử vong sớm mỗi năm bằng việc thực hiện một nhóm các biện pháp PCTHTL dựa vào bằng chứng: In cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh chiếm trên 50% diện tích vỏ bao thuốc lá; thực thi cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và nơi công cộng trong nhà; cấm hoàn toàn quảng cáo, khuyến mại, tài trợ bởi các công ty thuốc lá; cấm đóng gói các bao nhỏ dành cho trẻ em (bao thuốc dưới 20 điếu); thực hiện thường xuyên các chiến dịch phòng chống về tác hại thuốc lá và tăng thuế thuốc lá. Trong các biện pháp này thì tăng thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất, đồng thời sẽ mang lại lợi ích đôi đường: Vừa làm tăng thu thuế cho Chính phủ, vừa giúp giảm sử dụng thuốc lá; đặc biệt, biện pháp này sẽ giúp làm giảm thanh thiếu niên bắt đầu hút thuốc.
Để đạt được mục tiêu giảm tác hại thuốc lá như đã nêu trong bản dự thảo Luật PCTHTL, việc có một nguồn kinh phí ổn định và đủ là vô cùng quan trọng để tiến hành các hoạt động PCTHTL như đề xuất trong dự thảo Luật. Đề xuất thành lập Quỹ PCTHTL và nâng cao sức khỏe cộng đồng là một giải pháp tốt cho nguồn kinh phí PCTHTL. Vì vậy, WHO cho rằng, điều khoản về Quỹ trong dự Luật có vai trò hết sức quan trọng.
Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá và nâng cao sức khỏe cũng là một cơ chế tốt để Việt Nam có thể thực hiện các nghĩa vụ quy định trong Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá, trong đó có yêu cầu: "Các bên tham gia công ước Khung nhận rõ được tầm quan trọng của nguồn tài chính trong việc thực hiện các mục tiêu của Công ước này", và "mỗi bên cần cung cấp hỗ trợ tài chính cho các hoạt động quốc gia nhằm đạt được mục tiêu của Công ước, phù hợp với kế hoạch, chương trình và ưu tiên của Quốc gia".
Kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra những lợi ích rõ rệt của việc ban hành thành lập Quỹ, Ban, Ủy ban hoặc các đơn vị tương tự chuyên trách về phòng chống tác hại thuốc lá và nâng cao sức khỏe cộng đồng; đã có khoảng 20 quốc gia hoặc bang đã thiết lập những cơ sở như vậy để cung cấp nguồn tài chính cho hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Ở châu Á thì các ví dụ điển hình có thể thấy ở Malaixia, Thái Lan và Singapo.
Với nhiều lợi ích như đã đề cập ở trên, WHO hy vọng rằng, Quốc hội Việt Nam sẽ ủng hộ điều khoản thành lập Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá và nâng cao sức khỏe cộng đồng trong dự thảo Luật phòng chống tác hại thuốc lá.
Bức thư nhấn mạnh: Tổ chức Y tế Thế giới sẵn sàng và hân hạnh được cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho Quốc hội và Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển và thông qua một Luật phòng chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân Việt Nam khỏi những hậu quả nghiêm trọng trong việc sử dụng thuốc lá./.
Theo Thu Hà
(ĐCSVN)

Bình luận (0)