Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dịch bệnh tại TP.HCM: Tay chân miệng chưa lui, sốt xuất huyết đã tăng

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh nhân SXH đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM
Sáng 6-7, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức giao ban định kỳ. Tại đây, bác sĩ Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế TP nhấn mạnh: “Điều ngành y tế lo lắng nhất, cuối cùng cũng đã xuất hiện. Đó là dịch bệnh tay chân miệng (TCM) chưa lui thì sốt xuất huyết (SXH) đã tăng”…
Đúng vậy. Những ngày này, các bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 không chỉ quá tải bởi bệnh TCM mà số bệnh nhân nhập viện vì mắc SXH cũng tăng đột biến. Bên cạnh đó, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM cũng “nóng” vì ngày càng có nhiều ca SXH người lớn nhập viện. Điều đáng báo động là số ca mắc SXH nặng ngày càng nhiều…
Những con số biết nói
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ – Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết: “Tháng 6-2011, toàn TP có 887 ca SXH, tăng 269 ca so với tháng 5 (518 ca) và cao hơn tháng 6-2010 là 568 ca. Cộng dồn từ đầu năm đến nay có 4.715 ca, tăng trên 200% so với cùng kỳ năm 2010 (2.316 ca). Sáu tháng đầu năm 2010 không có trường hợp mắc SXH nào tử vong nhưng sáu tháng đầu năm 2011 có 2 ca tử vong, trong đó tháng 6 là 1 ca. Dịch bệnh sẽ kéo dài từ nay đến cuối năm”.
Trong tháng 6, TP có 241 phường, xã có người mắc bệnh SXH. Trong đó phải kể đến các quận: Q.7 (trên 60 ca), Q.8 (gần 90 ca), Q.11 (50 ca), Tân Bình (gần 60 ca), Thủ Đức (gần 70 ca), Bình Tân (trên 50 ca), Bình Chánh (trên 70 ca), Tân Phú (45 ca), Bình Thạnh (50 ca). Mỗi quận, huyện có từ 5-7 phường, xã, thậm chí là 9-10 phường, xã có ca bệnh.
Lâu nay mọi người vẫn cho rằng, SXH chỉ xảy ra ở những quận ven, huyện ngoại thành do vệ sinh kém, đời sống người dân chưa cao. Song, năm nay SXH đã “tấn công” cả các quận trung tâm như Q.1 (gần 40 ca trong tháng 6), Q.3 (tháng 6 có gần 30 ca), Q.5 (tháng 6 có trên 20 ca). Q.1 có 3 phường trọng điểm về SXH là Bến Thành, Nguyễn Cư Trinh và Phạm Ngũ Lão có từ 29-34 ca bệnh/6 tháng/phường; Q.3 có phường 11 – 19 ca (trong đó tháng 6 có 6 ca); Q.5 có phường 11 – 12 ca (chỉ riêng tháng 6 là 6 ca).
SXH đã “nóng”, TCM còn “nóng” hơn. Theo chu kỳ thì mỗi dịch bệnh từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc thường kéo dài khoảng 4-5 tháng. TCM bắt đầu xuất hiện từ tháng 2-2011. Trong tháng 2 chỉ có 84 phường, xã có ca bệnh với 101 trường hợp mắc. Đến tháng 6 đã tăng lên 305 phường, xã có ca bệnh với 2.093 trường hợp mắc. Tăng 660 ca so với tháng 5-2011 (1.433 ca) và 1.752 ca so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng số ca bệnh TCM sáu tháng đầu năm nay là 4.770 ca, trong khi đó sáu tháng năm 2010 chỉ có 1.638 ca. Điều đáng báo động là sáu tháng đầu năm 2011 đã có 17 trường hợp tử vong. Số quận, huyện có nhiều ca bệnh TCM là Q.8, Bình Chánh, Bình Tân, Tân Phú, Q.12, Gò Vấp, Hóc Môn…
Chặn đứng TCM và kiềm chế gia tăng SXH
Trước sự bùng phát của TCM, tháng 5, Sở Y tế TP.HCM đã phát động tháng cao điểm phòng chống dịch bệnh TCM (từ 1 đến 31-5). Mặc dù các quận, huyện tập trung vào chiến dịch phòng dịch, tuy nhiên số ca bệnh không những không giảm mà tăng chóng mặt. Tháng 4 chỉ có 640 ca, tháng 5 tăng lên 1.433 ca. Theo đó, tháng 6, Sở Y tế lại tiếp tục phát động tháng cao điểm phòng chống dịch bệnh TCM. Kết quả, số ca mắc tăng đột biến lên 2.093 ca.
Về vấn đề này, bác sĩ Phạm Việt Thanh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM băn khoăn: “Phải chăng chúng ta triển khai chưa cụ thể mà chỉ chống dịch một cách chung chung. Trong thời gian tới, nếu chúng ta không nỗ lực lớn thì rất khó dập tắt sự bùng phát của dịch bệnh”.
Q.8 là địa phương có đông bệnh nhân TCM cũng như SXH. Đại diện Phòng Y tế Q.8 giải thích: “Trong hai tháng 5 và 6, chúng tôi đã vất vả chống cả hai dịch bệnh TCM và SXH. Kết quả, TCM thì chưa giảm mà SXH đã bùng lên. Tồn tại lớn nhất của Q.8 là sự tham gia của người dân còn hạn chế, đã phát thuốc chloramine B và hướng dẫn cách khử khuẩn nhưng người dân không biết làm, hoặc không làm. Không chỉ có vậy, ở một số phường, chính quyền khoán trắng việc chống dịch cho trạm y tế”.
Đại diện Phòng Y tế Q.Bình Thạnh cũng cho biết: “Trong tháng 6, lãnh đạo quận cùng Phòng Y tế đã đi giám sát công tác chống dịch tại bốn phường có nhiều ca bệnh là P.3, P.7, P.11 và P.26. Qua đó phát hiện sự phối hợp giữa chính quyền, người dân và ngành y tế chưa tốt…”.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Lê Trường Giang thì: “Chúng ta không thể nói là người dân không hiểu, không quan tâm đến công tác chống dịch. Nhiệm vụ của ngành y tế là làm cho người dân hiểu đúng, thực hiện đúng. Các quận, huyện cần phải coi lại cách chống dịch của mình”.
Chỉ với hai dịch bệnh là TCM và SXH, trong sáu tháng đầu năm thành phố đã có trên 9 ngàn ca bệnh và 19 ca tử vong. Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế thì dịch bệnh, nhất là SXH sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. “Phải làm sao trong tháng 7 này dập tắt được TCM để tháng 8 “đánh” SXH”, bác sĩ Giang chỉ đạo.
Bài, ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)