Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đỗ cao, buồn hay vui?

Tạp Chí Giáo Dục

Kết quả thi tốt nghiệp phổ thông năm nay đã thể hiện những con số “ấn tượng” vì tỉ lệ đỗ cực cao, tăng từ 5% đến 30%, thậm chí có nơi 40%, khác hẳn bức tranh thi cử “thời hai không”.
Cụ thể nhiều địa phương có tỉ lệ đỗ rất cao như Bắc Giang 99,37%, Hòa Bình 97%, Thanh Hóa 99,23%, Quảng Nam 97,84%, Hà Tĩnh 99,14%, Đà Nẵng 97,2%… Ngay các tỉnh tốp dưới là miền Tây cũng không kém cạnh lắm: Sóc Trăng 90,74% (tăng 19% so với 2010), Hậu Giang 97,94% (tăng gần 10%), Trà Vinh 91,87% (tăng hơn 13%), Bạc Liêu 95%, An Giang 98,3%…
Trước số liệu đó nên buồn hay vui? Lẽ thường phải vui vì con em mình đã tiến bộ rõ. Song nhiều người đâm ra nghi ngờ sự “tiến bộ” vượt bậc ở một số tỉnh (nhất là miền Tây khi có dư luận cho rằng môn ngữ văn đã được thống nhất “ưu ái” để chấm rộng). Nhiều người thạo tin cho hay tâm lý chấm “rộng rãi” không phải tự dưng mà đến mà vì ai cũng cho đấy là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, chấm “chặt” như “thời hai không” thì có nguy cơ nhiều nơi lại phải tổ chức thi lại. Còn nhớ ở năm đầu tiên “nói không với bệnh thành tích trong giáo dục”, nhiều địa phương có tỉ lệ đỗ rất thấp, đến mức Bộ phải “nới” bằng cách cho phép thi lại. Theo đà ấy, sau năm năm những kết quả của “hai không” đã biến mất gần hết.
Thật ra dù tỉ lệ đỗ cao hay thấp thì học trò không mấy quan tâm. Sự quan tâm của các em giờ đây là chọn ngành nghề nào để “vào đời” vừa dễ xin việc, vừa dễ kiếm tiền. Tính thực dụng, cách tư duy đầy tính toán… đã thoải mái “nằm vùng” trong suy nghĩ của các em mà cách thức ngành giáo dục hiện áp dụng vừa dung dưỡng vừa bất lực. Cho nên dễ hiểu vì sao tỉ lệ “chọi” vào ngành văn học của ĐH Sư phạm Đà Nẵng năm nay chỉ có 1/0,99 (149 em đăng ký, lấy 150); ngành văn hóa học tỉ lệ 1/0,46 (23 em đăng ký, lấy 50), trong khi tỉ lệ ở ngành quản lý tài nguyên và môi trường lại lên tới trên 1/37!
Nhiều nhà giáo đã cho rằng thực chất là ngành giáo dục đang chạy theo xu hướng nhồi nhét kiến thức, tạo ra những con người “thuộc bài”, rồi buộc phải hợp thức hóa các “thành phẩm” đó bằng cách “nới” điểm tốt nghiệp để không gây sức ép cho xã hội về trường lớp, giáo viên và chỗ ngồi ở năm kế tiếp.
Nên học trò đỗ nhiều mà chẳng biết vui hay buồn?!
Theo phapluattp

 

 

Bình luận (0)